Tiêu Phong hay Kiều Phong là một trong ba nhân vật chính xuất hiện trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, một trong những kỳ tài võ học và là bậc đại anh hùng xuất chúng nhất trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung. Là một người có đầy đủ cả đức và tài, tài năng võ công của Tiêu Phong là một kỳ tài võ học trời ban, đã học là biết, đã biết là tinh thâm. Môn võ nào dưới tay Tiêu Phong thì cũng đều thi triển đạt uy lực cực cao, ngay cả đó là những chiêu thức phổ thông bình thường.
Tiêu Phong cũng là người có tính tình phóng khoáng, phong thái của một bật đại trượng phu, quang minh chính đại, phát huy tối đa truyền thống “Trừ Cường Tế Nhược” của Cái Bang, được người đời bội phục. Tài đức vẹn toàn là vậy, nhưng số phận của Tiêu Phong lại không được đẹp đẽ tới vậy. Là một nạn nhân âm mưu quyền lực mơ hồ của nhà Mộ Dung đã khiến cho cả một cuộc đời của Tiêu Phong là những bi kịch nối tiếp bi kịch.
Thân phận Khiết Đan đã khiến cho người Tống không còn ủng hộ, những vụ án hàm oan đều chỉa về phía ông, những bằng hữu huynh đệ đều quay lưng tuyệt giao để rồi cuối cùng phải lấy mạng sống của mình để đổi lấy hòa bình yên ấm cho hai dân tộc, viết lên một bản thiên anh hùng ca của một bật đại anh hùng trong kiếm hiệp Kim Dung.
Vậy thì liệu các bạn có hiểu rõ về cuộc đời của vị anh hùng thật sự nhưng cũng gắn liền với bi kịch triệt để này không? Hãy cùng mình tìm hiểu về nhân vật Tiêu Phong trong bài viết này nhé.
Trước tiên hãy cùng mình bắt đầu từ sự kiện thảm sát tại Nhạn Môn Quan. Đó là câu chuyện của 30 năm về trước, khi gia đình của Tiêu Viễn Sơn trở về đại Tống để thăm cố nhân. Tiêu Viễn Sơn vốn là một đệ nhất dũng sĩ của Khiết Đan, nhưng lại rất coi trọng người Hán, nhiều lần can gián không để cho Đại Liêu và Đại Tống xảy ra chiến tranh.
Và trong lần trở về đại Tống này ông cũng đã trở thành mục tiêu âm mưu chính trị của nhà Mộ Dung. Ham muốn phục quốc tột độ của Mộ Dung Bác đã khiến cho hắn dùng kế sách đó là vu oan cho Tiêu Viễn Sơn vào Trung Nguyên để ăn cắp bí kíp võ công của Thiếu Lâm. Mộ Dung Bác đánh giá cái chết của Tiêu Viễn Sơn có thể sẽ tạo nên một mâu thuẫn giữa hai nước, và nếu Tống Liêu xung đột thì sẽ tạo ra một cơ hội trời ban để nguyện ước phục quốc của nhà Mộ Dung trở nên khả thi hơn.
Đúng như dự tính của Mộ Dung Bác các cao thủ Trung Nguyên đã ngay lập tức ra tay để bảo vệ di sản của võ lâm. Họ đã vây đánh gia đình Tiêu Viễn Sơn ngay ở Nhạn Môn Quan mà không dò xét rõ ràng sự việc. Mặc dù, Tiêu Viễn Sơn là bật đại cao thủ có thể cân hàng chục cao thủ Trung Nguyên một lúc, nhưng vợ ông vẫn thiệt mạng trong sự kiện này. Tiêu Viễn Sơn đã đau buồn cùng với vợ nhảy xuống vực và để lại đứa con là Tiêu Phong ở lại khi biết đứa bé vẫn còn sống.
Khi này thì các cao thủ Trung Nguyên cũng nhận ra sai lầm của mình và chọn cách nuôi dưỡng đứa bé cẩn thận như một trong những cách khắc phục hậu quả không đáng có. Cậu bé đã được gửi tới cho một đôi vợ chồng họ Kiều nuôi dạy, từ đó cái tên Kiều Phong cũng đã ra đời. Khi lớn lên, Huyền khổ đại sư của Thiếu Lâm Tự đã nhận Kiều Phong làm đệ tử và truyền dạy võ công.
Sau này, Kiều Phong tiếp tục gia nhập Cái Bang và được bang chủ Uông Kiếm Thông truyền dạy Hàng Long Thập Bát Chưởng một trong hai tuyệt học trấn bang của Cái Bang. Nhờ vào tài năng võ công siêu việt và tính cách anh hùng hiệp nghĩa được rèn dũa, Kiều Phong luôn hoàn thành xuất sắc các trọng trách được giao và được kế thừa chức vị bang chủ sau khi Uông Kiếm Thông qua đời.
Trong thời gian này Kiều Phong đã được cả võ lâm kính nể vì tài nghệ võ công xuất chúng lẫn sự nghĩa khí hào hiệp, được giang hồ truyền tụng “Bắc kiểu phòng, Nam Mộ Dung“, một cao thủ nổi tiếng ở Giang Nam, ám chỉ tới Mộ Dung Phục cùng thời, trớ trêu lại chính là dòng họ đã hãm hại nhà mình khi xưa. Trong một lần tình cờ, Kiều Phong đã gặp được Đoàn Dự tại một quán rượu, vì hữu duyên nên cả hai đã kết nghĩa huynh đệ.
Thời gian này, Khang Mẫn vợ của Mã phó bang chủ Cái Bang hận Kiều Phong vì đã không ngó ngàng gì tới mình nên đã xúi chồng nói ra nguồn gốc của Kiều Phong là người Khiết Đan. Mối thâm thủ giữa hai dân tộc đã khiến cho mọi cống hiến và thành tích của Kiều Phong đổ sông đồ bể, cả võ lâm nhìn Kiều Phong với một ánh mắt khác, ánh mắt của kẻ thù hơn là một đại anh hùng của nhà Tống.
Điều này khiến cho Kiều Phong bị phế truất ngôi vị bang chủ của mình, nhưng ông vẫn không một lời oán hận. Khi Kiều Phong nhận ra tên thật của mình là Tiêu Phong thì cũng là lúc một biến cố khác ập đến với ông, đã có một kẻ giấu mặt cải trang thành mình rồi xuống tay với cha mẹ nuôi lẫn sư phụ của Tiêu Phong, khiến cho Tiêu Phong phải chịu tiếng bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, cả võ lâm trở nên hận thù và muốn tiêu diệt Tiêu Phong ngay lập tức.
Trong khi điều tra sự việc, Tiêu Phong đã vô tình gặp được A Châu trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự khi cô bị trụ trì Thiếu Lâm Tự đánh trọng thương. Vì lòng hiệp nghĩa, Tiêu Phong đã tìm mọi cách để cứ sống cô. Biết rằng, Tiết Thần Y người duy nhất có khả năng cứu được A Châu đang ở Tụ Hiền Trang, nơi đang diễn ra đại hội anh hùng quy tụ các nhân sĩ võ lâm và các môn phái với mục đích để bàn kế sách giết chính mình.
Tuy nhiên, Tiêu Phong không quan tâm tới điều đó, biết là nguy hiểm nhưng vẫn tới chỉ để A Châu được chữa trị. Tiết Thần Y nhận lời chữa trị cho A Châu nhưng mối hận thù với quần hùng võ lâm thì không thể bỏ qua. Vì có cả những bằng hữu đã vào sinh ra tử cùng mình trước đây, nên Tiêu Phong đã dùng rượu để làm lễ tuyệt giao trước khi xuống tay cho trọn nghĩa khí của mình.
Sau đó một trận chiến kinh thiên động địa đã diễn ra, một mình Tiêu Phong cân cả quân hùng tại đó. Mới đầu, Tiêu Phong vẫn giữ được lòng nhân nghĩa không ra tay quá tuyệt tình, nhưng dần dần ông đã bị mất tự chủ, uy lực của Giáng Long Thập Bát Chưởng đã làm cho phân nửa người tham gia đại hội bỏ mạng. Hối hận vì điều này, Tiêu Phong đã định tự sát để tạ tội nhưng lại được một người bí ẩn cứu đưa đi.
Sau đó, Tiêu Phong đã gặp được lại A Châu tại Nhạn Môn Quan. Họ đã bên nhau khi A Châu thích sự nghĩa hiệp khí phách của Tiêu Phong, còn Tiêu Phong cũng mến nàng vì đã luôn ở bên cạnh an ủi chia sẻ và cảm thông cùng với mình.
Sau đó, Tiêu Phong tin theo tin giả đã nghĩ Đoàn Chính Thuần chính là tên thủ lĩnh nhóm cao thủ hãm hại gia đình mình năm xưa nên đã tìm tới Đoàn Chính Thuần để quyết đấu. A Châu sợ điều này sẽ làm cho các cao thủ của Đại Lý tìm Tiêu Phong để báo thù nên đã cải trang thành Đoàn Chính Thuần, và chính chưởng pháp của Tiêu Phong đã cướp đi mạng sống của cô.
Đó là một điều trớ trêu với Tiêu Phong khi ông nỗ lực cứu cô nhưng rồi lại chính tay mình cướp đi mạng sống của cô. A Châu đã để lại di nguyện nhờ Tiêu Phong chăm sóc cho A Tử, em gái của mình. Tiêu Phong đã nhận lời và nguyện sẽ bên cạnh cô khi đã trả thù được cho cha mẹ mình.
Sau này, Tiêu Phong đã lưu lạc sang Khiết Đan và được vua Khiết Đan là Gia Luật Hùng Cơ kết nghĩa huynh đệ và được phong làm Sở vương khi đã phá được loạn Sở vương trước đó. Nó cũng là một điều trớ trêu khi mà Sở vương chính là Nam Viện đại vương, danh hiệu nam chinh đánh Tống.
Trong lần tìm kiếm A Tử, Tiêu Phong đã tới được Thiếu Lâm Tự đúng vào dịp bang chủ Cái Bang là Du Thản Chi đang kiêu chiến với Thiếu Lâm Tự. Lúc này, Tiêu Phong đã kết nghĩa huynh đệ thêm với Hư Trúc, một nhà sư có duyên với phái Tiêu Giao. Tại đó chân tướng sự việc Nhạn Môn Quan cũng đã được hé lộ hoàn toàn khi chính trụ trì Thiếu Lâm Tự lại là thủ lĩnh nhóm cao thủ hãm hại gia đình mình năm xưa.
Cùng với đó là việc hai nhân vật bí ẩn là Mộ Dung Bác và cha của Tiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn cũng đã xuất hiện tại đó. Mộ Dung Bác tiếp tục ẩn mình ở Thiếu Lâm để đánh cắp các tuyệt kỹ của Thiếu Lâm phục vụ cho âm mưu phục quốc của mình, còn Tiêu Viễn Sơn cũng ở đây để nghiên cứu võ học trả thù cho những kẻ đã khiến ông tan cửa nát nhà năm xưa.
Ân oán này tưởng chừng như sẽ tiếp diễn một vụ thảm sát các đại cao thủ kinh hoàng như khi xưa, nhưng một vị cao tăng vô danh đã xuất hiện hóa giải mọi ân oán khiến cho Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đều lựa chọn xuất gia quy y cử Phật.
Khi Tiêu Phong trở lại Khiết Đan thì lại biết được tin nhà vua định xâm lược đại Tống, Tiêu Phong được phong chức Bình Nam đại nguyên soái, cầm đầu binh lính tấn công đại Tống. Tiêu Phong đã rất nỗ lực ngăn cản điều này tới nỗi bị nhà vua nhốt lại, may mắn là Hư Trúc và Đoàn Dự đã tới cứu được Tiêu Phong ra ngoài. Họ đã cùng tới Nhạn Môn Quan để ngăn chặn đà tiến quân của nhà Liêu khi quan trấn giữ đã bỏ chạy, nhưng quần hùng Trung Nguyên thì đã sẵn sàng nghênh chiến tại đó.
Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự đã xông ra bắt được vua Khiết Đan, bắt ông ta phải hứa sẽ không đánh nhà Tống nữa. Nhưng điều này khiến cho Tiêu Phong chính thức mang tiếng là phản bội lại cả hai dân tộc, một nơi mình sinh ra và một nơi lớn lên. Cùng với đó, chỗ dựa tinh thần của ông là A Châu thì cũng đã không còn, giang hồ cũng chẳng còn chỗ cho ông nương thân.
Tiêu Phong đã chọn lấy cái chết để tạ tội với tổ tông, chứng minh sự trung nghĩa vẹn toàn của mình cho cả hai dân tộc bất chấp góc nhìn của thế gian. Cái chết của Tiêu Phong vừa là một sự giải thoát cho những nghiệt ngã số phận của ông, vừa là thể hiện khát vọng thái bình cho người dân. Một cái chết của một vị đại anh hùng nghĩa hiệp, vì giang sơn xã tắc, vì bằng hữu huỳnh đệ, cách duy nhất chứng minh lòng trong sạch cho những điều mà ông yêu quý.
Tiêu Phong được mô tả là có thân hình khôi vĩ, khuôn mặt rắn rỏi, mày rậm, mắt to và sáng, dáng vẻ thô hào nhưng quân tử chính trực, tính tình phóng khoáng, đường hoàng đĩnh đạc, phong thái đại trượng phu quang minh chính đại, hành xử không bao giờ cầu thả. Nhắc tới Tiêu Phong thì không thể không nhắc tới Hàng Long Thập Bát Chưởng, chưởng pháp trấn bang của Cái Bang. Trong ấn bản mới nhất, chưởng pháp này có tên ban đầu là Hàng Long Nhị Thập Bát Chưởng nhưng về sau Tiêu Phong cảm thấy 10 chiêu thức cuối của Hàng Long không nhiều uy lực và quá cồng kềnh nên đã cùng với Hư Trúc lược bỏ, tinh giản, dung nhập vào 18 chiêu thức đầu tạo thành Hàng Long Thập Bát Chưởng như bây giờ
Theo như Kim Dung, Hàng Long của Tiêu Phong là vô địch thiên hạ, là người thi triển Hàng Long có uy lực nguyên bản mạnh mẽ nhất. Quách Tĩnh dùng Hàng Long có sử dụng thêm Cửu Âm Chân Kinh và Song Thủ Hỗ Bác tương trợ cũng đã khiến cho Hàng Long biến ảo vô cùng. Nhưng xét về độ thuần của dùng Hàng Long thì không ai hơn được Tiêu Phong.
Tiêu Phong là người duy nhất có để sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng ở mức độ xuất chiêu thần tốc, trong chớp mắt có thể xuất tới ba chiêu Kháng Long Hữu Hối, kình phong bắn xa cả chục trượng. Hàng Long của Tiêu Phong được tác giả mô tả là mãnh liệt không ai bì kịp, ngay cả những đại cao thủ đương thời như Mộ Dung Bác hay là Vô Danh thần tăng khi đỡ chưởng Hàng Long của Tiêu Phong cũng đã phải chấn động toàn thân.
Ngoài Hàng Long Thập Bát Chưởng vang danh thiên hạ, Tiêu Phong cũng thi triển các võ công khác đều ở mức xuất thần, là người có thần lực trời bàn kỳ tài võ học, đã học là biết đã biết là tinh thâm, càng trong hoàn cảnh khó khăn thì tiềm lực bộc phát càng mạnh mẽ. Bất kỳ võ công nào được Tiêu Phong triển khai thì đều đạt tới uy lực cực cao, kể cả đó có là những chiêu thức phổ thông bình thường như Thái Tổ Trường Quyền, một quyền pháp tầm thường cũng đã trở nên tinh diệu, đấm cho Huyền Tịch, Huyền Nạn tại Tụ Hiền Trang không trượt phân nào.
Khi gặp các đối thủ có nội công thâm hậu với các chiêu thức biến hóa khó lường thì trong những thời khắc sinh tử quyết định, chỉ với một chiều nửa thức Tiêu Phong cũng có thể lật ngược tình thế đả bại đối thủ phải tâm phục khẩu phục.
Cuộc đời của Tiêu Phong có thể gói gọn trong hai chữ đó là anh hùng và bi kịch, mang tiếng xấu là bất trung tội đồ của dân tộc. Nhưng Tiêu Phong lại có một tấm lòng Bồ Tát, sẵn sàng từ bỏ chữ trung để đổi lấy thái bình cho thiên hạ. Bi kịch ở Tụ Hiền Trang về cơ bản là cả hai đều không sai, Tiêu Phong điều tra sự thật thì đều vô tình có mặt khi án mạng xảy ra khiến mình trở thành nghi phạm số một, còn quần hùng Tụ Hiền Trang thì chỉ đơn giản là muốn trừ hại cho dân.
Một bên tìm biện pháp để ngăn chặn, một bên thì cố gắng minh oan cho bản thân, nhưng sự xuất hiện của Tiêu Phong tại Tụ Hiền Trang lại thành việc cứu một người bằng cả tính mạng nhưng lại thảm sát nguyên một nửa quần hùng ở đó.
Một trong những bi kịch lớn nhất trong lòng của Tiêu Phong đó chính là chữ tình khi đã vô tình lấy mạng của A Châu. Mặc dù trước đó, Tiêu Phong cũng đã rất cẩn thận hỏi rõ đối phương, nếu có uẩn khúc thì cứ lên tiếng chứ không thẳng tay mà không cần lý lẽ. Bản thân A Châu khi đó đã bị kẹt giữa chữ hiếu và chữ tình, không muốn cha và người thương tàn sát lẫn nhau, cam nguyện hy sinh tính mạng để hóa giải ân oán. Nó đã vô tình tạo ra một bi kịch không lối thoát cho chính Tiêu Phong, nhưng ít ra hành động này cũng đã mang lại những mặt tích cực riêng của nó khi không làm cho Tiêu Phong đi vào vết xe đổ oan ức mà chính gia đình mình đã từng bị hãm hại năm xưa.
Những bi kịch mà Tiêu Phong gặp phải luôn được hóa giải bởi những người khác, từ A Châu tới Vô Danh thần tăng và cuối cùng chính là từ Tiêu Phong tự tay hóa giải. Nó luôn truyền tới một thông điệp về sự gạt bỏ thù hận, sự lựa chọn tốt đẹp cho bản thân là luôn có.
Nếu ngay từ đầu ở Nhạn Môn Quan, khi Tiêu Phong cùng với A Châu lựa chọn một cuộc sống rời xa giang hồ trong bình yên thì có lẽ ông đã có một cuộc đời thảnh thơi cho mình, nhưng nhiều bạn sẽ bảo: “Thế thì Liêu Tống phang nhau là cái chắc!!!“
Có một điều các bạn nên nhớ là Kim Dung đưa các câu chuyện bám sát vào lịch sử nên đó là điều hiển nhiên. Tiêu Phong ngăn chặn xung đột sẽ là giải pháp tốt nhất chứ không phải là giải pháp duy nhất.
Tiểu Phong bất nghĩa nhưng luôn nghĩ cho bạn bè bằng hữu. Tiêu Phong bất trung nhưng luôn nghĩ cho người dân nước Tống, cứu vua Liêu tới hai lần. Cái chết của Tiêu Phong chính là một sự khẳng định rõ ràng nhất cho điều đó.
Tiêu Phong là một nhân vật bi kịch, không có gì đến với ông một cách dễ dàng tự nhiên, mọi thứ đều là nỗ lực là cố gắng, là vươn lên không ngừng bằng sự thông minh, gian khổ và tôi luyện. Tiếc rằng mọi thành tựu điều về con số 0 khi ông nhận ra xuất phát điểm của mình không phải là một người Hán
Bi kịch của Tiêu Phong không phải là mất chức bang chủ, không phải là bị nghi ngờ, mà ông không thuộc về nơi nào cả. Hán không công nhận còn Liêu cũng chẳng còn quen biết, đây là một bi kịch của một anh hùng cô đơn, cô đơn vì người hiểu ông nhất, yêu ông nhất thì đã không còn, cô đơn vì xã hội đó đã buộc ông phải lựa chọn.
Với Tiêu Phong thì không có định nghĩa không cầu mà được, một triết lý rất phổ biến trong kiếm hiệp Kim Dung, thành ra Tiêu Phong lại chính là mẫu nhân vật sống thực nhất trong các nhân vật lý tưởng của Kim Dung. Trương Vô Kỵ thì quá hoàn hảo, Quách Tĩnh nhân hậu nhưng khờ khạo, Dương Quá thông minh nhưng bất chấp cực đoan, Vi Tiểu Bảo thì quá ma lanh.
Còn với Tiêu Phong thì đơn giản đó là một bật đại trượng phu đúng nghĩa, chung thủy, trung nghĩa, trung lương, tử tế, tài giỏi nhưng cũng rất tội nghiệp và đáng thương, không đợi ai thương hại mà đấm vỡ mồm kẻ sàm tiếu mình.
Chính vì thế, nhiều người cũng sẽ nhận xét rằng Tiêu Phong là một nhân vật hoàn mỹ nhất, không ai có thể thay thế. Tiêu Phong là một anh hùng trong võ lâm, là bang chủ của Cái Bang với tinh thần trượng nghĩa, hào sản, luôn hết lòng vì người mình yêu.
Hình tượng Tiêu Phong trên màn ảnh thì có lẽ bản của Hồ Quân sẽ được khán giả yêu mến nhất, được nhận xét là hoàn hảo không khác gì nhân vật bước ra từ trong tiểu thuyết, làm say đắm biết bao trái tim của khán giả từ ngoại hình, diễn xuất cho tới những màn võ thuật đẹp mắt. Cố nhà văn Kim Dung cũng đã khẳng định Hồ Quân là diễn viên tiêu biểu, dũng mãnh và khí phách, lột tả thành công nhất nhân vật Tiêu Phong mà ông đã xây dựng.
Có một điều thú vị là nhiều bạn sẽ nhận ra số phận của Tiêu Phong và Dương Khang là tương đối giống nhau, cách hành xử vì dân tộc mà mình lớn lên và cái kết chết thảm cũng khá là tương đồng. Nhưng một người thì trở thành đại anh hùng, còn một người thì bị chửi là bán nước cầu vinh.
Và đó cũng là toàn bộ chia sẻ của mình về nhân vật Tiêu Phong trong kiếm hiệp Kim Dung. Các bạn thích Tiêu Phong ở điểm nào, hãy comment chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé.