Xem phim ảnh, đọc truyện kiếm hiệp nhiều, thì hẳn bạn đều biết đến cái tên “khinh công“. Ai mà chẳng trầm trồ trước hình ảnh các hòa thượng Thiếu Lâm phi thân suối rộng, chạy nhảy lên vách đá, phóng qua đầu cao, đạp bèo vượt sóng đi trên nước như trên đất.
Hay đọng mãi trong ký ức của mỗi người là Tiểu Long Nữ bay lượn nhẹ nhàng trên trời ở ngay lần đầu tiên rời Cổ Mộ đến Trùng Dương Cung để cứu Dương Quá lúc nhỏ, Toàn Chân Thất Tử cũng phải thán phục bởi khinh công của “Thần Tiên Tỷ Tỷ“. Hay chàng thái tử Đại Lý Đoàn Dự, tuy thư sinh yếu đuối không biết võ công, nhưng nhờ học được tuyệt kỹ Lăng Ba Vi Bộ mà có thể chạy đua cùng với Kiều Phong ở ngay lần đầu gặp mặt.
Khinh công là gì?
Nếu xét về mặt thực tế, cho đến nay, khoa học chưa có cách nào giải thích hiện tượng khinh công vì nó đi ngược lại hoàn toàn định luật vạn vật hấp dẫn của Newton. Làm thế nào mà con người có thể tự bay lên mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Tuyệt kỹ khinh công đó là sự thực hay chỉ là trò ảo thuật?
Sách tôn giáo cũng ghi nhận có đến 300 vị thánh có thể tự bay lên. Khinh công xuất hiện từ Á sang Âu, từ trong các ghi chép của các giáo sĩ Tin Lành, đến các nhà tu sĩ Tây Tạng, các thầy tu khổ hạnh tại Ấn Độ, hay các môn đệ của phái Ninja ở Nhật Bản. Nhưng khinh công không phải là vô lý và chỉ có trong tưởng tượng, chúng có những nguyên lý vận hành riêng.
Tương truyền, khinh công do các đạo sĩ núi Võ Đang tạo ra, tu luyện theo thuyết trường sinh bất lão của Đạo giáo. Họ ăn chay trường, tập khí công, luyện linh đan để mong muốn giúp con người hòa nhập với thiên nhiên kéo dài tuổi thọ. Nhờ đó, họ có thể bay như chim, bơi lặn như cá. Chính vì vậy người Trung Quốc mới có câu Võ Đang nội gia.
Hình ảnh người đạo sĩ da dẻ hồng hào, tay cầm phất trần, chân di chuyển không chấm đất trở thành đại diện cho các cao nhân đắc đạo. Võ lâm Trung Hoa ngày xưa đều có đặc điểm đánh giá trình độ võ thuật của một người qua khinh công của người đó. Mọi nhân vật có võ nghệ cao cường thì khinh công cũng đều ở trình độ thượng thừa, có thể mượn sức của cành cây ngọn cỏ để chạy nhảy ở trên đó.
Tầm quan trọng của khinh công?
Hiểu đơn giản, khinh công là một loại thân pháp tối quan trọng trong võ thuật, sở dĩ trong luyện võ thì cước pháp được xếp vào hàng đầu, mà phi cước chiếm vị trí quan trọng nhất. Chiếm lĩnh được độ cao thế tấn công là yếu tố then chốt. “Phi như rồng, lượn cước như hổ vồ” ấy chính là cao thủ. Bởi thế, trong các đại môn phái nổi tiếng Trung Quốc đều tôi luyện khinh công.
Trong từ khinh công, khinh nghĩa là nhẹ, công có nghĩa là võ công. Có thể hiểu đây là một hình thức tập luyện sức bật, sức bền cho đôi chân, làm sao để đạt hiệu quả trong di chuyển, giúp con người làm giảm trọng lượng cơ thể để nhảy cao và xa hơn, di chuyển nhanh và nhẹ nhàng hơn. Không cần quá mất sức hai chân đạp nhẹ là có thể bay cao và nhảy xa. Bay như phi yến, tiếp đất như chuồn chuồn chấm nước, đạp ngói không vỡ, rơi xuống đất không có tiếng động, chính là đặc điểm khinh và ổn của nó.
Nhờ thế mà khinh công trở nên phổ biến và cực kỳ quan trọng không kém các môn võ công gây sát thương khác. Người luyện võ cho dù học công phu của phái nào đi nữa thì đều coi trọng thân pháp nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Có cao thủ võ lâm nào mà không phải di chuyển hay bay trên cao trên trời hay di chuyển trên mặt nước.
Trong Thiếu Lâm, khinh công đi trên trụ là công phu cơ bản của tuyệt kỹ Phi Thiềm Tẩu Bích, luyện thân thể nhẹ nhàng, bộ pháp mau lẹ, được xếp vào một trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, bang chủ Thiết Chưởng Bang Cừu Thiên Nhẫn vô cùng nổi tiếng với tuyệt chiêu “Thiết Chưởng Thần Công” và công phu “Thủy Thượng Phiêu” (môn khinh công đi trên mặt nước). Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký Giáo, giáo chủ Minh Giáo Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành Cửu Dương Thần Công thì thân pháp ảo diệu như làn chớp, khi giao đấu chỉ thấy Trương như một làn khói xanh cuộn đến.
Chốn võ lâm nguy hiểm trùng trùng, khinh công có thể dùng để tiến công, cũng có thể dùng để bảo vệ tính mạng, thay vì nhăm nhăm đánh nhau, chọn cách bỏ chạy như thần cũng là cách để sinh tồn. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự kỳ bí hấp dẫn của những bộ phim hay tiểu thuyết kiếm hiệp.
Những nhân vật có khinh công ấn tượng nhất
Điền Bá Quang
Trong vũ trụ Kim Dung, Điền Bá Quang được xem là một trong những nhân vật giỏi khinh công nhất, anh ta còn có biệt danh là Vạn Lý Độc Hành. Bên cạnh đó tửu lượng vô biên của ông là điều mà giới giang hồ luôn nể phục, cũng nhờ khả năng chạy nhanh, chạy giỏi nên đây trở thành lợi thế để hắn trở thành một kẻ khốn nạn, chuyên trêu ghẹo phụ nữ làm đủ chuyện xằng bậy. Tuy vậy, hắn không phải là người duy nhất bá đạo ở bộ môn này.
Lâm Triều Anh
Chúng ta đều biết khinh công là môn truyền công của Cổ Mộ phái – Lâm Triều Anh, người sáng lập ra phái Cổ Mộ cùng Vương Trùng Dương được kể lại là người có khả năng khinh công thượng thừa. Lâm Triều Anh đối với Vương Trùng Dương vì yêu mà thành hận, nên cả hai giao chiến trong rất nhiều năm. Lần nào Vương Trùng Dương cũng luôn ở thế yếu, nguyên nhân không phải vì vấn đề võ công mà là vì khinh công và thân pháp khác biệt quá lớn. Đến cuối đời, ông cũng đành tâm quyết luyện khinh công, nhưng tiếc rằng bài cần học quá nhiều có dốc sức cũng không kịp.
Tiểu Long Nữ
Thế nên việc Tiểu Long Nữ được Lâm Triều Anh truyền lại võ công và coi là người thừa kế thừa ngôi vị chưởng môn của Cổ Mộ, khinh công của cô cực kỳ tốt là điều hiển nhiên. Sau này khi rời Cổ Mộ hành tẩu giang hồ, khả năng khinh công càng được dịp phát huy, khó có thể sánh kịp. Lão Ngoan Đồng và Lý Mạc Sầu đều từng thử truy kích, nhưng đều không kịp đuổi theo.
Vi Nhất Tiếu
Dưới ngòi bút của cố nhà văn Kim Dung, mỗi nhân vật đều có những độc chiêu riêng. Ta có Vô Danh Thần Tăng, Kiều Phong, Mộc Tang đạo nhân với tuyệt kỹ Thần Hành Bách Biến. Ta có Trương Tam Phong với tuyệt kỹ Thế Vân Tung và ta có Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký với khả năng khinh công nhanh nhẹn thanh thoát. Đây là một nhân vật cực kỳ quái dị khiến người ta mỗi khi nghĩ đến thì trong lòng không khỏi sờn cả gai ốc. Ông vừa mới ra trận liền cùng với Duyệt Tuyệt Sư Thái so một hồi khinh công, sau khi thắng cười ha hả một tiếng dài. Lúc này cát vàng bay lên mù mịt thành một đường dài cuồn cuộn thanh thế uy mãnh, chẳng khác gì một con rồng vàng dài cả chục trượng lập tức che khuất cả người y.
Vi Nhất Tiếu là một trong Tứ Đại Hộ Pháp của Minh Giáo xếp hạng thứ tư, nổi danh với khinh công vô địch, thiên hạ xuất quỷ nhập thần, đến đi chớp nhoáng không khác gì quỳ mị, hơn nữa còn có bản tính hung ác là hút máu người, được ví như loài dơi. So về công lực Vi Nhất Tiếu có thể thua Trương Vô kỵ khi đọ sức bền người đã luyện thành Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Na Di. Chứ thực tế Vi Nhất Tiếu luôn nhỉnh hơn Trương Vô kỵ khi cả hai chạy.
Đến Kim Dung từng phải khen Vi Nhất Tiếu bằng cụm từ “Thảo Phượng Phi” ý chỉ khinh công thần tốc, là đệ nhất cao thủ về khinh công dưới ngòi bút của ông. Ngay cả Trương Tam Phong cũng không tiếc lời tán thưởng.
Khác với các cao thủ khác, khinh công của Vi Nhất Tiếu không chỉ được cao nhân truyền thụ, hơn nữa ngay từ khi sinh ra cốt cách ông đã dị thường. Vậy nên khinh công tuyệt đỉnh của ông ta phần nhiều do bản năng thiên phú bẩm sinh. Khinh công của ông không chỉ là đệ nhất dưới ngòi bút của Kim Dung, mà quả thật cũng là đệ nhất trong hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp.
Đoàn Dự
Chàng công tử nước Đại Lý cũng là cao thủ về khinh công nhờ bộ pháp Lang Ba Vi Bộ, một khinh công thượng thừa của phái Tiêu Dao. Ý nghĩa bước uyển chuyển đùa trên sóng lượn, tha thiết xiêm y phủ gót hài. Tiêu Dao là tên một môn phái xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ. Tổ sư sáng lập là Tiêu Giao Tử, được ví von vượt qua giới hạn của người phàm. Tiêu Dao phái tuy có ít thành viên nhưng đệ tử hầu hết là những người có khí khái bất phàm, cao thủ thiên hạ.
Đoàn Dự tình cờ học được môn khinh công này trong hang động của phái Tiêu Dao và từ đây chàng dần dần bước đến con đường trở thành một trong số các nhân vật đặc biệt nhất võ lâm. Dù không biết tí võ công nào, Đoàn Dự vẫn có thể giao đấu và đánh bại được Nam Hải Nhạc Thần và còn trở thành sư phụ của một trong Tứ Đại Ác Nhân.
Một các cao thủ như Kiều Phong mà cũng phải lên tiếng than thở rằng, “trong khoảng 20 dặm thắng được Đoàn Dự thì không lấy gì làm khó, thế nhưng nếu đi ba bốn chục dặm thì cái cơ hội thắng được chàng sẽ khó mà biết, chạy đến sáu chục dặm trở lên thì mình thua là cái chắc“
Tiêu Dao còn sở hữu hai môn khinh công và ám khí đệ nhất thiên hạ, đó là Lăng Ba Vi Bộ và Sinh Tử Phù
Vi Tiểu Bảo
Lém lĩnh láu cá, khua môi múa mép là những gì ấn tượng nhất về Vi Tiểu Bảo, nhân vật chính trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký. Nhưng Vi Tiểu Bảo là một nhân vật đáng gờm trong võ lâm, độ về võ công thì chắc chắn anh chàng không bằng một góc của Dương Quá, Trương Vô Kỵ hay Quách Tĩnh. Nhưng nhờ vào việc anh đã học được Thần Hành Bách Biến của A Cửu-Cửu Nạn, anh chàng số đào hoa này bỗng có được khả năng khinh công tuyệt đỉnh.
Đây là một môn khinh công cao cường, môn võ công này xuất hiện trong Lộc Đỉnh Ký cùng với Bích Huyết Kiếm do Mộc Tang đạo nhân của Thiết Kiếm Môn sáng tạo, về sau lại chuyển cho A Cửu-Cửu Nạn, Cửu Nạn lại truyền cho Vi Tiểu Bảo. Thực ra xuyên suốt bộ Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung gần như không khắc họa rõ ràng trình độ võ công của Vi Tiểu Bảo, Thần Hành Bách Biến của Vi Tiểu Bảo là chỉ học được trong một đêm, chỉ được đem ra sử dụng một lần duy nhất khi mà Hồng Giáo chủ nội thương để sắp chết rồi mới đem ra hù được lão thôi. Lúc này Cửu Nạn dạy Vi Tiểu Bảo cũng nói là để phòng thân thôi.
Vốn xuất thân là tên lưu manh chợ búa, tính cách phức tạp đa dạng. Đã thế lại sinh ra và lớn lên nơi lầu xanh nên được rèn kỹ năng nịnh hót và đủ mọi trò lừa lọc. Vi Tiểu Bảo đã sở hữu được tư chất học võ riêng biệt, nhờ vào số hên nên Vi Tiểu Bảo cũng được truyền thụ nhiều môn võ công lợi hại như Long Trảo Thủ, Ban Nhược Chưởng, Đại Từ Đại Bi Thiên Diệu Thủ, Thần Hành Bách Biến, Anh Hùng Tam Triều.
Tuy nhiên, vì sống nhờ vào cái miệng chẳng cần phải xông pha giang hồ nên hắn chẳng luyện môn võ công nào cho ra hồn. Mỗi khi thực chiến, hắn giỏi mấy trò bẻ ngón tay, lôi bím tóc, móc mắt, cắn tai, tấn công chỗ hiểm đối phương để trêu đùa.
Trương Tam Phong
Trương Tam Phong là chưởng môn sáng lập phái Võ Đang. Ngoài hai tuyệt học Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm, ông còn sáng tạo ra môn khinh công thượng thừa cho phái Võ Đang là Thế Vân Tung. Khi sử dụng Thế Vân Tung thân thể nhảy vọt lên như chim hạc bay, linh hoạt dị thường, người đời gọi là “Nhất hạc xung thiên“.
Trương Thúy Sơn đã từng sử dụng môn này, chân phải y đạp vào vách núi một cái, mượn sức vọt lên đến 2 trượng. Trương Vô Kỵ cũng sử dụng môn này trên đỉnh Quang Minh. Trương Vô Kỵ hồi nhỏ theo cha, Thái sư phụ và các sư thúc, sư bá học võ. Tuy chàng chưa chính thức lần lượt học hết võ công của phái Võ Đang nhưng chàng đã mắt thấy tai nghe rất nhiều.
Bây giờ lại luyện thành công môn thần công Càn Khôn Đại Na Di nên bất luận võ công môn phái nào chàng muốn sử dụng tức thì sử dụng được ngay.
Các tiểu thuyết thì sẽ thường quá hư cấu khiến khinh công trở thành một lĩnh vực mang màu sắc thần kỳ, tất nhiên thực tế không đến mức ảo diệu như thế. Tuy không thể đạt tới trình độ phi thân nhanh như một mũi tên hay đạp trên mặt nước nhưng nếu chăm chỉ rèn luyện thì cũng có những lợi ích to lớn trong chiến đấu hay tự vệ chống trả.