Đối với những người hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, Kim Dung là cái tên quen thuộc, bức tường thành không ai có thể vượt qua được. Trong sự nghiệp của mình, ông đã có rất nhiều sáng tác. Những bộ tiểu thuyết của ông thường được các nhà sản xuất phim chuyển thể thành phim truyền hình, phim điện ảnh nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả.
Với chủ đề võ thuật, các môn phái như Thiếu Lâm, Cái Bang… được tiểu thuyết gia Kim Dung xây dựng thành những huyền thoại với những đặc trưng võ thuật riêng.
Tuy nhiên trong lịch sử võ thuật Trung Hoa, không phải môn phái nào trong số những đại môn phái được đề cập trong truyện Kim Dung đều có thật. Có rất nhiều môn phái được Kim Dung đề cập đến, nhưng có thể tựu thành 7 đại môn phái. Vậy môn phái nào thực sự tồn tại? Môn phái nào được Kim Dung phác họa theo trí tưởng tượng của bản thân?
Hãy cùng khám phá trong bài viết này và đi đến từng môn phái một trong tổng số 7 đại môn phái của Kim Dung.
Phái Thiếu Lâm
Trong tiểu thuyết Kim Dung, Thiếu Lâm là đệ nhất phái và là môn phái được nhắc đến gần như là nhiều nhất. Thiếu Lâm nổi tiếng với các chiêu Dịch Cân kinh, La Hán thập bát thủ, Cửu Âm Chân Kinh,…
Hư Trúc, Giác Viễn đại sư, Phương Chấn đại sư, Tảo Địa Tăng đều là những nhân vật nổi trội xuất thân từ phái Thiếu Lâm. Đặc biệt, Tảo Địa Tăng là vị sư duy nhất trong truyện Kim Dung đã tập luyện được 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự.
Trong cuộc quyết đấu giữa cha con Tiêu Phong với nhà Mộ Dung Phục trong Thiên long bát bộ, ông đã ra mặt để hóa giải hận thù giữa hai nhà. Ngoài đời thực, Thiếu Lâm là một đại môn đại phái có tầm ảnh hưởng không hề kém cạnh so với tiểu thuyết Kim Dung.
Theo các ghi chép trong cổ tịch, Thiếu Lâm là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của Trung Quốc được Hiếu Văn Đế triều Bắc Ngụy cho xây dựng vào năm 495, là nơi tu hành và thuyết giảng cho nhà sư Bạt-đà, vị thần tăng từ Ấn Độ đầu tiên đến Trung Hoa truyền bá Phật pháp.
Tuy nhiên, kungfu Thiếu Lâm lại gắn liền với tên tuổi của Đạt Ma Sư Tổ tức là Bồ Đề Đạt Ma, người được cho là tổ khai sơn của thiền tông Trung Hoa. Tương truyền, trong thời gian ở Thiếu Lâm, thấy nhiều nhà sư thể trạng yếu đuối không chịu nổi khí lạnh của rừng núi và thường hay ngủ gật trong lúc nghe thuyết giảng, Đạt Ma bắt đầu nghĩ cách rèn thân thể và khắc chế ngoại cảnh cho người học đạo. Kết quả là thể trạng của các nhà sư đã được cải thiện trông thấy.
Ngày nay, Thiếu Lâm Tự và môn phái Thiếu Lâm vẫn được coi là một trong những kinh đô của võ học Trung Hoa. Thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự vào năm 1982 cũng tạo nên một làn sóng thu hút vô số môn sinh trên toàn thế giới đến Thiếu Lâm Tự xin học võ.
Ngôi làng dưới chân núi thậm chí đã trở thành một lò luyện kungfu đích thực. Ước tính, mỗi năm có tới 50 võ đường được mở, thu hút 5 vạn môn sinh theo học.
Nắm bắt nhu cầu này, Thiếu Lâm Tự đã xây dựng một trường dạy võ thuật riêng mang tên Thiếu Lâm Tự Tung Sơn để đào tạo võ sinh. Thiếu Lâm Tự cũng có rất nhiều chi nhánh ở trên toàn cầu, hoạt động theo mô hình của một doanh nghiệp. Như vậy Phái Thiếu Lâm hoàn toàn tồn tại ngoài đời.
Phái Võ Đang
Phái Võ Đang do Trương Tam Phong sáng lập vào thời nhà Minh. Trương Tam Phong là một nhân vật cũng có thật trong lịch sử Trung Quốc. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Trương Tam Phong xuất hiện trong Thần điêu đại hiệp khi mới 14 tuổi. Ông đi theo giúp việc cho Giác Viễn đại sư trong chùa Thiếu Lâm và học được một phần Cửu Dương Thần Công.
Nhờ bản tính thông minh hơn người, Trương Tam Phong đã sáng tạo võ thuật mới và xây dựng nên phái Võ Đang. Đây là một môn phái chú trọng về luyện khí và kiếm pháp, lấy nhu khắc cương. Các chiêu thức nổi tiếng của Võ Đang phải kể đến Võ Đang quyền, Thái cực quyền, Thái cực kiếm…
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Tam Phong đã trăm tuổi nhưng vẫn hào sảng, quắc thước, võ công đứng đầu thiên hạ khiến ai ai cũng phải kính nể: “Võ công của Trương Tam Phong nghìn năm trước không ai sánh bằng, nghìn năm sau cũng chẳng ai vượt qua nổi”.
Ngày nay, phái Võ Đang vẫn là môn phái Đạo giáo có tầm ảnh hưởng nhất định ở Trung Quốc, lại càng nổi tiếng hơn nhờ có sư tổ của phái Võ Đang là Trương Tam Phong tinh thông các kinh điển võ nghệ siêu quần. Đồng thời, nằm trên đỉnh núi Võ Đang, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Như vậy phái Võ Đang hoàn toàn có thật.
Minh Giáo
Minh giáo xuất hiện nhiều và được miêu tả cụ thể nhất trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung. Trong đó, Trương Vô Kỵ là giáo chủ nổi tiếng nhất, ở trận chiến trên đỉnh núi Quang Minh, Trương Vô Kỵ sử dụng bộ võ công Càn Khôn Đại Na Di một mình đánh bại 6 đại môn phái.
Sau khi giải cứu thành công các thủ lĩnh của Minh giáo, Trương Vô Kỵ được tôn làm giáo chủ đời thứ 34. Trương Vô Kỵ đã giúp Minh Giáo từ một giáo phái bị vu là ma quỷ khôi phục danh tiếng, trở thành thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên.
Xét về mặt lịch sử, Kim Dung đã sử dụng nguyên lịch sử của Minh giáo vào tiểu thuyết. Minh giáo tới từ tôn giáo cổ của khu vực Ba Tư ngày xưa, giáo phái này mang tư tưởng về hậu kiếp và cứu độ chúng sinh, chính điều này đã khiến nó dễ dàng dung hợp với tín ngưỡng dân gian Trung Quốc vốn đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo…
Đến thời nhà Tống, Minh Giáo phát triển mạnh và có hàng vạn tín đồ. Tống sử chép rằng, năm 1120 Phương Lạp, người ở huyện Thanh Khê, Triết Giang, cùng thủ hạ nổi dậy chống triều đình. Phương Lạp tự xưng là Thánh Công, thủ lĩnh của Minh Giáo và kêu gọi tín đồ khắp nơi cùng dậy khởi nghĩa.
Cuối thời nhà Nguyên, Minh Giáo trở thành một trong những lực lượng chính chống đối triều đình. Chu Nguyên Chương, hoàng đế đầu tiên của nhà Minh rất có thể cũng từng là tín đồ của Minh Giáo.
Về sau, do bị chèn ép nên Minh giáo lụi tàn dần. Đến nay, ở vài vùng của Trung Quốc vẫn có một số phong tục của Minh giáo tồn tại như khi ăn phải nuốt ba đũa cơm trắng trước rồi mới dùng đến thức ăn, hay buổi sáng lạy mặt trời, buổi tổi lạy mặt trăng… Như vậy, Minh Giáo hoàn toàn có thật
Phái Nga Mi
Phái Nga Mi trong tiểu thuyết Kim Dung là do Quách Tương – con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung sáng lập. Theo đó, một lần tình cờ, ái nữ của Quách Tĩnh gặp được Giác Viễn đại sư và học được một phần nội công của Cửu Dương thần công. Sau đó, Quách Tương mang theo Ỷ Thiên kiếm đến núi Nga Mi lập phái. Bởi thế nên võ công của phái Nga Mi chủ yếu sử dụng kiếm pháp, chú tâm vào tốc độ, độ chính xác, lấy nhu khắc cương. Nga Mi cũng là môn phái duy nhất chỉ có nữ giới mới được gia nhập.
Theo lịch sử, Nga Mi là môn phái võ thuật cũng từng có thật và từng được phổ biến rộng rãi ở tỉnh Tứ Xuyên. Hiện nay, ai sáng tạo ra môn phái này thì vẫn là bí ẩn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà sư học võ, phái Nga Mi được sáng lập bởi Chu Tú Anh, xuất thân từ dòng họ Chu danh tiếng nhiều đời tại tỉnh Sơn Đông vào thế kỷ thứ 15.
Cũng theo các tài liệu nghiên cứu, Nga My bao gồm có 5 lưu phái và 8 bộ môn quyền thuật, trong đó đặc điểm nổi bật nhất chính là sự pha trộn độc đáo giữa Thiếu Lâm và Võ Đang. Chính sự kết hợp này khiến Nga My có hệ thống quyền pháp rất đa dạng tích hợp đầy đủ cả đặc trưng của Thiếu Lâm và Võ Đang.
Ngày nay, một số hệ phái của Nga Mi vẫn còn tồn tại và nam giới bây giờ cũng đã được phép nhập môn. Như vậy, Nga Mi cũng hoàn toàn có thật
Cái Bang
Kim Dung mô tả Cái Bang là một hội rất lớn của những người ăn mày yêu nước, chuyên làm việc nghĩa hiệp được lập vào khoảng thời Đường. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Cái Bang là bang hội đứng đầu, Thiếu Lâm là đệ nhất phái còn Minh giáo là đệ nhất giáo.
Cái Bang có từ rất lâu đời, bang chủ đầu tiên là Hồng Tứ Hải. Vũ khí lợi hại của Cái Bang chính là Đả cầu bổng pháp. Các chiêu trong phái Cái Bang không mỹ miều, phần lớn đều dùng gậy và quyền pháp đơn giản nhưng hiệu quả.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều về sự tồn tại của Cái Bang, tuy nhiên đa phần các học giả đều thống nhất rằng Cái Bang là một bang phái giả tưởng và người có công đầu trong việc xây dựng hình tượng của bang phái này lại chính là Kim Dung.
Việc trong tiểu thuyết cũng như trên phim ảnh mô tả kỹ về lịch sử và hoạt động của Cái Bang hoặc các giai đoạn lịch sử khiến cho nhiều người lầm tưởng Cái Bang là một bang phái có thật ở trong lịch sử. Nhưng thực chất, Cái Bang đã được tạo ra bởi Kim Dung.
Toàn Chân Giáo
Theo tiểu thuyết, Toàn Chân Giáo do Vương Trùng Dương sáng lập vào cuối đời nhà Tống. Sau khi nhà Nguyên xâm lấn Trung Quốc thì môn phái này không còn xuất hiện trong truyện Kim Dung nữa. Những chiêu thức nổi tiếng của Toàn Chân Giáo bao gồm Tiên thiên Công, Không Minh Quyền, Song thủ hỗ bác,… Các đệ tử nổi trội của Toàn Chân Giáo là Mã Ngọc, Khâu Xứ Cơ, Châu Bá Thông, Dương Khang.
Trong lịch sử Trung Quốc, Toàn Chân Giáo có thật ngoài đời. Theo tư liệu lịch sử, vào đời nhà Kim, Vương Trùng Dương gặp tiên Lã Động Tân tại trấn Cam Hà, được truyền cho khẩu quyết luyện đan là Toàn Chân. Vương Trùng Dương bỏ Nho giáo, tu luyện tại núi Chung Nam, đổi tên là Vương Triết, tự là Tri Minh, hiệu là Trùng Dương Tử. Từ khẩu quyết luyện đan, Vương Trùng Dương chọn tên của giáo phái là Toàn Chân đạo.
Tôn chỉ của Toàn Chân Giáo là phục vụ xã hội, cứu giúp chúng sinh, tôn trọng sự thật nên rất được người đời kính trọng.
Phái Cổ Mộ
Người sáng lập ra phái Cổ Mộ chính là Lâm Triều Anh – người yêu của Vương Trùng Dương (giáo chủ phái Toàn Chân Giáo). Vì không thể thành đôi với người yêu, bà oán hận và lập ra phái Cổ Mộ ngay sau núi Chung Nam, bản địa của phái Toàn Chân. Cũng vì mối hận cũ, Lâm Triều Anh đã sáng tạo ra Ngọc Nữ Tâm Kinh vừa để khắc chế vừa lại hỗ trợ võ công của Toàn Chân Giáo.
Phái Cổ Mộ chỉ nhận đệ tử là nữ nhi nhưng đến Tiểu Long Nữ lại phá lệ nhận Dương Quá làm học trò. Cả hai sư trò đã phát huy võ học của Lâm Triều Anh và luyện thành Ngọc Nữ kiếm pháp với tuyệt chiêu Song kiếm hợp bích.
Ngoài Tiểu Long Nữ, Lý Mạc Sầu cũng là đệ tử có võ công cao cường của phái Cổ Mộ. Tuy vậy, Cổ Mộ là môn phải do Kim Dung hư cấu ra, chứ không có thật trong lịch sử.
Và đó là câu chuyện về 7 đại môn phái trong các tác phẩm của Kim Dung. Chúng ta có thể thấy rằng Cái Bang là không có thật và Cổ Mộ cũng không có thật. Bạn ấn tượng với giáo phái nào, môn phái nào? Đừng ngần ngại hãy để lại ý kiến của bạn dưới phần comment nhé.