Khổng Tử là một người rất nổi tiếng, văn miếu thờ Khổng Tử rất nhiều, sách học của các cụ ngày xưa cũng là sách của Khổng Tử. Nhưng Khổng Tử là ai? Khổng Tử có công đức như thế nào? Ông để lại những tác phẩm gì, những lời khuyên gì? Điều đó ảnh hưởng như thế nào tới tư tưởng trị quốc, ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của từng người?
Khổng Tử là ai?
Khổng Phu Tử hay Khổng Tử sinh năm 551 TCN, mất năm 479 TCN là một triết gia, một chính trị gia nổi tiếng của Trung Quốc, như vậy là ông sống vào thời Xuân Thu. Theo truyền thống, ông được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất, những lời dạy và triết lý của Khổng Tử đã hình thành nền văn hóa Á Đông và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở khắp Trung Quốc cũng như những quốc gia Á Đông khác. Ông là một trong 10 vị thánh trong lịch sử Trung Quốc.
Theo ghi chép, trong gia phả họ Khổng, Khổng Tử thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng nhiều đời sau thì gia cảnh gặp khó khăn. Ông ra đời khi cha của ông đã ở độ tuổi rất cao, hơn nữa và đang vô cùng mong mỏi có được một cậu con trai nhưng mẹ của ông lúc ấy tuổi còn chưa đầy 20, cha ông thì đã ngoài 60.
Khổng Tử được ở bên cha đến năm 3 tuổi thì cha ông mất vì bệnh tật, vì nhà nghèo nên khi còn trẻ ông phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Ông từng làm công cho một gia đình quý tộc lớn ở nước Lỗ, những việc như gặt thóc hay chăn gia súc. Ông là một người đặc biệt ham học, từ năm 15 tuổi đã bắt đầu tập trung học về đạo, nghiên cứu về lễ giáo và các môn học khác.
Ngôi trường mà Khổng Tử theo học được gọi là “Tưởng“, đây là học phủ của triều đình, tập trung những người thầy giỏi nhất dạy theo phương pháp cực kỳ nghiêm khắc. Tại đây, Khổng Tử được học về thi, thư, lễ, nhạc.
Năm Khổng Tử 17 tuổi thì mẹ ông qua đời. 19 tuổi ông lấy vợ. 22 tuổi ông bắt đầu dạy học. 30 tuổi Khổng Tử được Lỗ Chiêu Công ban cho một cỗ xe song mã và một người hầu để đưa ông vào Lạc Dương tham quan và khảo cứu luật lệ cũng như thư tịch cổ. Sau đó, ông về nước Lỗ, từ đó học trò xin theo học càng lúc càng đông nhưng vua nước Lỗ vẫn chưa dùng ông vào việc nước
Năm ông 35 tuổi, trong nước Lỗ có Quý Bình Tử khởi loạn, ông mới theo vua Lỗ tạm lánh sang nước Tề. Tề Cảnh Công mời ông tới để hỏi việc chính trị và rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê mà phong cho ông. Nhưng tướng quốc nước Tề lúc bấy giờ lại can ngăn, sau này Khổng Tử lại về nước Lỗ tiếp tục nghiên cứu và dạy học.
Tổng số môn đệ của Khổng Tử có lúc lên tới 3.000 người, trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi nên gọi là Thất thập nhị hiền.
Năm ông 50 tuổi, được vua nước Lỗ là Lỗ Định công mời làm Trung đô tế, sau đó lại được thăng chức làm Tư không rồi chức Đại tư khấu. Ông khuyên vua nước Lỗ thu hồi binh quyền của ba dòng họ quý tộc nước Lỗ. Nước Tề thấy nước Lỗ mạnh lên có ý lo ngại. Vua Tề theo kế dâng vua Lỗ 80 thiếu nữ đẹp và 125 con ngựa tốt. Vua Lỗ sau khi nhận được gái đẹp thì bỏ bê việc triều chính, có khi ở luôn 3 ngày không ra thiết triều. Mọi việc đều giao cho quyền thần .
Nhận thấy tình cảnh như vậy, năm 55 tuổi Khổng Tử xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu. Ông đi khắp thiên hạ để truyền bá tư tưởng của mình. Nhưng lúc bấy giờ, giới cầm quyền các nước chư hầu chẳng ai muốn áp dụng đạo trị quốc của ông. Mọi người đều biết ông là người kiên định với lý tưởng của mình, là người biết chủ trương của mình không được thực hiện mà vẫn cứ cố làm.
Năm 69 tuổi, Khổng Tử về nước Lỗ chuyên tâm viết sách. Ông mất năm 71 tuổi khi mà tâm nguyện của mình chưa thành.
Ngay sau khi Khổng Tử mất, cố hương của ông là Khúc Phụ trở thành nơi hành hương cho người đời bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ. Đến nay, đây vẫn là một nơi nổi tiếng được nhiều người thăm viếng. Cũng có nhiều ngôi đền thờ riêng Khổng Tử và đây cũng là nơi tổ chức những buổi lễ để tưởng nhớ ông.
Đó là sơ lược về cuộc đời của Khổng Tử. Vậy nhân cách của ông được đánh giá như thế nào?
Nhân cách của Khổng Tử
Khổng Tử là người thông minh luôn ham học, việc gì cũng xem xét kỹ lưỡng để biết cho đến tận cùng thì thôi. Tính tình ôn hòa khiêm tốn và làm việc hết sức cẩn thận, luôn tin vào thiên mệnh. Ông là người nhân hậu, khiêm nhường, giản dị, giàu tình cảm.
Khi ở nhà Khổng Tử có dáng dấp thoải mái, trên mặt biểu lộ thần thái hoài vui, ăn uống ở nhà có tang thì ông không bao giờ ăn no, ông luôn tuân theo nguyên tắc lễ nghi một cách chuẩn mực nhất. Khi về quê, ở mặt cha anh, bạn bè thì Khổng Tử cực kỳ khiêm tốn, hết sức nghe lời. Nhưng khi đến nơi tông miếu, triều đình giải quyết chính sự thì ông ăn nói lưu loát mạch lạc, lời lẽ cẩn thận. Khi vua đến thì Khổng Tử tỏ ra hết sức cung kính rụt rè, trong lòng như có điều gì chưa yên tâm, không thể hiện cử chỉ nào thất lễ. Đối với khách quý, Khổng Tử luôn làm tròn trách nhiệm từ hình thức đến biểu lộ khuôn mặt
Tư tưởng Khổng Tử
Và điều quan trọng nhất đó là tư tưởng của Khổng Tử. Khổng Tử là nhà giáo dục lớn nhất của mọi thời đại. Ngay thời bấy giờ, như đã nói ông có tới 3.000 học trò và rất nhiều trong số đó đã thành đạt. Về chính trị thì Khổng Tử chủ trương đức trị. Ông là người đầu tiên nói nhiều nhất đến tư cách của người cai trị tức là người quân tử, ông chủ trương vua sáng tôi hiền, vua phải ra vua tôi phải ra tôi
Nho giáo do Khổng Tử đề xướng và được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng xã hội hài hòa, trong đó con người phải biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, đất nước thái bình thịnh vượng. Theo Nho giáo của Khổng Tử, trong xã hội có 5 mối quan hệ cơ bản: “Một là vua tôi, hai là cha con, ba là vợ chồng, bốn là anh em, năm là bạn bè“. Để thực hiện tốt 5 mối quan hệ này cần có 5 đức tính: “Một là nhân, hai là trí, ba là lễ, bốn là nghĩa, năm là dũng“. Dũng được xếp cuối cùng.
Nho giáo khuyên con người sống phù hợp với hoàn cảnh của mình, sống phù hợp với địa vị xã hội của mình, Nho giáo cũng đề cao sự thành thật. Khổng Tử nói con người ta sống được là nhờ ngay thẳng, kẻ không ngay thẳng tuy nhiên cũng sống được nhưng chẳng qua nhờ may mắn mới tránh được tai họa đó thôi.
Nho giáo thống phê phán việc bè phái, việc chia rẽ trong xã hội. Xem đoàn kết là một phẩm chất đạo đức của người quân tử. Nho giáo quan niệm phải cai trị bằng nhân nghĩa, và đặc biệt Nho giáo cực kỳ coi trọng chữ Hiếu. Nếu mỗi gia đình được yên ấm thì những thành viên trong gia đình mới có điều kiện để mà tu dưỡng bản thân, đạo đức mới được đề cao, xã hội mới thịnh trị được.
Nho giáo đặc biệt coi trọng con người, có con người cùng với trời đất là tam tài. Nhờ Nho giáo mà trong thời kỳ cổ, Trung Quốc đã đạt đến một trình độ văn minh hàng đầu và vượt phương tây lúc bấy giờ đang chìm trong thời kỳ đêm trường Trung Cổ. Sau này thì phương tây mới vượt qua Trung Quốc cũng như các nước phương đông, bởi vì Nho giáo rất hay nhưng cũng có những hạn chế.
Nho giáo chỉ nói đến chí, chỉ nói đến đức mà không xem xét về mặt thể chất, cũng là một mặt rất cần cho sự phát triển của con người. Những kiến thức về giới tự nhiên cũng không được Nho giáo đề cập bởi thời Khổng Tử thì khoa học kỹ thuật và sản xuất chưa phát triển. Do vậy người học tuy là thấm nhuần những tư tưởng về đạo đức, tinh thông cổ văn nhưng kiến thức về khoa học tự nhiên, sản xuất thực tiễn thì lại không được đề cao.
Khổng Tử lại là một người không thích cách mạng, ông không tán thành việc dùng bạo lực để mà thay đổi thời thế, cho dù thời thế của ông có bọn hôn quân bạo chúa, đó chính là tính chất bảo thủ trong tư tưởng của Khổng Tử. Nho giáo răn dạy con người phải trung quân ái quốc, thế nên từ thời nhà Hán trở đi Khổng Tử luôn được các triều vua tôn lên làm đại thánh, là thánh của các ông thánh, là ông thầy tiêu biểu của muôn đời. Sử dụng tư tưởng Nho Giáo, tư tưởng của Khổng Tử, phải trung quân ái quốc, phải hết mình vì vua để duy trì chế độ của mình.
Văn miếu thờ Khổng Tử
Hiện nay, Khổng Tử được thờ ở rất nhiều nước và Khổng Tử được thờ ở trong văn miếu. Văn miếu thường được viết đầy đủ là Văn Tuyên Vương miếu và được gọi là Khổng miếu hoặc là Phu tử miếu. Đây chính là miếu thờ Khổng Tử tại các nước Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc ,Triều Tiên.
Với sự phổ biến của Nho giáo khắp các nước Đông Á, các đền thờ như vậy cũng được xây dựng ở nhiều nơi, một số thậm chí còn được xây dựng ở châu Âu và châu Mỹ. Trong thời kỳ đỉnh cao ước tính đã có hơn 3.000 ngôi đền Nho giáo tồn tại.
Ở Việt Nam vào năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng văn miếu và sau này có cả Quốc Tử Giám. Văn miếu là một phần, Quốc Tử Giám lại là một phần khác. Văn miếu để thờ Khổng Tử, còn Quốc Tử Giám chính là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Ban đầu, trường chỉ để dành riêng cho con vua và con các quan lại quý tộc. Về sau, Quốc Tử Giám được mở rộng thu nhận cả con cái những nhà thường dân nhưng học giỏi. Mục đích cuối cùng của Quốc Tử Giám là nơi đào tạo quan lại cho đất nước.
Học viện Khổng Tử
Trong thời kỳ hiện đại, có học viện Khổng Tử. Học viện Khổng Tử được thành lập với mục đích là truyền bá văn hóa Trung Hoa và Nho giáo tới các nước trên thế giới. Tuy vậy, nhiều nước lo ngại học viện này sẽ là nơi đưa ra nhiều điều chưa thực sự đúng đắn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính trị, những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc.
Comments 2