Hồi bé xem những bộ phim kiếm hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung, mình vẫn luôn muốn biết ai là nam chính có võ công cao nhất. Lớn thêm chút nữa mình lại tò mò liệu nhân vật nào có tính cách gần với tác giả hơn cả. Sau này, thông qua những lần trả lời phỏng vấn của cố nhà văn, mình biết đáp án cho cả hai câu hỏi trên đều là Trương Vô Kỵ của Ỷ Thiên Đồ Long Ký.
Điều khiến mình ngạc nhiên là nhân vật này đã nhiều phen lọt vào danh sách những nam chính của Kim Dung không được lòng cư dân mạng, mà lý do thường bởi chàng ta quá ba phải hoặc không dứt khoát trong chuyện tình cảm.
Tuy nhiên, theo mình đánh giá một người mà chỉ dựa trên những mặt khung hoàn mỹ thì có phần bất công, vì nếu hiểu rõ quá khứ cùng động cơ cho những hành động của Trương Vô Kỵ cũng như bối cảnh câu chuyện trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì có thể nhận ra đây là một người phi thường và đáng khâm phục nhường nào.
Vậy rốt cuộc Trương Vô Kỵ là người ra sao và điều gì đã làm nên tính cách của chàng. Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Trương Vô Kỵ – Nam chính Kim Dung gây tranh cãi nhất?
Phải khẳng định những gian khổ mà Trương Vô Kỵ từng trải qua thời niên thiếu, ít nam chính Kim Dung nào khác có thể bì được. Sinh ra trên Băng Hỏa đảo, cậu vốn có một tuổi thơ hạnh phúc, được cha mẹ cùng cha nuôi yêu thương hết mực.
Nhưng kể từ năm lên 10, được cha mẹ đưa trở về Trung Nguyên, Trương Vô Kỵ đã phải nếm trải mọi cay đắng ở đời. Hết bị dụ dỗ bắt cóc, cậu lại bị kẻ xấu tra tấn hòng ép cậu nói ra tung tích của vị cha nuôi đang giữ “bảo đao Đồ Long“. Vừa thoát khỏi tay chúng, Trương Vô Kỵ lại chứng kiến cha mẹ mình bị bức tử bởi đám người “danh môn chính phái”.
Do đã trúng phải hàn độc của Huyền Minh Thần Chưởng, tính mạng cậu nguy trong sớm tối. Nhưng bất kể là môn phái Phật môn như Thiếu Lâm hay người hành nghề y như Hồ Thanh Ngưu đều thấy chết không cứu. Nếu không phải vì muốn tìm hiểu về hàn độc, Hồ Thanh Ngưu đã thực sự mặc cho cậu chết rồi.
Thời gian chữa bệnh ở Hồ Điệp Cốc, Trương Vô Kỵ dùng y thuật học được để cứu mạng bọn Giản Tiệp, Tiết Công Viễn, nhưng khi gặp nạn đói chính những kẻ này đã toan nấu cậu để ăn.
Trên đường đưa Dương Bất Hối đến Côn Lôn tìm cha, Trương Vô Kỵ ra tay cứu đệ tử phái Côn Lôn và sau này còn chữa trị cho vợ lẽ của chưởng môn phái này là Hà Thái Sung. Nhưng họ Hà kia lại lấy oán đền ơn, muốn giết chết cậu để tránh thanh danh bị tổn hại.
Sau khi thoát nạn, Trương Vô Kỵ gặp cha con Chu Trường Linh, Chu Cửu Chân những người tự xưng là đã chịu ơn cứu mạng của cha cậu. Tưởng chừng Trương Vô Kỵ đã tìm được nơi để nương cậy, ai ngờ đó chỉ là cái bẫy công phu hòng lừa cậu dẫn họ đến chỗ cha nuôi mình
Có thể nói từ khi trở về Trung Nguyên, Trương Vô Kỵ đã phải không ngừng nếm trải sự hiềm ác của lòng người. Đáng quý là dù chứng kiến bao việc xấu xa, trải qua bao sự lừa gạt phản bội nhưng Trương Vô Kỵ vẫn giữ được tấm lòng chân thành, thiện lương và sẵn sàng tin tưởng vào mặt tốt của người khác
Mà hết thải những điều này, kỳ thực đều là có nguyên do.
Tâm hồn thiện lương
Trong suốt 10 năm đầu đời, Trương Vô Kỵ sống trên Băng Hỏa đảo hoang sơ. Cậu chỉ biết có đúng 3 người là cha cậu Trương Thúy Sơn, mẹ cậu Ân Tố Tố và cha nuôi cậu là Tạ Tốn, mà họ đều hết mực yêu thương cậu. Cũng tức là Trương Vô Kỵ chưa từng tiếp xúc một ai mang ác ý với mình.
Điều đó đã hình thành trong cậu bản tính thuần phát, không có sự nghi kỵ với người ngoài. Sau này, trải qua hàng loạt biến cố, Trương Vô Kỵ mới dần học được cách dè chừng kẻ xấu. Chẳng hạn, lúc bị kẹt ở lưng chừng vách núi, Trương Vô Kỵ chạy được vào trong một hang đá lộ thiên, còn Chu Trường Linh vì thân hình to lớn nên không chui qua được.
Trong hang có cả cá và hoa quả. Nhưng vì sợ Chu Trường Linh ăn cá thì có sức để xông vào nên Trương Vô Kỵ chỉ cho gã ăn hoa quả. Điều này cho thấy cậu đã bắt đầu biết đề cao cảnh giác.
Tuy nhiên, cái gì đã thuộc về bản tính thì khó lòng thay đổi, khi chưa rõ ai đó là tốt hay xấu thì Trương Vô Kỵ luôn có xu hướng tin bản chất của người đó là tốt và đối đãi họ bằng sự chân thành. Vậy nên ngay cả khi trưởng thành, chàng ta vẫn không ít lần bị lừa gạt.
Tuy nhiên, cũng chính sự chân thành ấy đã khiến Trương Vô Kỵ thắng được lòng người, giúp một giáo chủ trẻ tuổi như chàng có được sự trung thành của đông đảo giáo chúng Minh Giáo.
Một điểm đặc trưng khác trong tính cách của Trương Vô Kỵ đó là “trí nhớ ơn chứ không nhớ thù“. Thứ nhất là vì cha mẹ chàng mất sớm. Thời niên thiếu lại gặp phải quá nhiều kẻ ác, trải qua quá nhiều gian khổ, nên ai đối tốt với chàng, chàng sẽ nhớ mãi không quên.
Thứ hai là vì khi còn ở Băng Hỏa đảo, Trương Vô Kỵ đã nghe cha nuôi Tạ Tốn kể về mối thù của mình cũng như những hành động cực đoan mà ông làm ra nhằm mục đích báo thù. Vậy nên trong thâm tâm, chàng chưa bao giờ xem thù hận là điều tốt.
Ví dụ rõ ràng nhất cho điều này, chính là khi Trương Thúy Sơn vừa tự vẫn, Ân Tố Tố dặn con: “Hài nhi không cần nóng lòng báo thù, cứ thong thả chờ đợi. Nhưng đừng bỏ qua kẻ nào cả.“. Nhưng Trương Vô Kỵ lại đáp: “Mẫu thân ơi, con không muốn báo thù. Con chỉ muốn cha sống lại thôi.”
Có thể thấy, khái niệm trả thù rửa hận gần như không tồn tại trong đầu chàng ta. Sau này chứng kiến bao bi kịch chốn võ lâm khởi nguồn từ thù hận, Trương Vô Kỵ lại càng mâu thuẫn với hành động trả thù.
Có lần chàng trải lòng với Triệu Mẫn: “Cha mẹ ta bị người ta bức tử, dù có tìm ra hung thủ đích thực rồi ta giết hết bọn họ đi chăng nữa cũng đâu có ích gì, cha mẹ ta đã không thể sống lại. Giá mọi người đứng giết lẫn nhau, sống chan hòa thân ái với nhau có phải là hay biết mấy. Ta không nghĩ đến chuyện giết người báo thù, cũng mong người khác đừng sát hại ai cả“. Những lời ấy chính là suy nghĩ thầm kín nhất và là tiếng nói nội tâm của chàng.
Nhiều người ghét Trương Vô Kỵ vì ở cuối phim, chàng biết Chu Chỉ Nhược đã xuống tay với em họ mình là Ân Ly, đổ oan cho người chàng yêu là Triệu Mẫn, cũng như toan giết cha nuôi chàng là Tạ Tốn để diệt khẩu, nhưng vẫn đối xử dịu dàng với nàng ta. Họ cho rằng đó là biểu hiện của sự “dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng“.
Nhưng kỳ thực, hành động này hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn “trí nhớ ơn, không nhớ thủ” và luôn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của người khác của Trương Vô Kỵ. Tất nhiên, với người bên cạnh chàng ta như Triệu Mẫn điều này quả thực không hề đem lại cảm giác an toàn.
Có điều, mọi việc trên đời đều có tính hai mặt “có được thì ắt có mất“. Triệu Mẫn đã yêu một Trương Vô Kỵ nhân hậu hơn người, thì cũng phải chấp nhận chàng ta sẽ không chỉ tốt với mình nàng. Dù sao lúc này, Trương Vô Kỵ đã phân biệt được thế nào là tình yêu thực sự, thế nào là cảm kích, tiếc thương, không đến nỗi hồ đồ với nội tâm của chính mình.
Tâm hồn lương thiện
Một điểm khác khiến nhiều người không thỏa mãn chính là việc Trương Vô Kỵ trúng phải mưu gian của Chu Nguyên Chương mà từ chức giáo chủ Minh Giáo. Nhưng xét cho cùng, quyền thế cùng danh lợi chưa bao giờ là thứ Trương Vô Kỵ muốn nên việc chàng rời đi chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Phải biết, do thuở thiếu thời trúng phải hàn độc, Trương Vô Kỵ luôn cho rằng mình chẳng sống được bao lâu. Liên tiếp những biến cố lớn ập đến càng khiến chàng sớm hiểu được thế sự vô thường. Chả thế mà Trương Vô Kỵ rất thích những câu hát của Tiểu Chiêu
Thế gian khi phế khi hưng,
Trong hung tàng cát, cát hung đổi dời.
Khi đầy cũng có khi vơi,
Có ai giàu mãi mấy đời xênh xang
Hôm nay hãy biết bữa nay,
Trăm năm thấm thoắt đã hay một đời.
Mấy ai thọ được bảy mươi,
Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu.
Điều này đã hình thành nên thái độ với cuộc sống của chàng đó là “trân trọng cái vui hôm nay chứ chẳng chạy theo vinh hoa phú quý“. Đối với Trương Vô Kỵ, lý tưởng lớn nhất chính là được sống ở một nơi như Băng Hỏa đảo, không cần bận tâm tới chuyện người lừa ta gạt của thế gian.
Tháng ngày luyện công chữa thương trong hang đá lộ thiên có thể xem là quãng thời gian bình yên hiếm có sau khi chàng đến Trung Nguyên. Nếu không phải quá tịch mịch nhàm chán, Trương Vô Kỵ khả năng sống trong thung lũng thần tiên này đến già đến chết.
Cùng Triệu Mẫn thoái ẩn giang hồ có lẽ chính là cái kết mỹ mãn nhất chàng có thể có được. Cũng bởi không truy cầu danh lợi mà hành động của Trương Vô Kỵ luôn thuận theo tự nhiên, không nóng lòng cầu thành. Điều này vô tình lại phù hợp với những yếu khuyết võ công thượng thừa như Cửu Dương Thần Công, Càn Khôn Đại Na Di hay Thái Cực Quyền Pháp, Thái Cực Kiếm Pháp khiến chàng tiến triển cực nhanh khi luyện những môn võ này.
Nói cách khác, đã muốn Trương Vô Kỵ thần công cái thế thì phải chấp nhận là chàng ta không có tâm tranh quyền đoạt lợi. Đó là chưa kể, dù không có thiên phú chính trị nhưng khi còn tại vị, Trương Vô Kỵ đã đạt được thành tựu hơn xa những giáo chủ trước đó. Có thể khẳng định, những điều chàng ta làm hoàn toàn không thẹn với trọng trách được đặt trên vai.
Sứ mệnh hóa giải ân oán
Xuyên suốt Ỷ Thiên Đồ Long Ký, giang hồ không biết đã xảy ra bao nhiêu cuộc đấu đá thảm khốc, không vì thù hận thì cũng vì lòng háo thắng.
Thành Côn hãm hại Minh giáo vì tư thù với tiền giáo chủ Dương Đỉnh Thiên. Tạ Tốn vì muốn báo mối thù diệt môn với Thành Côn và liên lụy tính mạng bao người vô tội. Diệt Tuyệt sư thái hận Dương Tiêu khiến người bà yêu tức chết nên thấy người của Minh Giáo là giết không nương tay.
Bản thân Minh Giáo vì chẳng ai chịu phục làm giáo chủ kế nhiệm mà cũng suýt tan đàn xẻ nghé. Đến Thiếu Lâm Tự chốn Phật môn “tứ đại giai không” cũng không rũ bỏ nổi hai chữ sân si. Thậm chí, vợ chồng Hồ Thanh Ngưu ân ái là thế nhưng Vương Nạn Cô vẫn vì tính hơn thua mà khiến chồng khổ sở, gián tiếp gây nên bi kịch của chính họ và bao người khác.
Trong hoàn cảnh võ lâm như vậy, Trương Vô Kỵ thực sự là kẻ khác loài, bởi hết thảy thù hận cùng tranh đua thì trong lòng chàng ta đều không thể bì được về tự do hòa bình. Ngay từ xuất thân, Trương Vô Kỵ đã là sự dung hòa của những mặt đối lập.
Chẳng hạn, nơi sinh của chàng là Băng Hỏa đảo, mà hòn đảo ấy có thể cư trú được là do tồn tại một ngọn núi lửa giữa biển băng bắc cực. Lại hoặc là cha chàng, Trương Thúy Sơn là đệ tử danh ngôn chính phái, trong khi mẹ chàng Ân Tổ Tố lại là yêu nữ ma giáo.
Hết thảy những điều này như ám chỉ sứ mệnh của Trương Vô Kỵ trong tương lai đó là hóa giải ân oán giữa hai phe chính tà trong võ lâm. Nhờ có chàng ta, Minh Giáo mới hàn gắn được mối quan hệ với các phái và đoàn kết một lòng đánh đuổi quân Nguyên.
Nói khôn ngoan thì thông qua việc này, Trương Vô Kỵ không chỉ cứu lấy giới võ lâm bên bờ sụp đổ. Mà còn giúp người Hán có cơ hội giành lại giang sơn. Để hoàn thành một việc lớn như vậy thì võ công cao cường thôi là chưa đủ, chàng ta còn cần rất nhiều phẩm chất khác. May là những phẩm chất cần thiết Trương Vô Kỵ đều có.
Thứ nhất như đã nói, chàng ta sẵn sàng bỏ qua thù hận và luôn hướng tới hòa bình. Không có sự dẫn dắt của chàng, Minh Giáo đừng nói chủ động giảng hòa với lục đại môn phái, mà e rằng đến mâu thuẫn nội bộ cũng không thể giải quyết. Để rồi, sau vụ giải cứu ở chùa Vạn An thì mọi thù hận giữa hai bên chính tà chính thức được xóa bỏ.
Sau này, Trương Vô Kỵ tiếp tục lấy đức báo oán với người của Cái Bang và nhận được sự ủng hộ của họ trong đại hội đồ sư. Nói thì có vẻ dễ nhưng không phải ai cũng làm được, bởi vì ai cũng biết câu: “oan oan tương báo bao giờ mới dừng“, nhưng chuyện đến đầu mình, mấy ai có thể nói quên là quên.
Phẩm chất thứ hai cần nói tới chính là sự bao dung về cái bất đồng. Chẳng hạn, Trương Vô Kỵ không quen dùng mưu gian, nhưng nghe Triệu Mẫn cùng Dương Tiêu bày kế giải cứu Tạ Tốn, chàng chỉ nghĩ “Mẫn muội và Dương tả sứ đều có tài quyết đoán khi lâm sự, thảo nào hay thấy họ bàn tính với nhau rất ăn ý. Ta thật không có cái tài ấy“.
Điều này cho thấy chàng không áp đặt cái đúng của mình cho người khác, lại hoặc là Trương Vô Kỵ luôn nghĩ cho lập trường của người đối diện nên dễ dàng thông cảm hơn cho hành động của họ.
Với một giáo phái hỗn tạp nhiều thành phần như Minh Giáo, không có sự bao dung như vậy thì khó lòng chấp nhận được họ, chứ đừng nói gì đến thống lĩnh họ. Nhưng nếu không phải cảm ơn nghĩa hiệp ngay từ đầu của Trương Vô Kỵ, Minh Giáo đã chẳng tôn chàng làm giáo chủ.
Vậy nên phẩm chất quan trọng nhất khiến Trương Vô Kỵ có thể phục chúng chính là tinh thần sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ chính nghĩa mà không cầu hồi báo.
Chẳng hạn, thấy Diệt Tuyệt sư thái định ngược đãi tàn sát các tráng sĩ Nhuệ Kim Kỳ thì Trương Vô Kỵ – lúc này còn chỉ là vô danh tiểu tốt – đã sẵn lòng chịu của bà ta ba chưởng chỉ để xin bà tha cho họ. Nếu không phải may mắn lĩnh hội yếu quyết Cửu Dương Thần Công ngay trước chưởng thứ 3, không chừng chàng đã bỏ mạng.
Trương Vô Kỵ làm những điều này không phải vì lợi ích của bản thân, cũng không phải vì người thân trong Thiên Ưng Giáo mà chỉ vì tâm trạng cho đó là điều nên làm. Chính lòng hiệp nghĩa ấy mới thực sự là thứ khiến Trương Vô Kỵ có được sự khâm phục và tôn trọng của người trong Minh Giáo nói riêng và quần hùng võ lâm nói chung.
Trương Vô Kỵ là tổng hòa cho sự từ bi bác ái của Phật giáo, lẽ thuận theo tự nhiên của Đạo giáo, cùng tấm lòng nhân nghĩa của Nho giáo. Những điểm hơn người của chàng hoàn toàn không thua kém bất kỳ nam chính nào khác mà Kim Dung sáng tạo ra, thậm chí để còn là một trong những nhân vật có tâm hồn cao thượng nhất dưới ngòi bút của cố nhà văn.
Không có những người như Trương Vô Kỵ, e rằng bất kể là chốn giang hồ trong phim ảnh hay là xã hội hiện thực đều khó có thể duy trì sự bình yên hài hòa.
Vậy nên thay vì chỉ trích sự thiếu quyết đoán của chàng, phải chăng ta càng nên trân trọng một tấm lòng bao dung lương thiện như vậy.