Chúng ta vẫn hay nói với nhau cụm từ “thế giới phẳng” hay “toàn cầu hóa”, như muốn đề cập đến việc thế giới ngày một xích lại gần nhau, khi các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc… như được thu hẹp lại. Thế giới không chỉ liên kết với nhau một cách vô hình nhờ công cụ internet, mà còn xích lại gần nhau nhờ tiến bộ khoa học công nghệ. Ngay cả những yếu tố cần liên kết với nhau về mặt vật lý cũng đã được truyền tải một cách thuận lợi hơn từ nước này tới nước kia bất chấp rào cản biên giới lãnh thổ.
Câu chuyện hôm nay mà mình muốn kể với các bạn xuất phát từ ngay Việt Nam chúng ta trong khu vực ASEAN, nơi đang hình thành mối liên kết lưới điện chặt chẽ để cùng tồn tại trong thời kỳ cùng phát triển bền vững về năng lượng. Có bao giờ các bạn nghĩ rằng Việt Nam sẽ xuất khẩu điện lưới cho Singapore hay không, khi hai nước cách nhau cả 1 quãng đường mênh mông trên biển.
Nhưng giờ chuyện đó đang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Điện Việt Nam tới Singapore bằng cách nào?
Điện năng có lẽ là một trong những mặt hàng đặc biệt nhất. Với những thứ hàng hóa khác, bạn có thể đóng gói, dự trữ, rồi chuyển đến nơi cần trên những chuyến tàu, những chuyến bay hay bằng bất cứ phương tiện di chuyển nào khác khả thi. Nhưng truyền tải điện năng thì không thể sử dụng phương pháp như vậy, vì truyền tải điện cần mối liên kết về mặt vật lý mà cụ thể chính là đường dây.
Việt Nam có thể xuất khẩu điện cho Lào, Campuchia và nhập khẩu lại điện từ chính Lào. Mọi thứ được tiến hành không quá phức tạp khi chúng ta có đường biên giới trên bộ gần gũi với hai quốc gia kể trên, nên việc lắp đặt đường dây cũng trở nên khả thi. Nhưng với Singapore thì sao? Có hai con đường để điện Việt Nam đến với Singapore.
Đầu tiên là truyền tải thông qua đường dây từ quốc gia thứ ba. Điều này có khả thi hay không? Hoàn toàn có thể vì đã được nước bạn Lào thực hiện. Từ giữa năm 2022, Lào đã bắt đầu xuất khẩu điện sang Singapore thông qua hai quốc gia là Thái Lan và Malaysia. Khoảng 100 MW điện từ Lào sẽ được đưa đến Singapore bằng cách đấu nối liên kết hiện có trong khuôn khổ dự án tích hợp điện của Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore
Dự án này được các chính phủ thành lập cách đây 10 năm. Con số 100 MW này chiếm khoảng 1% nhu cầu điện cao điểm của Singapore vào năm 2020, và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 144.000 căn hộ chung cư bốn phòng ở Singapore. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Singapore nhập khẩu năng lượng tái tạo và đây cũng là thỏa thuận mua bán điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên liên quan đến hẳn bốn nước tại ASEAN. Con đường đầu tiên đã được Lào và Singapore mở ra và Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo cách như vậy.
Nhưng chúng ta còn có một phương án nữa để lựa chọn đó là “cáp ngầm”. Phương án cáp ngầm từ Việt Nam đến thẳng Singapore được đánh giá là một dự án táo bạo vì quãng đường trên biển kéo dài cả nghìn cây số, nhưng phương án này đã được hai bên đồng thuận. Nguồn điện sẽ được truyền từ Việt Nam đến Singapore thông qua các tuyến cáp ngầm mới ở trên biển, dự kiến có chiều dài khoảng 1000km.
Phải khẳng định rằng, tuyến cáp ngầm này chưa được xây dựng nhưng sẽ là dự án được hoàn thành trong tương lai để đưa thỏa thuận nhập khẩu điện từ Việt Nam trở thành thực tế. Kế hoạch này dự kiến đi vào hoạt động năm 2033, khi mà các dự án điện gió của Việt Nam tại biển Đông phát triển mạnh mẽ, còn tuyến cáp ngầm truyền tải điện cũng được xây dựng.
Vì sao lại là cáp ngầm?
Như đã đề cập ở trên, có hai lựa chọn để truyền tải điện từ Việt Nam sang Singapore, nhưng lựa chọn khó hơn là xây cáp ngầm ở biển được lựa chọn thay vì đi nhờ đường của Lào, đường của Thái Lan và đường của Malaysia. Lựa chọn này có lý do riêng của nó, theo đó một nghiên cứu giữa Singapore và Mỹ cho thấy các kết nối dưới biển trong khu vực sẽ giúp giảm tải phát thải, giảm chi phí vốn và chi phí vận hành bảo trì, đồng thời tăng cường triển khai năng lượng tái tạo.
Singapore thì đang hướng đến việc sử dụng năng lượng sạch và nhập khẩu nhiều hơn từ nước ngoài, nên đây là phương án khả thi mà họ hướng đến. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải dưới biển, những kết quả của nghiên cứu này sẽ thúc đẩy sự thay đổi tư duy về cách kết nối điện lưới trong khu vực, điều này sẽ góp phần vào sự phát triển điện lưới của khu vực Đông Nam Á nói chung vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm.
Câu hỏi được đặt ra là cáp ngầm dẫn điện này dài đến 1000km liệu đứng thứ bao nhiêu về hệ thống dẫn điện dưới biển ở trên thế giới? Chưa biết ở thời điểm hoàn thành nó sẽ đứng ở vị trí nào, nhưng lúc này nó đã hơn dự án ngầm dẫn điện dài nhất thế giới giữa Anh và Đan Mạch. Cuối năm 2023, lưới điện của Anh và Đan Mạch lần đầu tiên được kết nối vật lý sau khi hoàn thành việc nối cáp dưới biển, thuộc dự án đường dây liên kết có tên là Viking Link, và đây chính là dự án kết nối điện ở dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 764,4 km.
Dự án này trị giá 1,7 tỷ bảng Anh tương ứng với 2 tỷ Euro. Viking Link sẽ giúp cung cấp điện tái tạo cho 1,4 triệu hộ gia đình ở vương quốc Anh, dự án này thì có chiều dài bằng khoảng 3/4 dự án giữa Việt Nam và Singapore. Nó đủ cho thấy tham vọng của hai quốc gia để kết nối vật lý với nhau là như thế nào, nhưng đây sẽ chẳng phải là mỗi liên kết duy nhất một cách trực tiếp giữa Việt Nam và Singapore.
Trước khi tuyến cáp điện dưới biển đi vào hoạt động dự kiến vào năm 2033, một tuyến cáp internet sẽ nối liền hai quốc gia đó là tuyến cáp quang biển VTS do Viettel và Singtel đồng sáng lập, dự kiến khai thác vào năm 2027, kết nối Việt Nam với đảo quốc sư tử này. Trong biên bản ghi nhớ giữa hai bên hồi tháng 4 năm 2024, ngoài trục chính, tuyến có các nhánh cập bờ tại Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Đây là tuyến cáp trực tiếp đầu tiên do một đơn vị Việt Nam và Singapore cùng xây dựng, là tuyến ngắn nhất kết nối Việt Nam tới trung tâm dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á tại Singapore.
Việt Nam sẽ cung cấp 1/10 điện năng cho Singapore
Trở lại với câu chuyện điện năng xuất khẩu, tuyến cáp quang biển đầy tham vọng kia sẽ là một dự án lớn cung cấp nguồn điện khổng lồ cho Singapore. Theo dự kiến, đến năm 2035 Singapore sẽ nhập khẩu khoảng 4 GW điện carbon thấp, chiếm khoảng 30% nguồn cung điện dự kiến của Singapore vào thời điểm nói trên.
Như vậy năng lượng điện từ Việt Nam chuyển sang Singapore vào thời điểm đó sẽ chiếm khoảng 1/10 nhu cầu điện năng của toàn quốc gia này. 10% là nhu cầu không hề nhỏ đối với cả một đất nước, và Singapore còn mong muốn nhập khẩu điện nhiều hơn nữa nếu quá trình xây dựng thi công diễn ra thuận lợi.
Tất nhiên là Singapore không chỉ nhập khẩu của riêng Việt Nam mà còn có của Lào như đã nói ở phần đầu. Cùng với đó cũng nhập tiếp của Indonesia, của Malaysia và của Campuchia. Trong số này, điện từ Indonesia sẽ chiếm phần lớn nhất với Singapore. Họ dự kiến nhập khẩu khoảng 2 GW điện năng có lượng carbon thấp từ một dự án điện mặt trời
Đó là một phần tương lai lâu dài của Singapore, còn hiện nay việc cung cấp điện ở quốc gia Đông Nam Á này là như thế nào? Chúng ta đều biết Singapore là một quốc gia rất nhỏ bé, không giàu nguồn tài nguyên để sản xuất điện năng. Trong nửa thế kỷ qua, quốc đảo này đã chuyển từ dầu mỏ sang khí đốt tự nhiên để phát điện sạch hơn. Hiện tại, lượng điện sản xuất từ khí ga chiếm đến 95% điện năng của Singapore. Sở dĩ như vậy vì khí ga là nguồn nhiên liệu hóa thạch sản xuất điện sạch nhất, nguồn khí ga mà Singapore được sử dụng dẫn về từ những đường ống tại Malaysia và Indonesia, những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên gần với họ.
Singapore cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp khí ga, nhưng mục tiêu lâu dài của họ hướng đến vẫn là năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà và điện mặt trời nổi. Đến năm 2050, Singapore hướng đến mục tiêu phát thải dòng bằng không, trong đó ngành điện đóng vai trò quan trọng vì nó chiếm đến 40% lượng khí thải carbon của cả đất nước Singapore.
Giảm khí thải của ngành điện, đồng thời đảm bảo hệ thống điện vẫn an toàn, đáng tin cậy và bền vững là vấn đề được Singapore quan tâm.
Hòa lưới điện cả ASEAN
Việc Singapore kết nối thành công với Lào, sau này là Việt Nam hay các quốc gia khác đang mở đường cho khu vực Đông Nam Á không khoảng cách đúng nghĩa về mặt truyền dẫn điện năng. Vốn dĩ các nước ASEAN đã xây dựng kế hoạch để tạo ra một hệ thống an ninh năng lượng cho toàn khu vực, tại đây các quốc gia sẽ kết nối vào một mạng lưới điện chung mà thông qua đó các thành viên có thể chia sẻ khả năng cung cấp truyền tải điện cho nhau, trong khi các nước dư thừa điện sẽ bán cho các nước có nhu cầu một cách dễ dàng và thuận lợi.
Có một vài con số thú vị về việc kết nối ASEAN thông qua đường dây truyền tải điện năng. Trước khi dự án của Lào tới Singapore đi vào hoạt động, đã có đến 9 kết nối được hình thành qua các quốc gia chủ yếu là những kết nối song song. Thái Lan là nhân tố đặc biệt quan trọng trong kết nối khu vực, khi họ hiện diện ở hơn một nửa các dự án điện tương lai trong khu vực. Chính họ cũng là nhân vật kết nối trong dự án đa phương đầu tiên đưa điện từ Lào đến Singapore.
Để kết nối toàn bộ khu vực, các nhà điều hành tính toán rằng khoảng 250.000 km đường dẫn phải được kết nối trên toàn khu vực này ở các quốc gia khác nhau. Đường cáp dưới biển dài 1000 km giữa Việt Nam và Singapore như vậy chỉ là một một phần nhỏ trong hàng ngàn dự án khác kết nối các quốc gia trong khu vực. Nó cho thấy tham vọng của cả Đông Nam Á chứ không chỉ tham vọng của riêng Việt Nam và Singapore.
Trong tương lai ASEAN sẽ hòa là một, khi đó khu vực Đông Nam Á sẽ thực sự là một cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ, liên kết một cách hữu hình nhờ nguồn cung cấp năng lượng cơ bản nhất đó chính là điện năng.