Nếu nhắc đến Thiên thần hay Thiên sứ thì chúng ta nghĩ ngay đến một hình ảnh mang dáng người đẹp đẽ, có những đôi cánh và có thể tỏa sáng. Đó là hình ảnh đối nghịch với giống loài ma quỷ xấu xí và dữ tợn.
Vì thế chúng ta thường dùng từ Thiên thần để chỉ người yêu, con cái. Ví dụ như: “Thiên thần của anh“, “Thiên thần của bố mẹ“.
Tuy vậy, thực tế Thiên thần chia thành rất nhiều cấp bậc và không phải ai cũng mang dáng hình đẹp đẽ như chúng ta thường thấy trong tranh vẽ hoặc các tượng điêu khắc thời xưa.
Thực tế, số lượng Thiên thần trên Thiên đàng là bao nhiêu người? Ai là người có vị trí cao nhất? Các cấp bậc Thiên thần hay Thiên sứ là như thế nào?
Trong sách Khải Huyền, Chúa Trời là người đã sáng tạo ra loài người, sau đó ngài cùng các Thiên thần phải phục vụ cho đứa con mới sinh ra ấy. Nhưng Lucifer, một thiên thần nghĩ rằng: “Giống loài của mình là cao quý, tại sao phải phục vụ con người đoản mệnh và thấp kém?“.
Mâu thuẫn giữa Lucifer và Chúa Trời xảy ra và chiến tranh đã xuất hiện. Sách Khải Huyền mô tả rằng Lucifer đã lôi kéo hàng trăm “Thiên thần sa ngã” chống lại Chúa. Lúc ấy, tổng lãnh thiên thần Michael đã đứng lên lãnh đạo phe chính nghĩa, tiêu diệt bè lũ của Lucifer đẩy chúng xuống địa ngục.
Nghe đến đây chắc hẳn bạn nghĩ rằng có lẽ tổng lãnh thiên thần là chức vụ cao quý nhất, mạnh mẽ nhất phải không? Nhưng thực tế rằng, theo các cấp bậc phân chia Thiên sứ thì các tổng lãnh thiên thần như Michael thì xếp ở tầm áp chót. Thật lạ lùng, vì sao lại như vậy?
Theo Kinh thánh, Chúa là vị trí tối cao, là nguồn gốc sinh ra vạn vật, tất nhiên không có quyền lực nào lớn hơn Chúa. Nhưng dù quyền năng tối thượng thì một mình ngài không thể nào cai quản hết vạn vật, các sinh linh và các thế giới trong vũ trụ.
Vì thế, Chúa đã tạo ra các Thiên thần để phục vụ cho ngài cai quản vũ trụ. Vì trăm công nghìn việc nên Chúa phải phân chia Thiên thần theo các cấp bậc nhiệm vụ để dễ bề quản lý.
Thiên thần trong tiếng Anh là Angel, từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ángelos có nghĩa là sứ giả, đúng với tên gọi họ được tạo ra để làm người liên lạc giữa Chúa với các giống loài khác mà chủ yếu là với loài người.
Cụ thể trong kinh thánh, tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã giáng trần thông báo với Maria rằng Chúa Trời đã chọn bà làm mẹ của đức Giêsu.
Trong thần học của phương Tây, các nhà khoa học đã tiến hành phân chia Thiên thần ra làm 9 cấp độ nhỏ. Trong 9 cấp bậc này được phân chia thành ba nhóm chính.
Metatron
Tuy nhiên, trước khi đến với 9 cấp bậc của thiên thần, chúng ta không thể bỏ qua một thiên thần đặc biệt, một thực thể cực kỳ cao cấp chính là Metatron. Thậm chí, Metatron rất cao và ngồi trên ngai vàng của Chúa nên hay bị nhầm lẫn là đức Chúa Trời.
Vị trí của Metatron rất đặc biệt và có nhiều mâu thuẫn. Ông ta vốn là một người đàn ông trần thế đoản mệnh, nhưng do làm được những điều đặc biệt nên đã được Chúa cho thăng thiên và cho phép lên ngôi vị tối cao ngồi cạnh mình.
Thực chất Metatron chỉ có chức danh tổng lãnh Thiên thần giống Michael và Gabriel, một chức vụ cấp thấp. Nhưng vì sao ông lại được kề cận ngay bên Chúa, vinh dự mà các Thiên thần khác không có được. Lý do không được giải thích rõ, nhưng điều này làm các thiên thần khác khó chịu ra mặt.
Theo một số cuốn sách kinh của Thiên Chúa giáo thì các Thiên sứ không chấp nhận dưới quyền của Thiên thần cấp thấp như Metatron nên đã tìm cách hạ thấp ông. Họ nói với Chúa Trời rằng không thể để một quyền lực kép trên thiên đàng vì sẽ là mầm mống của nổi loạn.
Vì thế Chúa đã cho trục xuất và lưu đầy Metatron. Tuy nhiên, có cuốn sách nói rằng tổng lãnh thiên thần Metatron tuy phải chịu trừng phạt nhưng vẫn được kề cạnh Chúa. Quả là một vị trí độc nhất có một không hai.
Bây giờ chúng ta hãy cùng đến với 9 cấp bậc của Thiên thần. Nhóm thứ nhất là các Thiên thần bậc cao bao gồm: Luyến Thần – Seraphim, Minh Thần – Cherubim, Bệ Thần – Ophanim hay Thronos – Ngai thần. Trong đó, cao cấp nhất đó là những Luyến Thần hay là Seraphim.
Luyến Thần – Seraphim
Họ là những người thường xuyên túc trực cạnh Chúa. Hay nói một cách khác là bay lượn xung quanh trước ngai vàng của ngài.
Ngoại hình của các Luyến Thần được mô tả trong Kinh Thánh có đến sáu cánh trắng muốt, gấp 3 lần số cánh của các Thiên thần mà ta thường thấy. Các đôi cánh này đều có nhiệm vụ rõ ràng chứ không phải tượng trưng cho đẹp. Trong đó, hai cánh để che mặt, hai cánh để che thân thể và hai cánh để bay.
Chỉ có tổng cộng ba Luyến Thần nhưng trong đó duy nhất một người được nhắc tên đó là Seraphiel. Anh ta có hình thù kỳ dị với đầu của một con phượng hoàng và 6 cái cánh.
Luyến Thần ít xuất hiện trước con người vì họ luôn ở cạnh Chúa. Và họ cũng tỏa ra ánh sáng chói lòa mà người không thể nhìn được.
Minh Thần – Cherubim
Đây là những thực thể có nhiệm vụ bảo vệ Chúa. Họ có 4 chiếc cánh, ít hơn của Luyến Thần. Mỗi người một thanh gươm rực lửa để sẵn sàng chiến đấu với ai dám xâm phạm ngai Chúa.
Theo niềm tin của người Do Thái, Cherubim được tạo ra vào ngày thứ ba của sự sáng tạo. Ngoại hình của Minh Thần rất kỳ dị, họ có bốn khuôn mặt trên một cái đầu.
Bao gồm một sư tử bên phải, mặt bò rừng bên trái, mặt phượng hoàng đằng sau và phía trước là một khuôn mặt người. Thân thể họ có chân như con bê và toả ánh màu đồng lấp lánh.
Có sách viết, Minh Thần được Chúa giao trông coi cây trường sinh trong vườn địa đàng Eden, nơi hai con người đầu tiên Adam và Eva từng sinh sống.
Bệ Thần – Ophanim hay Thronos – Ngai thần
Vị trí cuối cùng trong nhóm Thiên thần cao cấp đó là Ngai Thần hay Bệ Thần, tiếng Latin là Thronos.
Hiểu một cách đơn giản, họ chính là nơi nâng đỡ ngai vàng mà Chúa Trời đang ngồi. Đây là biểu tượng cho công lý trên Thiên đàng.
Ngai Thần không bao giờ ngủ mà luôn thức để canh giữ cho Chúa.
Nhóm thứ hai được nhắc đến trong Thần học đó là các Thiên thần bậc trung.
Quản Thần (Dominatio)
Đầu tiên phải nhắc đến đó là Quản Thần (Dominatio). Từ Dominatio là gốc của từ Dominationes có nghĩa là Thống trị.
Thực tế, Quản Thần là người cai quản tất cả Thiên sứ trên Thiên đàng. Tất nhiên là trừ các Thiên thần bậc cao hơn.
Quản Thần có ngoại hình đẹp đẽ, có đôi cánh đặc trưng nhưng cũng có đôi chút khác biệt là có thêm thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu.
Quản Thần thường hiện ra và trợ giúp các nhà lãnh đạo quốc gia, hỗ trợ họ trị quốc. Họ là hiện thân của luật nhân quả, của sự chính xác trong công việc. Quản Thần sẽ trừ trị các chính trị gia tham nhũng, những người đặc lợi ích các nhân lên trên tập thể. Họ cũng góp công hòa giải những xung đột chính trị.
Tương truyền rằng, các chính khách xưa trước khi làm việc lớn đều cầu xin Quản Thần phù hộ bằng cách thắp một
Dũng Thần – Virtutes
Đây là các thiên thần chuyên giám sát chuyển động của các vì tinh tú trong vũ trụ. Họ đảm bảo mọi thứ vận hành một cách tự nhiên, nhiệm vụ chính của họ là điều chỉnh sự hỗn loạn.
Dũng Thần được cho là có bốn cánh như Quản Thần, nhưng họ có thể cầm vũ khí như gương hoặc giáo. Tuy vậy, họ không đánh nhau trực tiếp và cung cấp sức mạnh cho con người.
Dũng Thần hay xuất hiện để cảnh báo mọi người khỏi những kẻ xấu đang âm mưu làm hại mình. Thông thường, cảnh báo này sẽ xuất hiện theo nhiều kiểu khác nhau, có thể là một giấc mơ, một đoạn hội thoại hay chỉ là một cảm giác.
Tương truyền, để cầu xin sự trợ giúp của Dũng Thần, cần thắp một ngọn nến màu vàng
Quyền Thần – Potestates
Đây là các Thiên thần chiến binh. Họ thường mặc giáp trụ sáng loáng và tay cầm những binh khí như gương giáo khiên nhìn rất uy dũng.
Quyền Thần có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu chống lại các thế lực đen tối đe dọa Thiên đàng.
Quyền Thần còn được cho là quản lý các nguyên tố, năng lượng của thế giới, các thảm họa của thiên nhiên, thời tiết, không khí đều nằm dưới sự quản lý của Quyền Thần.
Để xin sức mạnh từ họ, tương truyền nên thắp một ngọn nến màu cam.
Tương truyền rằng, Lucifer trước khi làm phản Chúa thì là thủ lĩnh nhóm Quyền Thần mạnh mẽ này.
Vậy là ta đã đi qua hai nhóm Thiên sứ. Và cuối cùng là nhóm Thiên thần bậc thấp nhất, họ chính là các sứ giả trực tiếp thực hiện mệnh lệnh giao tiếp giữa Chúa và loài người.
Lãnh thần – Principalities
Đầu tiên có thể kể đến là các Lãnh Thần (Principalities). Những thành phố, quốc gia, các tổ chức lớn được cho là đều nằm dưới sự bảo hộ của họ. Họ thường cầm một cây quyền trượng thể hiện sự lãnh đạo.
Lãnh Thần cũng trông chừng các lãnh đạo, đảm bảo rằng những người này luôn đưa ra các quyết định sáng suốt với toàn tập thể.
Tổng lãnh thiên thần – Archangelos
Cấp độ tiếp theo là các Tổng lãnh Thiên thần hay còn gọi là Archangelos. Trong những cuốn sách về tôn giáo, danh xưng Tổng lãnh Thiên thần xuất hiện rất nhiều.
Có ba Tổng lãnh Thiên thần được nhắc đến thường xuyên nhất trong kinh thánh đó là Michael, Gabriel và Raphael.
Có vài trò trong các sự kiện lớn, Michael là người lãnh đạo các Thiên thần tiêu diệt tên phản bội Lucifer. Gabriel thì được Chúa sai đi báo mộng cho bà Maria – mẹ của Giêsu.
Và Raphael thì được mệnh danh là thầy thuốc của Thiên Chúa, ngài thỉnh thoảng xuất hiện mỗi khi con người bị bệnh tật.
Thiên thần – Angelos
Cuối cùng, cấp độ thứ chín là cấp độ thấp nhất là các Thiên thần hay còn gọi là Angel hay là Angelos. Họ chịu sự chỉ đạo, sai khiến của các cấp bậc cao.
Họ hầu hết không được nhắc tên nhưng rất hay hiện ra để truyền đạt ý chí của Thiên đàng đến với con người.
Trong đó có nhóm Thiên thần hộ mệnh, đây là các Thiên sứ theo dõi và hướng dẫn cho mỗi cá nhân. Các Thiên thần thường là các vị sứ giả giữ Chúa Trời và loài người, họ đáp lại lời nguyện cầu ngay lập tức và hướng dẫn chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Kinh thánh cho rằng con người không bao giờ đơn độc, mỗi người ít nhất đều có một Thiên thần hộ mệnh luôn theo dõi và mách bảo. Thêm vào đó, có những thiên thần bậc cao khác sẵn sàng tác động lên thế giới ở nhiều mức độ khác nhau.
Khi loài người làm các nghi lễ trang trọng cầu xin thì các Thiên sứ bậc cao sẽ xuất hiện.
Giống như con người, các Thiên thần cũng có những cảm xúc hỉ nộ ái ố. Họ cũng có sự so bì tị nạnh với cấp bậc và quyền lợi với nhau. Nhưng trên tất cả, họ là các thực thể xinh đẹp cao quý và tỏa sáng. Họ phụng mệnh Chúa để duy trì trật tự vũ trụ một cách ổn định.
Trong vũ trụ luôn tồn tại dòng chảy của năng lượng, nó tạo ra từ sự tương tác giữa người phàm trần, Thiên thần và các thực thể khác. Nếu dòng chảy này dừng lại, tất cả chúng ta bao gồm cả các Thiên thần sẽ không còn tồn tại.
Tất cả các quy luật vũ trụ của con người đều được quản lý bởi các Thiên thần. Họ có thể thay đổi vận mệnh của bất kỳ ai và bất cứ lúc nào. Nhưng một Thiên thần sẽ không bao giờ trở thành đồng phạm của cái ác.
Họ tìm kiếm công lý bằng sức mạnh và tình yêu nhưng không tàn nhẫn. Dù đã xuất hiện những “Thiên thần sa ngã” làm điều ác như Lucifer nhưng tất cả đều bị loại bỏ.
Sự đấu tranh giữa Chúa và Thiên thần với những điều ma quỷ xấu xa luôn tồn tại, giống như sự đấu tranh giữa thiện và ác trong mỗi con người chúng ta.
Và ở đâu có mâu thuẫn, ở đó có sự phát triển. Đó là ý nghĩa của Thiên thần trong kinh thánh.