Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp hay Ỷ Thiên Đồ Long Ký là những tác phẩm đã không còn xa lạ với khán giả, đặc biệt là những fan hâm mộ của cố nhà văn Kim Dung. Nhân tài võ học trong vũ trụ kiếm hiệp của nhà văn này nhiều như nấm sau mưa. Nhưng để kể đến những người vang danh thiên hạ “1000 năm trước không ai sánh bằng, 1000 năm sau không ai đuổi kịp“, thì cũng không hẳn là không thể kể hết.
Những bí kíp võ công đặc biệt, những màn tỷ thí long trời lở đất, đã trở thành một phần ký ức không thể quên với rất rất nhiều người. Kể cả một cái tên như Cẩu Tạp Chủng hay còn gọi là Thạch Phá Thiên, một nhân vật thậm chí còn không xuất hiện trực tiếp mà phải qua lời kể của các nhân vật ở trong truyện mới hiện ra.
Vậy trong một vũ trụ có quá nhiều cao thủ như thế ai là người xứng đáng làm anh hùng cái thế, có võ công cao cường nhất trong toàn bộ các tác phẩm kinh điển của Kim Dung.
Trong Thiên Long Bát Bộ, Tiêu Dao Tử là tổ sư sáng lập phái Tiêu Dao, tuy nhiên không có nhiều thông tin về thân thế cũng như cuộc đời của ông. Nhưng thông qua các đệ tử của ông, Tiêu Dao Tử được nhiều người đọc đánh giá là một trong số những nhân vật có võ công và nội lực cao nhất trong các bộ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung.
Ông tự mình sáng tạo ra tuyệt học riêng và truyền lại cho ba người đệ tử theo thứ tự nhập môn. Họ bao gồm Thiên Sơn Đồng Lão, Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy. Sau này truyền đến Hư Trúc thì môn phái này không xuất hiện thêm nữa trong các tiểu thuyết khác của Kim Dung.
Bảo vật trấn phái của chưởng môn Tiêu Dao là một chiếc nhẫn bằng bảo thạch. Thậm chí nhiều người cho rằng với việc sáng tạo ra vô số môn võ công trác tuyệt như: “Cải Lão Hoàn Đồng” hay khinh công, ám khí bậc nhất thiên hạ, Tiêu Giao Tử đã vượt qua giới hạn của con người, đắc đạo thành thần tiên. Cho nên nhân vật này gần như là truyền kỳ trong giang hồ và toàn bộ võ lâm.
Trong khi đó Thiên Long Bát Bộ là tác phẩm dùng triết lý Phật giáo để miêu tả những ân oán tình thù trong nhân gian. Nhân vật nam chính Tiêu Phong hiện lên với đầy đủ khí chất của một vị anh hùng thực thụ, anh dũng, bao dung, uy nghiêm, độ lượng. Là bang chủ của phái Cái Bang, sở hữu phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ và sức mạnh đặc biệt trong võ thuật. Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí.
Với tuyệt chiêu võ công Giáng Long Thập Bát Chưởng lĩnh ngộ ở mức tối đa, không chỉ thế nhờ một nền tảng nội lực thâm hậu và thiên khiếu võ học, những môn nào chàng thi triển đều đạt uy lực xưa này hiếm có kể cả những chiêu thức phổ thông bình thường.
Ấy thế mà khi đứng trước phái Thiếu Lâm hay cụ thể hơn là trước Vô Danh Thần Tăng, Kiều Phong lại chỉ là một đứa con nít mới học võ, vị đại sư này vốn là nhà sư quét lá, chuyên quét dọn Tàng Kinh Các ở Thiếu Lâm Tự. Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn danh bất hư truyền là thế nhưng không chịu nổi hai chưởng từ Vô Danh Thần Tăng, khi Tiêu Phong tung Hàng Long Thập Bát Chưởng bị cao tăng dễ fàng hóa giải. Chừng đó đủ để thấy Vô Danh Thần Tăng đạt đến cảnh giới võ công thượng thừa.
Nhắc đến Tiếu Ngạo Giang Hồ nhìn sự đời mà cười ngạo nghễ là tác phẩm được Kim Dung khắc họa sâu sắc nhất cuộc đấu tranh tàn sát của những kẻ ham công danh lợi lộc. Tiếp đó, ông xây dựng nhân vật chàng trai mồ côi Lệnh Hồ Xung với bản tính ngay thẳng trung thực và luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, nhân vật được chú ý nhất lại là Đông Phương Bất Bại, chỉ cần nghe đến 4 chữ này thôi tất cả võ lâm chính phái và tả phái đều cảm thấy run sợ và kính nể. Bởi thế một mình Đông Phương Bất Bại lãnh đạo Nhật Nguyệt Thần Giáo nhưng vẫn trở thành đối trọng của cả võ lâm Trung Nguyên. Ngay cả các đại cao thủ như Nhậm Ngã Hành giáo chủ đời trước của Nhật Nguyệt Thần Giáo, Phương Chứng đại sư, Phương Tượng thiếu lâm tự, giáo chủ phái Võ Đang là Sung Hư Đạo Trưởng và Tả Lãnh Thiền giáo chủ phái Tung Sơn đều thừa nhận Đông Phương Bất Bại là cao thủ số 1 thiên hạ.
Môn võ công mà Đông Phương Bất Bại tu luyện chính là Quỳ Hoa Bảo Điển, trong cuộc giao đấu cuối cùng của đời mình Đông Phương Bất Bại một mình đấu với cả bốn đại cao thủ là Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên nhưng hắn vẫn chiếm được thế thượng phong và cả bốn người đều phải cúi đầu thừa nhận là không đánh thắng được Đông Phương Bất Bại.
Lệnh Hồ Xung khi ấy đã tu luyện được môn kiếm pháp vô địch thiên hạ là Độc Cô Cửu Kiếm, có thể nhìn thấy tất cả những điểm sơ hở của Đông Phương Bất Bại. Nhưng vì thân pháp của hắn quá nhanh nên tất cả các chiêu thức tấn công của chàng đều không trúng đích. Nhưng suy cho cùng, thì khi ấy Lệnh Hồ Xung vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được kiếm pháp ấy. Không như người đã tạo nên nó chính là Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại.
Được nhắc đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần Điêu Đại Hiệp và Tiếu Ngạo Giang Hồ và ngắn gọn trong bộ Lộc Đỉnh Ký. Độc Cô Cầu Bại chưa từng xuất hiện trong một cách chính thức trong các bộ phim mà chỉ được thể hiện qua những lời kể của các nhân vật khác, cùng những triết lý đặc sắc về kiếm thuật của mình. Tên của Độc Cô Cầu Bại có nghĩa là cô độc một mình cầu được bại trận, thể hiện khả năng kiếm thuật thần thông của nhân vật này.
Trong xuyên suốt các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại được coi là một nhân vật huyền thoại. Từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học Độc Cô Cửu Kiếm, đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu. Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, trường pháp, nội công. Thậm chí cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc Cô Cửu Kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác.
Tên gọi Độc Cô Cửu Kiếm của môn kiếm pháp này bắt nguồn từ việc nó có 9 chiêu thức chính: Tổng quát thức, Phá kiếm thức, Phá Đao Thức, Phá Khí Thức, Phá Chưởng Thức, Phá Tiễn Thức, Phá Thương Thức, Phá Tiên Thức, Phá Sách Thức. Đúng như tên gọi mỗi thức của Độc Cô Cửu Kiếm chính là khắc tinh của một loại binh khí, trường pháp, cũng như là ám khí
Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại là Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Người nổi bật nhất trong số này chắc chắn phải là Dương Quá còn được gọi là Thần Điêu Đại Hiệp, sau này, trong Hoa Sơn Luận Kiếm lần 3 được xem là một trong thiên hạ ngũ tuyệt với biệt danh Tây Cuồng.
Võ công của Dương Quá được kết hợp từ rất nhiều bí kíp gồm Ngọc Nữ Tâm Kinh, Toàn Chân kiếm pháp, Cáp Mô Công, Nghịch hành kinh mạch, Đả Cẩu Bổng Pháp, võ công trong Cửu Âm Chân Kinh, Đàn chỉ thần công, Ngọc Tiêu kiếm pháp. Tuy nhiên chưa có môn nào được luyện tới cảnh giới cao siêu dù bất kỳ môn nào cũng được anh luyện đến ngưỡng mà ít ai sánh bằng.
Trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ, Dương Quá đã sáng tạo ra môn võ công Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng một trong những môn võ độc đáo nhất của thế giới võ hiệp, dồn nén hết sự đau khổ nhớ thương để tung ra một chưởng uy lực vô song.
Dẫu vậy người được xem như đứng đầu ngũ tuyệt lại là Vương Trùng Dương, và sau này được tiếp bởi người sư đệ của ông Chu Bá Thông. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Vương Trùng Dương mất trước khi thời xạ điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.
Là người vô địch Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được phong làm Trung Thần Thông với võ công nhất đẳng thiên hạ, được giữ bộ Cửu Âm Chân Kinh. Ông là người sáng lập ra Toàn Chân Giáo và trận pháp Bắt Đẩu Thất Tinh nổi tiếng. Cái tinh túy của trận pháp này chính là khi các đệ tử của ông có thể đánh ngang với Âu Dương Phong, Hoàng Dược Sư thậm chí là chiếm được ưu thế
Khi bệnh nặng sát mất, lo Âu Dương Phong tìm đến lấy Chân Kinh. Ông đã giả chết để chờ Âu Dương Phong đến và chỉ bằng một chiêu Tiên Thiên Công, ông đã đánh bại Tây Độc Âu Dương Phong. Phế bỏ môn võ Cáp Mô Công của hắn mà phải 20 năm sau Âu Dương Phong mới khôi phục được.
Còn sư đệ của ông Chu Bá Thông Lão Ngoan Đồng là một nhân vật có thật trong lịch sử song tư liệu về ông rất ít, ông được mô tả là người có tính tình ngây thơ hay đùa giỡn như trẻ con nên có biệt danh là Lão Ngoan Đồng, và là con nghiện võ thuật. Ông là người sáng chế ra môn võ công Không Minh Quyền, đặc biệt là môn Song Thủ Hổ Bác môn võ công kỳ dị chỉ dành cho những người có đầu óc hoàn toàn vô tư và trong sáng.
Những người còn lại trong ngũ tuyệt cũng không thể xem thường với Đông Tà Hoàng Dược Sư hay còn gọi là Hoàng Lão Tà, đảo chủ đảo đào hoa tính tình quái dị thường hành sự theo ý mình coi thường thiên hạ. Ông có 6 đệ tử tài năng ở thời điểm đó, bản thân lại nổi tiếng với tuyệt kỹ Đạn chỉ thần công, Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp, Bích Hải Triều Sinh Khúc, Lan Hoa Phất Huyệt Thủ và Hoàng Phong Tảo Diệp Thoái Pháp
Tây Độc Âu Dương Phong còn được mọi người gọi là Lão Độc Vật, chủ nhân của Bạch Đà Sơn ở Tây Vực, độc ác, xấu xa, tham lam, xảo quyệt. Y nổi danh với tuyệt kỹ Hà Mô Công, Linh Xà Quyền và khả năng pha chế ra những loại độc dược chết người không ai giải nổi
Nam Đế Đoàn Trí Hưng còn được gọi là Đoàn Hoàng Gia, hoàng đế nước Đại Lý ở Phương Nam. Gia Tộc của ông nhiều đời luyện võ, ông nổi tiếng với tuyệt kỹ gia truyền Nhất Dương Chỉ và tuyệt kỹ Tiên Thân Công có thể đã thông kỳ kinh bát mạch do Vương Trùng Dương chỉ dạy. Về sau, khi đi tu mang pháp hiệu là Nhất Đăng Đại Sư.
Bắc Cái Hồng Thất Công còn được người đời gọi là Lão Ăn Mày, bang chủ đời thứ 18 của Cái Bang, tham ăn tham rượu nhưng hào hiệp trượng nghĩa. Võ công của ông cũng rất cao, ông thường thi triển Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp. Về sau, Quách Tĩnh hay Quách Đại Hiệp thay thế cho sư phụ của mình chính là Hồng Thất Công với cái danh xưng bắc hiệp.
Trong tiểu thuyết, nhân vật Quách Tĩnh được miêu tả chậm chạp, ngốc nghếch nhưng chân thật và trượng nghĩa. Và dường như để bù đắp, nhà văn xứ Đài đã mang đến cho chàng hàng loạt những võ công tinh hoa từ Giang Nam Thất Quái, từ Mã Ngọc của phái Toàn Chân, từ Hồng Thất Công với môn Hàng Long Thập Bát Chưởng, từ Chu Bá Thông với Song Thủ Hổ Bác, 72 lộ Không Minh Quyền và nổi bật nhất là Cửu Âm Chân Kinh.
Tất cả các nhân vật trên đều có thể được xem là vô địch trong thời đại của mình, ấy thế mà có một người lại được chính tác giả Kim Dung công nhận là một nhân vật “1000 năm trước không ai hơn, 1000 năm sau không ai sánh bằng”. Câu nói của Kim Dung phần nào thể hiện quan điểm rằng Trương Tam Phong là người mạnh nhất trong các nhân vật của ông. Vậy Trương Tam Phong là ai mà được Kim Dung ưu ái như vậy?
Trương Tam Phong xuất hiện lần đầu ở Thần Điêu Hiệp Lữ Khi đó còn là học trò của Giáp Viễn Thiền Sư. Nhờ học được một phần Cửu Dương Thần Công, Trương Tam Phong lập nên phái Võ Đang lưu danh muôn thuở. Ở Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Tam Phong đã là bậc chân tu trăm tuổi, nội công đạt mức thượng thừa và không có đối thủ xứng tầm trong thiên hạ.
Các đệ tử của ông ở Võ Đang đều là bậc cao thủ trứ danh, phái võ đang mà ông lập nên thời bấy giờ có thể sánh ngang với thiếu lâm. Sau này khi về già, Trương Tam Phong còn tự sáng tác ra bộ võ Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm lấy nguyên lý dùng tĩnh chế động, dùng nhu khắc cương, là đỉnh cao của võ học.
Nói về tu vi võ học khó có ai hơn được Trương Tam Phong, và quả thực khi mà chính tác giả dành lời khen ngợi thì khó có một ai có thể phủ nhận cái danh xưng Thiên Hạ Đệ Nhất võ học Kim Dung của ông nữa.