Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, đời Càn Long, nhà Thanh đã đạt đến mức cực thịnh, nhưng sau khi Càn Long qua đời, đến đời Gia Khánh thì bắt đầu suy yếu. Một số học giả đưa ra những nguyên nhân dưới đây:
Thứ nhất là “thập toàn võ công” của Càn Long tốn kém quá, nhất là các trận dẹp loạn ở Đại, Tiểu Kim Xuyên (miền núi Tứ Xuyên, Vân Nam), trước sau mất 5 năm, tốn đến 70 triệu lạng bạc, bằng hai năm thu nhập của triều đình Bắc Kinh. Bởi vì phải đem đại bác tới phá mấy ngàn đồn mà họ xây dựng trên núi cao cheo leo. Rồi đến trận dẹp Nepal, quân Thanh từ Bắc Kinh phải vượt qua dãy Himalaya mới vào tận sào huyệt của họ.
Vì những võ công đó, Càn Long phải tăng thêm ngạch lính, tiền lương trả quân đội tăng theo. Lại thêm, Càn Long xây thêm rất nhiều cung điện lớn lộng lẫy. Do đó, cuối đời Càn Long, quốc khố không còn dư. Hơn thế nữa, đời Càn Long, nạn tham ô đã lan tràn trong cả nước, mà Hòa Thân chính là người dẫn đầu. Khi Gia Khánh lên ngôi, đã xử tử Hòa Thân nhưng không dẹp hết được tham nhũng, không lấy lại được lòng tin của dân.

Tinh thần chiến đấu của kỵ binh cũng mất. Họ chán nản vì kẻ chỉ huy thông đồng với tay chân của Hòa Thân, ăn chặn lương của họ và ăn cắp quân nhu. Gia Khánh ít ra còn siêng năng lo việc nước, đến đời Đạo Quang thì bất tài, bủn xỉn, lại nhu nhược. Tệ nhất là Hàm Phong, dâm đãng trụy lạc, bọn hoạn quan và ngoại thích lại hoành hành như các triều đại trước.
Nhưng mấy nguyên nhân kể trên, theo các học giả phương Tây, đều không quan trọng bằng sự gia tăng dân số quá nhanh, trong khi sản xuất không theo kịp, khiến nhà Thanh mỗi ngày một nghèo đi, mỗi ngày một suy yếu.
Theo thống kê của triều đình, dân số năm 1741 là 142 triệu người, đến năm 1851 đã tăng lên 432 triệu người. Vậy là chỉ trong 110 năm, dân số Trung Hoa đã tăng gấp ba. Ở Trung Hoa, chỉ trông vào nghề nông, mà diện tích canh tác tuy có tăng nhưng không thể tăng nhiều được, còn phương pháp canh tác thì không thay đổi. Có trồng thêm được khoai, ngô ở vài nơi, đào thêm một số kênh, làm thêm được một mùa, nhưng cũng không đủ nuôi số nhân khẩu gia tăng đó. Dân tất nhiên thiếu ăn, nghèo, mà dân nghèo thì thuế thu được ít, đất nước từ đó cũng nghèo theo.

Một điểm đáng chú ý nữa: dân số tăng gấp ba, nhưng số quan lại của Trung Quốc không tăng theo. Trung Quốc là một trong những nước thời ấy dùng rất ít quan. Cuối thời nhà Thanh, 450 triệu dân mà chỉ có 100.000 quan lại. Triều đình thì bê bối, quan lại càng bất lực. Hễ có nội loạn, lại thêm ngoại loạn, thì triều đình tất nhiên phải sụp đổ.
Thu của ngân sách nhà Thanh cũng rất kém. Năm 1685 (đời Khang Hi), thu được 25 triệu lạng bạc, 4.000 thạch ngũ cốc (mỗi thạch tương ứng khoảng 30 kg). Đến năm 1770 (đời Càn Long), thu được 29 triệu lạng bạc và 4.700 thạch ngũ cốc. Trong 85 năm, chỉ tăng được vậy: bạc tăng 4 triệu (chưa đầy 1/6), ngũ cốc tăng 400.000 (chưa được 1/10). Vì chính sách nông nghiệp vẫn như các đời trước, kỹ thuật canh tác không tiến bộ, trong khi dân số tăng gấp đôi, gấp ba. Do đó, tình hình tài chính càng xấu đi.
Nguyên nhân trực tiếp khiến nhà Thanh sụp đổ là những cuộc xâm chiếm của phương Tây. Trong 90 năm (từ 1821 đến 1911), về chính trị và kinh tế, Trung Hoa chịu sự uy hiếp ngày càng gia tăng của các cường quốc phương Tây. Họ vào hùa nhau rút rỉa, cắt xé con mồi Trung Hoa, lại còn ganh tỵ nhau trong việc chia phần, biến Trung Hoa thành một nước bán thuộc địa.
Về văn hóa, thời đó là thời văn minh Âu Tây đã xâm nhập dưới mọi hình thức. Dân tộc Hán lúc bấy giờ mới hết tự phụ rằng mình văn minh nhất, hùng cường nhất thế giới, mà phải nhận mình thua kém châu Âu nhiều quá.
Về nội trị, nhà Thanh đã tỏ ra bất lực. Có bốn cuộc nổi loạn lớn, mà một cuộc suýt làm nhà Thanh bị lật đổ. Miền Bắc, miền Nam, miền duyên hải, miền nội địa, mỗi miền phát triển một cách riêng, không có sự thống nhất về tư tưởng, lối sống.
Trong số các cường quốc châu Âu, Anh phát triển nhất về kỹ nghệ, hải quân, thương thuyền, đã vượt qua Bồ Đào Nha, Hà Lan và cả Pháp. Sau khi bài xích được Pháp ở Ấn Độ, Anh muốn tranh với người Bồ tại Trung Quốc.
Năm 1792, Anh phái sứ thần Macartney đến Bắc Kinh xin được ưu đãi về thông thương, nhưng bị Càn Long từ chối bằng giọng điệu kẻ trên. Năm 1816, một phái đoàn nữa cũng thất bại. Họ vẫn như người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Ả Rập, chỉ được giao thiệp với một số người Trung Hoa làm trung gian, mà bọn trung gian đó đóng thuế cho triều đình, liên lạc với quan tỉnh và chuyển hàng hóa vào nội địa. Vì người ngoại quốc không được phép đi lại trong nước Trung Hoa, cũng không được phép bán thẳng cho các nhà buôn Trung Hoa.
Như vậy, bọn trung gian làm giàu rất nhanh, còn người châu Âu thì không phát triển được việc buôn bán. Người châu Âu mua hàng của Trung Hoa nhiều nhất là trà, gấm vóc, nhưng bán cho Trung Hoa thì rất ít (vải, đồ nỉ, đồ xa xỉ). Người Trung Hoa không ưa đồng hồ, máy móc càng khó bán. Thực phẩm thì nặng, không được giá, khó chuyên chở. Chỉ có thuốc phiện là nhẹ, lại được giá cao.
Từ thế kỷ 16, người Trung Hoa mới dùng ống tẩu hút thuốc phiện, nhưng chỉ nhà giàu mới tìm được cái thú đó. Qua thế kỷ 17, Công ty Đông Ấn của Anh bắt đầu sản xuất nhiều và nhập cảng ồ ạt vào Trung Hoa. Từ đó, Trung Hoa nổi tiếng là nước có nhiều người nghiện thuốc phiện nhất thế giới.

Vua Gia Khánh và Đạo Quang nhiều lần ra lệnh cấm hút thuốc phiện, vì nó làm kinh tế khốn đốn, số người nghiện ngày càng tăng, trở thành những con người vô dụng. Nhưng càng cấm, dân lại càng hút, bọn buôn lậu và tham ô lại càng giàu. Khi chính quyền thối nát, cấm gì cũng không ai nghe.
Sau này, xung đột quyền lợi dẫn đến Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất và thứ hai. Lần thứ nhất, triều đình nhà Thanh phải nuốt nhục ký Điều ước Nam Kinh năm 1842. Đây là điều ước đầu tiên Trung Quốc bỏ huy hiệu “thiên triều”, đứng vào địa vị bình đẳng ký với nước khác. (Các điều ước ký với Nga dưới triều Khang Hi chỉ do quan lại hai nước ký).
Điều ước Nam Kinh gồm 12 khoản, trọng yếu như sau:
- Cắt nhường Hương Cảng (tức Hồng Kông) cho Anh.
- Mở năm hải cảng (Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải) làm thương phố cho người Anh buôn bán, cùng vợ con cư trú. Họ được lập lãnh sự quản lý việc buôn bán.
- Bồi thường cho Anh 21 triệu đồng bạc Mễ Tây Cơ.
- Hàng hóa nhập khẩu chịu một thứ thuế công bình, do Trung Hoa công bố. Khi thương nhân Trung Hoa chuyển vào nội địa, không phải chịu thêm thuế.
- Công văn hai nước trao đổi theo hình thức bình đẳng.
Người Trung Hoa gọi đó là “Ngũ khẩu thông thương điều ước”. Ảnh hưởng của nó rất tai hại: là điều ước bất bình đẳng đầu tiên Trung Hoa phải ký với nước ngoài, mở đầu cho một loạt điều ước bất bình đẳng sau này.
Thấy nhà Thanh khiếp nhược, các nước như Pháp, Bồ Đào Nha cũng đòi được đối đãi như Anh. Họ buộc Trung Hoa mở thêm thương phố, tự ý khuếch trương buôn bán, xâm lược Trung Hoa ngày càng mạnh. Thuốc phiện vào càng nhiều, đầu độc dân Trung Hoa. Số người nghiện tăng đến nỗi phương Tây có cảm tưởng người Trung Hoa nào cũng nghiện.
Hương Cảng trở thành căn cứ xâm lược của Anh, chiếm ưu thế nhất. Về ảnh hưởng tinh thần, dân chúng mất lòng tin vào triều đình nhà Thanh. Từ vua tới quan đều sợ người da trắng, trong khi nửa thế kỷ trước (thời Càn Long), họ còn khinh là “man di”.
Giặc ngoài chưa lo xong, triều đình lại phải đối phó nội loạn. Vì dân mất lòng tin, có ác cảm với nhà Thanh, nhiều hội kín nổi lên hiệu triệu phản Thanh. Đời Gia Khánh bị loạn Bạch Liên giáo, Bát Quái giáo. Đời Đạo Quang kế tiếp bị loạn Thái Bình Thiên Quốc, lớn nhất từ thời nhà Hán, suýt lật đổ nhà Thanh.
Lãnh tụ Thái Bình Thiên Quốc là Hồng Tú Toàn (sinh 1812 ở Quảng Đông), người theo đạo Kitô. Khi Thái Bình Thiên Quốc chiếm Nam Kinh rồi tiến lên Bắc, thì Đảng Niệm cũng nổi lên ở phía tây Vận Hà (từ sông Hoàng Hà tới sông Hoài, thuộc bốn tỉnh Giang Tây, An Huy, Hà Nam, Sơn Đông). Đảng này là một hội kín như Bạch Liên giáo, liên kết với Thái Bình Thiên Quốc, nhưng không chiếm được thị trấn quan trọng nào, sau bị Tăng Quốc Phiên dẹp năm 1868.
Đồng thời, nhà Thanh bị nạn Hồi giáo ở Vân Nam. Ở Thiểm Tây, Cam Túc, người Hồi giáo cũng nổi dậy. Đến năm 1873 mới dẹp được, lập Tân Cương. Ở Quý Châu, người Miêu nổi loạn, mất gần 20 năm mới dẹp xong, khiến Quý Châu bị tàn phá gần hết.
Hậu quả các cuộc nổi loạn là dân số giảm mạnh (vì bị giết, đói, lưu lạc). Riêng loạn Thái Bình Thiên Quốc, một giáo sĩ Mỹ ước tính 20 triệu người chết; một số khác đưa ra con số 50 triệu. Có nguồn cho rằng tổng cộng các cuộc nội loạn làm Trung Hoa mất ít nhất 100 triệu người—chưa đời nào trong lịch sử Trung Hoa có nạn như vậy.
Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất chưa xong, lần thứ hai lại nổ ra. Điều ước Nam Kinh (lần 1) chẳng nước nào tuân thủ. Dân chúng uất hận, các nước ngoài lại tìm cách xâu xé. Nhưng một số thương gia, giới trung lưu hợp tác với người ngoại quốc lại giàu rất nhanh. Họ học thói quen châu Âu, mở hội buôn bán, gửi con đi du học. Đa số họ ở miền ven biển (từ Thượng Hải xuống Quảng Đông), so sánh văn minh phương Tây và Trung Hoa, thấy Trung Hoa quá lạc hậu. Họ nảy ra ý cách mạng, và chính họ là lực lượng khiến nhà Thanh sụp đổ.
Ngày 12 tháng 2 năm 1912, triều đại nhà Thanh chính thức kết thúc sau 276 năm tồn tại, bằng sắc lệnh thoái vị của Long Dụ thái hậu. Hoàng tộc nhà Thanh phải đổi họ để tránh truy bắt. Triều đại này, vinh quang cũng nhiều, mà thất bại cũng lắm.