Nước Lào trong con mắt của người Việt Nam không chỉ là người anh em chí tình, người hàng xóm thân thiết, mà còn cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế. Trong bài viết …. , mình từng đề cập đến câu chuyện phát triển thủy điện của nước bạn, con đường để họ trở thành cường quốc năng lượng. Có thể nói phần nào là như vậy khi họ đang nỗ lực xuất khẩu điện đi khắp Đông Nam Á.
Nhưng Lào không chỉ phát triển năng lượng nhờ thủy điện mà còn xây dựng những dự án bền vững hơn. Với điện gió, một trong những dự án như vậy đang trên đà hoàn thành và sẽ trở thành dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của Lào. Đó là dự án điện gió mang tên “Gió Mùa“.
Dự án điện gió xuyên quốc gia
Dự án điện gió “Gió Mùa” là dự án điện gió đầu tiên trong lịch sử của nước Lào. Như đã biết, trước đây Lào chủ yếu phát triển thủy điện nhờ điều kiện sông suối dồi dào, nhưng việc phát triển năng lượng bền vững đặt ra cho Lào yêu cầu về những dự án năng lượng mới và từ đó dự án điện gió “Gió Mùa” được khai sinh. Đây là dự án đặc biệt tham vọng của Lào vì nó tiêu tốn đến 950 triệu đô la Mỹ để xây dựng, một con số khổng lồ với một quốc gia như Lào.
Tổng công suất của dự án này là 600 megawatt (MW) tức là lớn nhất Đông Nam Á, hơn mọi dự án điện gió khác của Việt Nam và các quốc gia khác. Để hình dung một cách cụ thể hơn về con số 600 MW, chúng ta sẽ so sánh với một số dự án thủy điện nổi tiếng và gần gũi tại Việt Nam như dự án thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam có công suất là 2400 MW tức là gấp bốn lần dự án điện gió của Lào. Thủy điện Hòa Bình có công suất là 1920 MW tức là gấp ba lần, còn thủy điện Lai Châu là 1200 MW thì là gấp đôi.
Tức là có thể hình dung, dự án điện gió của Lào so với thủy điện thì còn có thể khiêm tốn, chứ so với điện gió thì như vậy đã là quá to. Dự án “Gió Mùa” là lớn nhất Đông Nam Á và lớn hơn dự án điện gió số 1 của Việt Nam ở Đắk Lắk. Nhà máy điện gió số 1 của Việt Nam có tên là Ea Nam đặt tại xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Dự án này thì hoàn thành vào năm 2021, với tổng công suất là 400 MW
So với điện gió “Gió Mùa“, dự án này có công suất bằng 2/3 mà thôi và chi phí để xây dựng dự án điện gió Ea Nam của Việt Nam khi quy đổi ra tiền đô là khoảng 650 triệu đô la Mỹ, cũng bằng 2/3 so với dự án điện gió của Lào.
Dự án điện gió “Gió Mùa” của Lào không chỉ ấn tượng bởi công suất lớn nhất Đông Nam Á mà còn là dự án xuyên quốc gia có liên quan trực tiếp đến đất nước ta. Địa điểm của dự án này nằm ở phía Đông Nam Lào thuộc tỉnh Sekong và Attapeu, độ cao 1.200-1.600 mét so với mực nước biển.
Đây là khu vực vùng đồi núi có diện tích rừng và việc sử dụng đất hiện nay rất hạn chế, tổng khu vực phát triển dự án rộng đến hơn 70.000 ha. Địa điểm này chỉ cách biên giới Việt Nam Lào khoảng 22 km, rất gần với Đà Nẵng và Quảng Nam. Không những vậy trang trại điện gió này có sự hợp tác chặt chẽ với tổng công ty điện lực Việt Nam trong quá trình xây dựng và thiết kế.
Về sở hữu, dự án này thuộc về một công ty có trụ sở tại Thái Lan nhưng liên minh hợp tác xây dựng dự án còn nhiều công ty khác, trong đó phải kể đến Mitsubishi của Nhật Bản. Thời điểm khởi công dự án này vào năm 2023, tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản cho biết công ty và các cổ đông khác đã huy động được 692 triệu đô la Mỹ tài trợ cho dự án.
Nhờ vốn huy động nhanh nên tiến độ của dự án được đảm bảo, đến tháng 8 của năm ngoái, những bộ cánh turbine đầu tiên trong số 399 cánh quạt và 133 turbine đã được vận chuyển từ một cảng biển Thái Lan đến địa điểm dự án bên Lào. Trong số này, 1/3 turbine gió sẽ được lắp đặt tại huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong và phần còn lại được lắp đặt tại huyện Sanxay, tỉnh Attapeu.
Dự án điện gió “Gió Mùa” này nhấn mạnh đặc biệt đến yếu tố thân thiện với môi trường, mỗi turbine được xây dựng trên nền tảng của những công trình được thiết kế cũng rất thân thiện với môi trường. Trụ của mỗi turbine này rộng 22m và sâu 35m, mỗi chiếc turbine như vậy có đường kính cánh quạt lên đến 171 m. Và điều quan trọng, dự án này sẽ trực tiếp xuất khẩu điện cho Việt Nam.
Trực tiếp xuất khẩu điện cho Việt Nam
Với công suất lớn, dự án điện gió “Gió Mùa” không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước của Lào mà còn xuất khẩu đi nước ngoài, cụ thể là chính Việt Nam của chúng ta. Hai nước đã đạt được thỏa thuận để xuất khẩu điện và bán điện cho tập đoàn điện lực Việt Nam trong 25 năm tới. Chủ trương nhập khẩu điện từ dự án này đã được phê duyệt từ hồi giữa năm 2022.
Nhà máy điện gió này sẽ cung cấp năng lượng sạch cho miền Trung của nước ta thông qua đường dây truyền tải 500 kV và dự án này sẽ đấu nối vào hệ thống điện Việt Nam qua đường dây 500 kV “Gió Mùa – Thạnh Mỹ” có tổng chiều dài là 65km, trong đó có 2/3 trên lãnh thổ Việt Nam.
Vậy nên khi Lào bắt đầu dự án cũng là lúc Việt Nam chúng ta triển khai phần dẫn điện về nước và đường dây 500 kV “Gió Mùa – Thạnh Mỹ” không chỉ ở truyền tải điện năng từ dự án “Gió Mùa” của Lào mà còn từ những thủy điện của nước Lào nữa.
Phát súng đầu tiên của Lào
Trong những năm qua, rõ ràng chúng ta đã biết đến Lào với sự phát triển mạnh mẽ như thế nào về khả năng cung cấp năng lượng điện. Với địa hình hơn 70% đồi núi cùng điều kiện sông ngòi, Lào có lợi thế lớn để phát triển thủy điện và họ cũng đã làm như thế.
Tuy nhiên, thủy điện tại Lào cũng đang chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên, đặc biệt là mùa khô khi nguồn nước suy giảm. Việc Trung Quốc điều tiết nước ở thượng nguồn các con sông khiến Lào gặp khó khăn hơn trong việc chủ động nguồn nước phục vụ cho hoạt động thủy điện. Cùng với đó, hiểm họa từ những vụ vỡ đập khiến nước Lào vô cùng lo ngại.
Như hồi năm 2018, vụ vỡ con đập xây dựng liên minh bởi Thái Lan và Hàn Quốc ở phía nam Lào đã khiến cho 71 người thiệt mạng và hơn 6000 người mất nhà cửa. Lào hiểu rằng họ sẽ phải tìm kiếm những giải pháp từ nguồn năng lượng gió và mặt trời. Dự án điện gió “Gió Mùa” mới chỉ là bước đi đầu tiên nhưng cho thấy tham vọng lớn của Lào trong việc phát triển năng lượng gió.
Mới đây đầu năm 2024, chính phủ Lào cũng đã ký thỏa thuận phát triển dự án điện gió có công suất lên đến 1200 MW tại huyện Sepone, tỉnh Savannakhet ở Trung Lào giáp với biên giới Việt Nam. Công suất này gấp đôi dự án điện gió “Gió Mùa” sắp hoàn thành và dự án có tổng đầu tư khoảng 2 tỷ đô la Mỹ, được ký giữa chính phủ Lào và Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Savan Vayu (SVARE)
Càng về sau, Lào sẽ càng đầu tư và phát triển mạnh các dự án điện gió. Họ đã có khoảng 10 dự án điện gió trên đất liền với tổng công suất thiết kế là 3,6 GW đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Dần dần, Lào sẽ hướng tới việc phát triển tỉ lệ điện gió lớn hơn so với thủy điện. Họ mong muốn đến năm 2030 tỷ lệ điện gió sẽ chiếm khoảng 30% trong khi 70%, còn lại phụ thuộc vào thủy điện.
Việc phát triển điện gió sẽ giúp Lào duy trì vị thế cục pin của Đông Nam Á, là nơi xuất khẩu năng lượng cho các quốc gia trong khu vực. Vừa qua khoảng 80% điện năng sản xuất tại Lào được bán cho các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam, chiếm 30% giá trị xuất khẩu của quốc gia này. Lào thậm chí còn bán điện sang cả Singapore, họ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải điện cũng để bán điện cho Campuchia nữa. Ngoài ra, hai đối tác quen thuộc khác của Lào trong việc bán điện phải kể đến Trung Quốc và Myanmar.
Nhìn chung nước láng giềng nào của Lào cũng mua điện từ quốc gia này, với riêng Việt Nam càng về sau chúng ta sẽ nhập khẩu nhiều điện hơn từ Lào. Có hai lý do để giải thích cho việc này, đầu tiên, điện của Lào có chi phí khá rẻ, giá điện được chủ đầu tư cam kết là áp dụng theo quy định với mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho hình thức điện gió quy đổi tương ứng khoảng 1700 VNĐ / 1 KW theo tỉ giá hiện nay.
Cùng với đó, việc chúng ta nhập khẩu điện từ Lào cũng nằm trong chương trình hợp tác giữa hai đất nước vốn thân thiết từ xưa cho đến nay. Có thể nhiều nơi Việt Nam không thiếu điện sử dụng nhưng vẫn sẽ nhập khẩu từ Lào như một cách duy trì mối quan hệ hữu hảo.
Trước khi nhập khẩu điện từ dự án điện gió “Gió Mùa“, Việt Nam đã mua điện từ nhiều dự án thủy điện của nước này và cũng đồng ý nhập khẩu điện gió từ dự án Trường Sơn. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 5000 MW điện từ Lào, thậm chí có thể tăng lên 8000 MW tùy vào điều kiện cụ thể của hai bên.
Năm 2023 tổng giá trị xuất khẩu điện của Lào lên đến 2,383 tỷ đô la Mỹ, đứng đầu mọi mặt hàng xuất khẩu trong nước. Riêng xuất khẩu điện đã chiếm đến gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của Lào, tức là con số tổng của nước Lào là 8 tỷ đô la Mỹ. Qua mỗi năm, giá trị xuất khẩu điện của Lào ngày một tăng lên và vẫn sẽ là một mặt hàng chủ lực của quốc gia này.
Câu chuyện về phát triển điện gió của Lào có lẽ cũng tương đồng với Việt Nam khi hai nước chia sẻ những điểm chung trong phát triển năng lượng, cùng hướng đến trung hòa carbon vào giai đoạn 2050. Có thể sau này sẽ có những dự án điện gió mới hùng vĩ hơn, hoành tráng hơn xuất hiện. Nhưng vào lúc này, tất cả đều đang chờ đợi dự án điện gió “Gió Mùa” lớn nhất Đông Nam Á của Lào, dự án sẽ sớm hòa vào lưới điện Việt Nam phục vụ cho bà con miền Trung từ đầu năm 2025.
Comments 1