Trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, chúng ta đều biết rằng Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm đó chính là phái Thiếu Lâm và phái Võ Đang, những môn phái này được xếp vào hàng đầu của danh môn chính phái tại Trung Nguyên. Tuy nhiên vào thời điểm Võ Đang vẫn còn chưa ra đời, Thiếu Lâm thì rơi vào thời kỳ không có nhiều sự hiện diện trên giang hồ, thì lại có một môn phái đạt tới đỉnh cao đó chính là Toàn Chân giáo của Vương Trùng Dương.
Toàn Chân giáo xuất hiện chủ yếu trong hai tác phẩm đó là Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp, là sáu phái quan trọng bật nhất võ lâm, được mệnh danh là thiên hạ võ học chính tông. Toàn Chân giáo chính là nguồn cơn khởi đầu cho hai câu chuyện của Quách Tĩnh và sau đó là Dương Quá và cũng nổi tiếng là từng có những cao thủ bật nhất của thiên hạ.
Toàn Chân giáo là một giáo phái có thật trong lịch sử, được hình thành từ thế kỷ thứ 12 và lưu truyền tới nay. Qua ngòi bút của Kim Dung, ông đã rất trân trọng giáo phái này khi đưa Vương Trùng Dương trở thành một anh hùng dân tộc chống quân Kim và có võ nghệ siêu quần đứng đầu trong “ngũ tuyệt thiên hạ“.
Theo như Kim Dung thì Vương Trùng Dương có xuất thân từ một gia đình khá giả, học hành tử tế, võ nghệ tinh thông. Khi thấy quân Kim xâm chiếm, ông đã lãnh đạo phong trào lấy lại những vùng đất mà quân Kim đã chiến đóng nhưng đã không thành công. Về sau Vương Trùng Dương đã tới núi Trung Nam và đã chọn con đường đi theo Đạo gia và thành lập nên giáo phái Toàn Chân giáo.
Toàn Chân giáo theo ý nghĩa thực của nó mang nghĩa là giáo phái toàn hảo, giáo phái của chân lý toàn thể, nhưng trong truyện của Kim Dung thì Toàn Chân giáo đơn giản là tới từ khẩu quyết luyện đan. Vương Trùng Dương đã chọn ra cái tên Toàn Chân mang theo tôn chỉ quên mình vì xã tắc, cứu giúp chúng sinh, tôn trọng sự thật và hướng tới chân lý nên được rất nhiều người dân kính trọng.
Học trò đã tới với Vương Trùng Dương rất đông nhưng ông dạy dỗ rất nghiêm khắc, thường chọn phương pháp khổ luyện để đào tạo nên chỉ còn lại bảy người là trụ được tới cùng.
Đời thứ nhất của Toàn Chân giáo là tổ sư Vương Trùng Dương, ông là người đứng đầu trong “ngũ tuyệt thiên hạ” hiệu là Trung Thần Thông. Trong “luận kiếm Hoa Sơn lần thứ nhất“, ông đã đánh bại được bốn đại cao thủ khác đó Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế và Bắc Cái để giành được đệ nhất võ học thiên hạ là Cửu Âm Chân Kinh.
Xếp sau Vương Trùng Dương chính là sư đệ của ông ta tên là Chu Bá Thông, cũng là một người tài giỏi say mê võ thuật, mặc dù tính tình trẻ con cổ quái nhưng bằng sự khổ luyện Chu Bá Thông cũng đã đạt được nhiều thành tích. Ông ta đã sáng tạo ra những võ học riêng của mình đó là Không Minh Quyền và Song Thủ Hỗ Bác, có cơ duyên học được thêm Cửu Âm Chân Kinh nên thiên hạ ít có đối thủ. Tới “Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba“, Chu Bá Thông đã chính thức thay thế vị trí của Vương Trùng Dương trở thành người đứng đầu trong nhóm ngũ tuyệt, mặc dù đó chỉ là bình chọn chứ chưa phải là so đấu như các lần khác.
Đời thứ hai của Toàn Chân giáo là bảy truyền nhân của Vương Trùng Dương, được gọi là Thất Tử Toàn Chân bao gồm:
- Mã Ngọc – đệ nhị chưởng môn, đạo hiệu là Đan Dương Tử.
- Khâu Xứ Cơ – người nổi tiếng nhất trong Toàn Chân Thất Tử, đạo hiệu là Trường Xuân Tử. Về sau sáng lập Toàn Chân Long Môn phái.
- Ngọc Dương tử Vương Xứ Nhất
- Trường Sinh tử Lưu Xứ Huyền
- Trường Chân tử Đàm Xứ Đoan
- Quảng Ninh tử Hác Đại Thông (tổ sư sáng lập Hoa Sơn Phái)
- Thanh Tĩnh tản nhân Tôn Bất Nhị
Trong những người này thì Khâu Xứ Cơ là lợi hại nhất nhưng vẫn chưa đạt tới trình độ của nhóm ngũ tuyệt, thậm chí nhiều khi còn không ăn được lại những đệ tử khác trong nhóm của ngũ tuyệt. Tuy nhiên, Thất Tử Toàn Chân lại có Thiên Cương Bắc Đẩu Trận do Vương Trùng Dương sáng tạo ra, đây là một loại trận pháp cực kỳ uy lực giúp cho họ có thể đương đầu với bất kỳ một cao thủ võ lâm nào trong một thời gian.
Tới đời thứ ba của Toàn Chân giáo, giai đoạn này tương đối là thê thảm, các nhân vật có võ công hết sức tầm thường có thể kể tới như Triệu Chí Kính, Doãn Chí Bình, Trương Chí Quang, Thôi Chí Phương, Mã Chí Phương, Vương Chí Thản hay Lý Chí Thường… Những nhân vật này chủ yếu xuất hiện trong Thần Điêu Đại Hiệp và hầu hết đều gắn liền với những tình tiết làm vấy bẩn danh hiệu “Thiên hạ võ học chính tông” mà các đời trước đã gây dựng.
Tới đời thứ tư, mặc dù Toàn Chân giáo vẫn có quy mô lớn nhưng võ học lại hết sức tầm thường, ngay cả đại đệ tử của Triệu Chí Kính là Lộc Thanh Đốc cũng còn được xếp vào hàng đầu đủ để thấy các đại cao thủ của Toàn Chân giáo thời điểm này nhiều khi còn chẳng đánh lại Giang Nam Thất Tử năm xưa
Võ học của phái Toàn Chân được xem là “võ học chính tông” trong thiên hạ được nhiều người nể phục. Những võ công đã được miêu tả bao gồm: Toàn Chân Kiếm Pháp, đây là kiếm pháp độc môn của Toàn Chân giáo do Vương Trùng Dương sáng tạo ra. Là kiếm pháp cơ bản của Toàn Chân giáo, tất cả đệ tử bổn môn sẽ đều được dạy. Khi luyện tới cảnh giới cao thâm thì có thể từ kiếm pháp này học lên Bắc Đẩu Thất Tinh Trận. Nó cũng có thể được dùng để kết hợp với Ngọc Nữ Kiếm Pháp tạo ra Song Kiếm Hợp Bích uy lực vô song, mặc dù điều này xuất phát từ phái Cổ Mộ.
Trong những bản đầu tiên, khi luận kiếm vẫn đơn giản phải là đấu kiếm thì Vương Trùng Dương được cho đã dựa vào bộ kiếm pháp này để đánh bại quần hùng. Chiêu mạnh nhất của bộ kiếm pháp này là Nhất Khí Hóa Tam Thanh. Tam Thanh là ba vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo của Trung Quốc bao gồm Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn, Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn (Thái Thượng Lão Quân)
Toàn Chân Kiếm Pháp có thể nói là một trong những bộ kiếm pháp mạnh nhất trong các tác phẩm của Kim Dung cùng với những kiếm pháp khác như Ngọc Tiêu Kiếm Pháp, Kim Xà Kiếm Pháp, Ngọc Nữ Kiếm Pháp, Thái Cực Kiếm, Tịnh tà kiếm phổ, vấn đề chỉ là ở kỹ năng thôi.
Bên cạnh Toàn Chân Kiếm Pháp thì cũng sẽ có Toàn Chân Tâm Pháp là nội công tâm pháp của phái Toàn Chân. Môn này được diễn hóa từ Tiên Thiên Công nhưng không khắc nghiệt, trái lại rất dễ tu luyện, có tác dụng dưỡng sinh. Tu luyện lúc đầu thì sẽ chậm chạp, nhưng càng về sau thì càng cao cường, là tâm pháp của huyền môn chính tông nên không sợ bị tẩu hỏa nhập ma, càng không gặp bình cảnh, càng tu luyện thì về sau nội lực càng cao thâm.
Cách tu luyện theo như lời của Mã Ngọc khi truyền cho Quách Tĩnh thì chỉ các phép thổ nạp tức là hô hấp kết hợp với các động tác đi, đứng, nằm, ngồi kết hợp với khẩu quyết độc môn của phái Toàn Chân để tạo ra nội công lưu chuyển trong cơ thể, như vậy người luyện tâm pháp này bất cứ lúc nào cũng có thể tu luyện, dù là đi, đứng, nằm, ngồi đều đang tu luyện nội công. Người tu luyện càng loại bỏ tạp niệm thì tiến bộ càng nhanh, những người chân chất như Quách Tĩnh không có tạp niệm nên tiến bộ thấy rõ.
Với khinh công thì phái Toàn Chân có Kim Nhạn Công, người luyện thành có thể đi được 37 bước trong không trung, cách mặt đất ba thước.
Về trận pháp thì có Đồng Quy Kiếm Pháp và Bắc Đẩu Thất Tinh Trận, Đồng Quy Kiếm Pháp thường được dùng bởi nhiều đệ tử của phái Toàn Chân, còn riêng với Bắc Đẩu Thất Tinh Trận thì nó sẽ gắn liền với Thất Tử Toàn Chân. Đây là những kiếm trận tốn nhiều tâm huyết của Vương Trùng Dương. Nó lấy sự liên thủ hợp bích để đấu chọi với mọi kẻ địch mạnh, khi công lực của bảy người sẽ được hợp lại là một.
Ngoài ra, còn nhiều môn võ học cực kỳ mạnh mẽ khác được các thế hệ đầu của Toàn Chân giáo sáng tạo ra nhưng nó khó luyện và kén chọn nên không được đưa vào hệ thống truyền dạy của giáo phái. Tiêu biểu như Tiên Thiên Công, võ công tâm đắc nhất của Vương Trùng Dương. Nó có thể chữa bệnh, đả thông kinh kỳ bát mạch, điều đặc biệt là nội công của nó không có giới hạn, càng luyện thì càng cao thâm. Tiên Thiên Công chỉ có Vương Trùng Dương sử dụng, nó không được tích hợp vào hệ thống huấn luyện để được sử dụng trong phái Toàn Chân. Vương Trùng Dương chỉ truyền lại nó cho Nam Đế Đoàn Trí Hưng.
Không Minh Quyền và Song Thủ Hỗ Bác của Chu Bá Thông cũng tương tự như vậy, Chu Bá Thông truyền lại cho Quách Tĩnh để chơi cùng với mình, sau đó cũng truyền lại cho Tiểu Long Nữ.
Có một đặc điểm của Toàn Chân giáo mà ta dễ dàng nhận ra đó là về võ công của Toàn Chân giáo đời sau không bằng đời trước, làm cho nó dần dần suy yếu và về sau thì không còn được nhắc tới nữa, nguyên nhân của việc này có thể xuất phát từ chính người đã sáng lập ra Toàn Chân giáo đó chính là Vương Trùng Dương. Mặc dù võ công là đệ nhất thiên hạ nhưng lại mang tư tưởng “trọng đạo khinh võ”. Vương Trùng Dương bản chất thì vẫn là một đạo sĩ chú trọng vào truyền đạo, sau đó thì mới tới học võ.
Nhìn cách Vương Trùng Dương chê Chu Bá Thông là rõ: “quá cố chấp, không có đạo lý thanh tịnh vô vi của đạo gia“, nên không cho ông là một đạo sĩ. Mặc dù trong Toàn Chân Thất Tử, Khưu Xử Cơ có võ công lợi hại nhất nhưng vẫn bị Vương Trùng Dương chê là “chìm đắm trong nghiên cứu võ học, bỏ bê tu luyên tư tưởng đạo gia” nên chưởng môn đã được chuyển lại cho Mã Ngọc – người có tư chất đạo giáo cao nhất.
Tới đời thứ ba, mặc dù Triệu Chí Kính có võ công cao nhất trong đám đệ tử của Toàn Chân giáo nhưng chức chưởng môn vẫn được truyền lại cho Doãn Chí Bình, người được đánh giá là hiền lành, hiểu đạo lý hơn. Mọi người bớt ám ảnh vụ loằng ngoằng với Tiểu Long Nữ đi, bản mới thì đã sửa lại rồi, anh vẫn một đời liêm khiết.
Chúng ta có thể thấy, với tư tưởng “trọng đạo khinh võ” đã làm cho các đệ tử của Toàn Chân giáo hướng tới tu đạo hơn, chức vụ cao thấp trong Toàn Chân giáo đến từ tư cách của một Đạo gia chứ không phải là võ công cao thấp như các môn phái khác
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính cái bóng quá lớn của Vương Trùng Dương, các bạn nên nhớ rằng Vương Trùng Dương xuất phát điểm đã là một thiên tài võ học, tinh thông mọi đạo lý một cách tự nhiên, không cần phải quá hao thâm khổ luyện. Phải là Vương Trùng Dương thì mới có thể phát huy được hết cái chất thực sự trong những võ công mà ông đã sáng tạo ra, thế hệ tiếp theo rất khó để đạt được.
Như Chu Bá Thông khổ luyện ngày đêm cũng chẳng thể đạt tới cảnh giới của Vương Trùng Dương khi xưa. Chu Bá Thông, Quách Tĩnh và Dương Quá đều là những “ngũ tuyệt thiên hạ”, có võ công căn cơ đều xuất phát từ Toàn Chân giáo nhưng những chiêu thức thành danh của họ lại đến từ một môn phái khác hoặc là tự nghĩ ra chứ chưa thể phát huy được võ công của Toàn Chân.
Nhiều môn phái mặc dù có võ công bản môn nhưng cũng thường dùng tới một môn võ công khác cao thâm hơn từ bên ngoài để làm võ công trấn phái, nếu nó đủ mạnh và dễ tiếp thu. Điển hình như Võ Đang hay là Nga Mi đều sử dụng một phần của Cửu Dương Thần Công để phát triển thêm tự làm của riêng mình, hay nhiều võ công trong Cửu Âm Chân Kinh cũng đã được các môn phá tận dụng để có chỗ đứng trong võ lâm.
Bản thân Vương Trùng Dương thì không cần, ông hướng các đệ tử tới truyền đạo cứu giúp người đời chứ không tập trung tìm chỗ đứng vững vàng lâu dài trong võ lâm.
Nhắc tới Toàn Chân giáo là nhắc tới các trận pháp nổi tiếng của họ, có thể đứng đầu với các đại cao thủ như Thiên Canh Bắc Đẩu Trận, nó đòi hỏi sự kết hợp tập thể, không tập trung nâng cao kỹ năng của từng cá nhân nên cũng rất khó để tạo ra những nhân tài kiết xuất võ học.
Thế nên, có thể thấy Toàn Chân giáo mặc dù tồn tại trong thời kỳ võ lâm tranh đấu khốc liệt, nhưng cũng kèm với đó là tình hình chiến tranh giữa các nước đang có nhiều biến động. Họ tập trung vào truyền đạo và cứu giúp người dân, không quá quan trọng vào luyện võ thuần ngay từ đầu và bản chất thì đặc tính võ học của Toàn Chân giáo cũng hướng tới tập thể. Kỹ năng cá nhân rất khó luyện tới cảnh giới xuất sắc trong một thời gian ngắn, thế nên Toàn Chân giáo mới gặp tình trạng càng về sau thì càng kém hơn đời trước và dần dần không còn xuất hiện trong võ lâm.
Tuy họ không còn được thành danh về mặt võ công, trong võ lâm không xuất hiện các nhân tài võ học vượt trội, nhưng Toàn Chân giáo vẫn được dân chúng kính phục bởi những lẽ phải và nhiều hành động phục vụ cho xã hội của họ. Đúng như những gì mà Vương Trùng Dương mong muốn.
Trên đầy là toàn bộ chia sẻ của mình về Toàn Chân giáo. Các bạn có cảm nghĩ gì về môn phái này, hãy để lại ý kiến dưới phần comment nhé.