Di Hòa Viên là một trong những cung điện hoàng gia nổi tiếng nhất của Trung Quốc, tọa lạc ở phía tây bắc của Bắc Kinh. Di Hòa Viên là biểu tượng của sự tinh tế trong kiến trúc nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa. Công trình này không chỉ là nơi nghỉ dưỡng của các hoàng đế mà còn là một khu vườn mang đậm tính triết lý và tâm linh, việc xây dựng và mở rộng Di Hòa Viên cũng có nhiều động cơ chính trị phức tạp.
Từ Hi thái hậu đã sử dụng Di Hòa Viên không chỉ như một nơi nghỉ ngơi mà còn như một biểu tượng của quyền lực và sự thịnh vượng. Việc chi tiêu lớn để phục hồi khu vườn này là một cách khẳng định sự giàu có và uy quyền của bà, đồng thời cũng cố địa vị của mình trong triều đình trước các đối thủ chính trị.
Lịch sử hình thành của Di Hòa Viên
Thực tế, lịch sử Di Hòa Viên đã kéo dài hàng thế kỷ chứ không chỉ bắt đầu từ thời nhà Thanh. Lịch sử của Di Hòa Viên bắt đầu từ thời nhà Kim, tức là khoảng thế kỷ thứ 12, thế kỷ thứ 13 với tên gọi là Kim Sơn Tự. Tuy nhiên, phần lớn cấu trúc hiện tại được xây dựng dưới triều đại nhà Thanh.
Vào năm 1750, hoàng đế Càn Long đã ra lệnh xây dựng cung điện này để mừng sinh nhật của mẹ ông, đặt tên là Thanh Y viên. Công trình này bao gồm một loạt các cung điện đình chùa và hồ, tạo ra một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hài hòa.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh Nha phiến, tức là quãng thời gian giữa thế kỷ 19, Thanh Y viên bị hư hại nặng nề do sự tấn công của Liên minh Anh Pháp. Năm 1886, Từ Hi thái hậu đã quyết định phục hồi và mở rộng công trình này, sử dụng ngân quỹ quốc gia được dự kiến chi cho hải quân để cải tạo lại khu vườn. Sau khi hoàn thành, công trình được đổi tên thành Di Hòa Viên, có nghĩa là cung điện Hòa Bình và Hài Hòa
Kiến trúc và nghệ thuật
Về mặt kiến trúc, Di Hòa Viên là một tuyệt tác kiến trúc và nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Khu vườn rộng khoảng 290 ha, với hơn 3000 công trình kiến trúc lớn nhỏ bao gồm các cung điện như đã nói. Nổi bật trong số này còn là những công trình khác như là hồ Côn Minh và đồi Vạn Thọ.
Hồ Côn Minh
Hồ Côn Minh là một khu vực chiếm khoảng 3/4 diện tích của Di Hòa Viên và là trái tim của cả khu vườn, hầu như tất cả những bức ảnh chụp Di Hòa Viên đều có sự hiện diện của hồ Côn Minh.
Hồ được mở rộng và cải tạo từ một hồ tự nhiên nhỏ hơn với mục đích tái tạo lại khung cảnh của Tây Hồ ở Hàng Châu, một trong những khu thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Địa danh Tây Hồ cũng được đặt cho rất nhiều hồ nước khác ở Trung Quốc, ở Triều Tiên, ở Nhật Bản và ở cả Việt Nam.
Hồ Côn Minh không chỉ tạo một phong cảnh nên thơ mà còn là nguồn nước quan trọng của cả khu vườn. Trên hồ có nhiều cầu và đảo nhỏ, trong đó nổi bật nhất là cầu Thập Thất Khổng, nối liền bờ hồ với đảo Nam Hồ. Cầu được xây dựng từ đá với 17 nhịp và được trang trí bằng hàng trăm tượng sư tử đá nhỏ, tạo một cảnh tượng vô cùng ấn tượng và tinh xảo.
Đồi Vạn Thọ
Đồi Vạn Thọ cao khoảng 60m, là điểm cao nhất trong Di Hòa Viên và là nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc quan trọng. Trên đỉnh đồi là chùa Hải Đình, được xây dựng bằng đá và gạch men màu, tạo nên một hình ảnh rực rỡ và lộng lẫy. Từ đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh Di Hòa Viên và khu vực xung quanh.
Dưới chân đồi là các cung điện bao gồm có cung điện Vạn Thọ và đình Tô Châu, nơi tái hiện khung cảnh và kiến trúc của phố cổ Tô Châu, một khu phố cổ nổi tiếng với các kênh rạch và kiến trúc cổ kính
Phố Tô Châu
Phố Tô Châu là con phố mua sắm nằm ven sông, chuyên bày bán các mặt hàng truyền thống. Con phố được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của kênh Giang Tô. Trước kia, đây là nơi mà nhà vua và các vị phi tần thường đóng giả làm dân thường để mua sắm.
Thanh Yên Phảng
Thanh Yên Phảng là con thuyền bằng đá được chế tác từ hán bạch ngọc thạch. Mô hình thuyền đá dài đến 36 m, được làm từ đời vua Càn Long thứ 20 (1755). Trên thân con thuyền có vô số hoa văn hình rồng được điêu khắc một cách tinh tế và tỉ mỉ.
Trường Lang
Trường Lang còn gọi là hành lang dài là một trong những điểm đặc biệt của Di Hòa Viên, kéo dài 738 m dọc theo bờ hồ. Hành lang này không chỉ là nơi dạo mát và ngắm cảnh mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật với hơn 14000 bức tranh vẽ tay, mô tả các cảnh vật, truyện cổ, thần thoại Trung Hoa.
Mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo thể hiện tài năng và sự sáng tạo của các nghệ nhân thời nhà Thanh.
Lạc Thọ Đường
Tham quan Di Hoà Viên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc theo kiểu Tứ Hợp viên, mang tên Lạc Thọ Đường. Công trình có diện tích 3.000 m2, có tổng cộng 49 gian, kết nối với nhau bằng hành lang hướng thẳng ra hồ Côn Minh.
Phía trước cửa là cầu cảng bằng đá – nơi thuyền Từ Hy Thái hậu cập bến trong các chuyến nghỉ mát. Bên cạnh đó, trong Lạc Thọ Đường còn có rất nhiều loại hoa và cây cảnh, góp phần làm tăng vẻ đẹp “bồng lai” cho cả khuôn viên.
Vai trò và tầm ảnh hưởng
Di Hòa Viên không chỉ là một khu vườn nghỉ dưỡng của hoàng gia mà có đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Trung Hoa. Nơi đây từng là trung tâm của các hoạt động chính trị và xã hội trong nhiều giai đoạn lịch sử. Từ Hi thái hậu đã sử dụng cung điện này làm nơi điều hành công việc triều đình và tiếp đón các sứ thần nước ngoài.
Về mặt văn hóa, Di Hòa Viên là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật văn học và âm nhạc. Các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ đã tìm thấy ở đây sự tĩnh lặng và cảm hứng để sáng tác những kiệt tác của mình. Công trình này cũng thể hiện rõ nét triết lý sống hài hòa với thiên nhiên của người Trung Quốc, một triết lý đã ăn sâu vào tâm hồn và văn hóa của dân tộc này.
Ngày nay, Di Hòa Viên là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Mỗi năm, hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của khu vườn này. Nơi này không chỉ thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà như đã nói đó là những giá trị lịch sử và văn hóa.
Sử dụng ngân sách hải quân để phục hồi
Và vẫn còn đó những bí mật của Di Hòa Viên, một trong những bí mật hay nói đúng hơn là một trong những câu chuyện gây tranh cãi nhất liên quan đến Di Hòa Viên. Là việc Từ Hi thái hậu đã sử dụng ngân sách dành cho hải quân để phục hồi và mở rộng khu vườn này.
Vào cuối thế kỷ 19, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ các cường quốc phương Tây và cả quốc gia lân cận là Nhật Bản. Việc Từ Hi thái hậu lấy tiền từ ngân sách quốc phòng để tu sửa một khu vườn đã gây ra rất nhiều chỉ trích và rất nhiều tranh luận.
Hệ thống đường hầm bí mật
Cũng có nhiều tin đồn về việc tồn tại các đường hầm bí mật dưới Di Hòa Viên. Những đường hầm này được xây dựng để phục vụ cho việc thoát hiểm của hoàng gia, trong trường hợp có những biến động chính trị hoặc có những cuộc tấn công từ bên ngoài. Những đường hầm này được cho là kết nối với các cung điện và các địa điểm quan trọng khác trong và ngoài khu vườn.
Mặc dù chưa có những bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của những đường hầm này, nhưng những câu chuyện càng bí mật thì càng tạo ra sự kích thích trí tò mò của nhiều người.
Những bức tranh bí ẩn
Trong Di Hòa Viên có một loạt những bức tranh được chạm khắc trên đá, nằm giải rác ở khắp khu vườn. Những bức tranh này không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa về biểu tượng của phong thủy và triết học.
Một số người tin rằng, các bức tranh này có thể chứa đựng các mật mã hoặc những chỉ dẫn đặc biệt liên quan đến triết lý tư tưởng của những hoàng đế nhà Thanh.
Truyền thuyết về Long Vương
Một truyền thuyết phổ biến khác liên quan đến Di Hòa Viên là câu chuyện về Long Vương. Theo truyền thuyết, hồ Côn Minh từng là nơi cư ngụ của Long Vương và những chú rồng con. Những con rồng này đã giúp bảo vệ khu vườn, mang lại sự thịnh vượng, an lành cho hoàng gia.
Người ta tin rằng khi xây dựng hồ và các công trình xung quanh, các hoàng đế nhà Thanh đã cầu khấn và thờ cúng Long Vương để bảo vệ và phù hộ các thần linh.
Nghi thức bí mật và đời sống tâm linh
Di Hòa Viên không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là nơi thực hiện nhiều nghi thức bí mật và các hoạt động tâm linh của hoàng gia nhà Thanh. Các hoàng đế và hoàng hậu thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện thiền định, các nghi lễ tôn giáo trong khu vườn.
Một số cung điện và đền thờ trong Di Hòa Viên được thiết kế đặc biệt để tạo ra không gian linh thiêng, nơi hoàng gia tìm kiếm sự bình an và kết nối với thần linh.
Một bí mật ít được nhắc đến là cách Di Hòa Viên được thiết kế để tương thích với các điều kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của Bắc Kinh. Bắc Kinh mùa hè thì rất nóng, mùa đông thì rất lạnh. Các kiến trúc sư đã sử dụng các nguyên tắc phong thủy và kiến thức về khí hậu để tạo ra một môi trường thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Các hồ, suối, cây xanh không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn giúp điều hòa không khí và tạo ra một môi trường sống lý tưởng. Đến bây giờ, Di Hòa Viên vẫn còn lưu giữ nhiều bảo vật quý giá của hoàng gia nhà Thanh. Những bức tranh, tượng, đồ sứ, các tác phẩm nghệ thuật khác không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử. Một số bảo vật được cất giữ trong các hầm bí mật và chỉ được trưng bày vào những dịp đặc biệt.
Tổng kết lại, Di Hòa Viên không chỉ là một kiến trúc nghệ thuật mà còn là nơi ẩn chứa nhiều bí mật và nhiều câu chuyện thú vị. Những bí mật này không chỉ làm tăng thêm sự huyền bí và hấp dẫn của Di Hòa Viên, mà còn giúp người ta hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, triết lý sống của người Trung Hoa. Và giống như mọi nơi trên thế giới, cái gì càng bí mật thì người ta càng quan tâm.