Đây là bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” của thiên tài Leonardo da Vinci. Ở tại căn phòng nơi treo bức bích họa “Bữa tiệc cuối cùng” thậm chí còn được niêm phong cực kỳ cẩn mật, muốn chiêm ngưỡng nó người ta phải đi qua hai lớp cửa để vào được căn phòng. Và khi vừa bước vào, những cánh cửa sẽ mau chóng đóng lại. Mỗi người chỉ có 15 phút để ngắm bức tranh.
Như chính Leonardo từng nói: “Nước mắt đến từ trái tim chứ không phải từ bộ não“. Nhìn thật sâu vào bức tranh, có một sự tĩnh lặng, một sự huyền bí thâm sâu, một bí mật được tiết lộ về bữa tối cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đồ của Ngài.
Bức tranh đó khiến người ta ấn tượng bởi hai sự kiện: đó là Bí tích Thánh Thể và khi Chúa Jesus nói rằng một trong các môn đồ của Ngài sẽ phản bội Ngài.
Bữa tối diễn ra trong một căn phòng tầng gác của một ngôi nhà tại thánh địa Jerusalem,Chúa Jesus và 12 sứ đồ đến căn phòng này để chức Lễ Vượt Qua. Đó là kỷ niệm tại hoạ cuối cùng giáng xuống Ai Cập, đó là khi con đầu lòng của người Ai Cập chết và người Israel được giải thoát nhờ huyết của một con chiên đã được bôi lên trên khung cửa nhà của họ.
Chúa Jesus vừa dạy các sứ đồ bài học về tính khiêm nhường bằng cách rửa chân cho họ. Và khi bữa tiệc Lễ Vượt Qua đã xong, Chúa Jesus bắt đầu một bữa tiệc đặc biệt khác. Ngài trích dẫn lời tiên tri của David:
Người bạn mà con tin cậy, người ăn bánh con, cũng đã trở gót chống nghịch
Những người dự bữa tiệc ngồi quanh bàn theo đúng trật tự vị trí. Những tín đồ ngồi bên trái và bên phải Chúa theo trình tự vai vế cùng ăn chung thức ăn trong bát to.
Bữa tối này diễn ra vào ngày đầu tiên của lễ Vượt Qua, khi người Do Thái ăn bánh mì không men và cúng tế thịt cừu, kỷ niệm cuộc di cư từ Ai Cập. Trên bàn chắc chắn có món thịt cừu, rượu vang, bánh mì, món đậu hầm nhừ, ô liu trộn với hoài hương, thảo mộc đắng, hạt dẻ, chà là, hoa quả, và món “charoset” (là món ăn đặc trưng của lễ Vượt Qua).
Chúa Giêsu lấy một ổ bánh, tạ ơn Đức Chúa Trời, bẻ ra và trao cho các môn đồ của Ngài cùng với rượu vang. Ngài nói: “Các người hãy ăn đi, vì bánh này tượng trưng cho thân thể ta sẽ hy sinh cho các người“. Bánh được truyền cho các sứ đồ, rồi Ngài đưa cho họ một ly rượu và nói: “Các người hãy uống đi, vì rượu này tượng trưng cho máu ta sẽ đổ ra vì các người“. Dù Ngài đã cho biết một trong các môn đồ sẽ phản bội Ngài, nhưng các sứ đồ vẫn nhìn nhau và hỏi: “Thưa chúa không phải là tôi chứ?“
Peter thúc dụng người ngồi gần Chúa Jesus hỏi xem người đó là ai. James bèn nghiêng người gần Chúa Jesus và hỏi: “Thưa Chúa ai vậy?”.
Chúa Jesus trả lời: “Tôi chấm miếng bánh này và đưa cho ai thì chính là người đó”.
Rồi ngài chấm miếng bánh vào chiếc đĩa ở trên bàn đưa cho Judas và nói: “Con Người sẽ ra đi như lời đã viết về Ngài, nhưng khốn cho kẻ phản Con Người; thà kẻ đó chẳng sinh ra thì hơn.”
Chúa Jesus nói với Judas: “Anh đang làm gì thì hãy làm nhanh đi”
Vì Judas là người giữ hộp tiền nên các sứ đồ khác nghĩ rằng Chúa Jesus đang bảo anh ta mua những thứ cần dùng cho kỳ lễ hoặc đến bố thí cho người nghèo. Judas rất căng thẳng và đã rời khỏi sau khi ăn xong bữa tiệc.
Sau khi ăn xong bữa tiệc Thánh của Chúa, Chúa Jesus dặn các sứ đồ phải can đảm và vững mạnh trong Đức Tin. Cuối cùng, họ hát khen ngợi Đức Chúa Trời và ra đi, trời đã khuya lắm, có lẽ đã quá nửa đêm. Sau khi rời căn phòng trên lầu, Chúa Jesus và các sứ đồ đến vườn Gethsemane. Họ đã từng đến đây nhiều lần trước đó, nhưng lần này Chúa Jesus bảo họ phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Ngài rời khỏi một quãng ngắn và cúi mặt xuống đất cầu nguyện. Sau đó, Ngài trở lại chỗ các sứ đồ và nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện“. Tuy nhiên, Ngài luôn thấy họ ngủ. Ngài nói: “Làm sao các người có thể ngủ được trong lúc này, giờ mà ta bị bắt nộp cho kẻ thù của ta đã đến“.
Ngay lúc ấy, tiếng ồn ào náo động vang lên. Một toán đông đang kéo đến, mang theo gươm, gậy và đuốc rực sáng. Có rất nhiều người. Một người tách ra khỏi đoàn và tiến thẳng lại gần Chúa Jesus. Hắn hôn Ngài, chính là Judas Iscariot, kẻ phản bội. Nụ hôn là dấu hiệu để những kẻ theo Judas biết ai là Chúa Jesus mà chúng tìm bắt.
Bấy giờ, Satan đã nhập vào người đàn ông bại hoại này, khiến hắn trở thành “Đứa Con Của Sự Hủy Diệt“. Trước đó, Judas đã gặp những kẻ muốn bắt Chúa Jesus và hỏi: “Nếu tôi giúp các ông bắt Ngài, các ông sẽ cho tôi gì?“. Họ nói: “30 đồng tiền bạc“. Vì thế, Judas đã dẫn họ tới bắt Chúa Jesus.
Khi Chúa Jesus tuyên bố rằng Ngài biết ai phản bội mình, Judas ngay lập tức trở nên căng thẳng. Nhìn lại bức tranh của Leonardo da Vinci, ta thấy nó chứa đầy những biểu tượng. Trong tranh, tay phải của Chúa Jesus đang với tới một chiếc bánh mì, còn tay trái đặt mở trên bàn, cũng hướng tới chiếc bánh mì khác. Chúa Jesus nói kẻ phản bội sẽ lấy bánh mì cùng lúc với Ngài. Cùng lúc đó, vì bị phân tâm bởi cuộc trò chuyện giữa Peter và John, Judas đã giơ tay ra lấy bánh mì – chính là cái bánh mà tay phải của Chúa Jesus đang với tới.
Leonardo đã khắc họa phản ứng của các môn đồ khi Chúa Jesus nói rằng Ngài biết ai là kẻ phản bội. Trong tranh, có ba người đang thì thầm, ba người tỏ vẻ giận dữ, một người ngạc nhiên, một người lộ vẻ nghi ngờ, hai người lộ vẻ xúc động, và một người ngồi ngay ngắn tỏ lòng trung thành.
Phêrô cầm dao trên tay, báo hiệu rằng sẽ cắt đứt tay của một người lính để bảo vệ Chúa Jesus. Simon đã đẩy những người xung quanh để đến gần Chúa Jesus, muốn biết ai là kẻ phản bội. Thomas chỉ tay lên trời, báo hiệu rằng ông sẽ đâm ngón tay vào vết thương của Chúa Jesus. Trong khi đó, Judas nắm chặt túi 30 đồng bạc mà anh ta nhận được sau khi phản bội Chúa Jesus.
Leonardo đặt hình tượng của Judas ngồi đối diện với Chúa Jesus và các môn đồ cùng ngồi phía sau bàn. Phía sau Judas là một khoảng tối, còn sau lưng Chúa Jesus là hình ảnh cửa sổ sáng rực. Điểm nhấn của bức tranh là hình tam giác cân được tạo bởi cơ thể Chúa Jesus, người là tâm điểm vĩnh hằng và tĩnh lặng của tất cả.
Bên trong sự hỗn loạn, có sự vĩnh cửu. Ngài ngồi dưới một vòm ánh sáng, tạo nên một vòng hào quang. Cử chỉ của Chúa Jesus cũng mang hàm ý độc đáo: tay phải Ngài giang ra phía chén rượu chứa máu của Ngài, tay trái thể hiện cử chỉ buồn bã, nhưng cũng đồng thời ngụ ý một tâm trạng thoải mái và bình tĩnh trước cái chết sắp đến.
Bốn cửa sổ tượng trưng cho bốn đức hạnh của Plato. Phía sau, khung cảnh xanh tươi liệu có phải là lời gợi mở cho câu hỏi: “Đây có phải là thiên đàng giữa nhân gian?“. Bàn ăn của bữa tối cuối cùng đại diện cho ranh giới giữa thiên đàng và thế tục. Như sử gia nghệ thuật thế kỷ 16 Vasari từng viết trong cuốn sách “Cuộc đời của những họa sĩ“, Leonardo đã mường tượng và miêu tả những dục vọng xâm chiếm tâm trí các tông đồ khi họ tìm ra ai phản bội thầy của mình.
Trên khuôn mặt mỗi người, tình yêu, sự sợ hãi, phẫn nộ, hay nỗi đau buồn đều hiện rõ, vì họ không thể hiểu được lời Chúa Jesus. Điều này khiến người ta kinh ngạc không kém gì lòng căm thù và sự phản bội của tông đồ Judas.
Một chi tiết thú vị trong bức tranh của Leonardo là các món ăn trên bàn. Truyền thống quy định bữa ăn gồm thịt cừu, bánh mì và rượu vang. Thế nhưng, Leonardo lại chọn vẽ lươn nướng và cam cắt lát – những món không phổ biến trong thời kỳ của Chúa Jesus. Có thể đây là ẩn ý của Da Vinci khi đưa vào bức tranh những thói quen ăn uống của chính ông. Dù sao, bữa tiệc cuối cùng không phải là lễ Vượt Qua truyền thống.
Bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus là vào đêm trước khi Ngài chết. Chúa Jesus đã thiết lập một lễ để tưởng niệm sự hy sinh của Ngài, và các môn đồ phải cử hành lễ này vào ngày 14 Nisan hàng năm. Khi Ngài nói: “Hãy làm điều này để nhớ đến ta“, tức là Ngài chỉ ra rằng đây là nghi lễ cần được tiếp tục trong tương lai, để tưởng nhớ những gì Đức Kitô đã làm cho nhân loại. Nó nhắc nhở chúng ta về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, và để trông đợi sự trở lại vinh hiển của Ngài trong tương lai.