Thiên hạ ngũ tuyệt, đây là danh hiệu dùng để chỉ năm bậc đại cao thủ xuất sắc nhất đương thời xuất hiện trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp. Năm người họ thường được gọi là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái và Trung Thần Thông.
Thiên hạ ngũ tuyệt thường sẽ được gắn liền với sự kiện “Luận kiếm Hoa Sơn” nơi tranh tải của các bậc đại cao thủ của võ lâm để phân định ra thiên hạ đệ nhất võ học, giúp cho võ lâm bớt đi sóng gió của các tranh chấp. Đây đều là những nhân vật có võ học uyên bác tinh thâm, mang cho mình những tuyệt kỹ được luyện tập ở mức thượng thừa. Vậy thì liệu các bạn có thật sự hiểu rõ về thiên hạ ngũ tuyệt không? Hãy cùng mình tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây nhé.
Nguồn gốc hình thành nên Thiên Hạ Ngũ Tuyệt
Trước tiên hãy cùng mình tìm hiểu về nguồn gốc hình thành nên danh hiệu võ lâm ngũ tuyệt này. Đó là vào thời kỳ tiền Anh Hùng Xạ Điêu, khi mà võ lâm dậy sóng với một bí kíp võ công thượng thừa bỗng nhiên xuất hiện trên giang hồ, đó là Cửu Âm Chân Kinh. Đây là một bí kíp võ công toàn diện về nhiều võ học mà Hoàng Thường đã đốc kết được từ những ngộ đạo của mình. Nếu có thể học được các võ công trong Cửu Âm Chân Kinh thì một người bình thường hoàn toàn có thể trở thành một cao thủ võ lâm.
Chính vì thế, sự lưu lạc trong nhân gian của Cửu Âm Chân Kinh đã khiến cho võ lâm dậy sóng gió, tạo nên một thời kỳ xung đột, tranh đoạt, chém giết lẫn nhau để cố gắng dành lấy bí kiếp này về cho mình. Khi này, Vương Trùng Dương – tổ sư của phái Toàn Chân – ông là một người yêu nước thương dân, từng có một thời gian tham gia chống lại sự xâm chiếm của nhà Kim nên khi nhìn thấy võ lâm đổ máu vì một thứ chẳng đáng, trong khi đất nước vẫn đang bị kẻ địch nhăm nhe.
Vì vậy, với khả năng võ học thượng thừa mà mình đã tu luyện trong nhiều năm Vương Trùng Dương đã quyết định ra tay can thiệp để chấm dứt tình trạng này. Ông đã mời những đại cao thủ vang danh nhất thiên hạ lúc bấy giờ tham gia luận kiếm để giải quyết dứt điểm các tranh chấp này. Vương Trùng Dương đã mời bốn vị đại cao thủ đương thời đó là Hoàng Dược Sư – Đào chủ đảo Đào Hoa, bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công, hoàng đế nước Đại Lý Đoàn Trí Hưng và cuối cùng là Âu Dương Phong – chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực.
Sự kiện này được võ lâm gọi là “luận kiếm Hoa Sơn”, trong các bản đầu thì đây là một cuộc đấu kiếm phân cao thấp. Khi này, Vương Trùng Dương sẽ khoảng 50 tuổi, còn bốn người còn lại sẽ khoảng 30 đến 40 tuổi mà thôi. Bản sửa đổi về sau thì luận kiếm được hiểu là luận võ, ai giỏi gì thì dùng đó.
Sự kiện “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ nhất đã diễn ra trong một mùa đông buốt giá, họ đã đấu liên tục trong 7 ngày 7 đêm. Kết quả cuối cùng, người chiến thắng chính là Vương Trùng Dương. Nhìn qua, chúng ta cũng sẽ hiểu nếu là một cuộc đấu kiếm như ban đầu thì rõ ràng phái Toàn Chân sẽ có lợi thế hơn, sức mạnh của Toàn Chân giáo đến từ Toàn Chân kiếm pháp nên Vương Trùng Dương sẽ có lợi thế ngay từ đầu.
Nếu các bạn thắc mắc rằng bốn người còn lại không dùng kiếm thì nếu để ý một chút vẫn sẽ nhận ra họ có dùng kiếm hoặc là bắt buộc phải dùng kiếm nếu đa số đã chọn thể thức giao đấu này. Hoàng Dược Sư có Lạc Anh Kiếm Pháp và Ngọc Tiêu Kiếm Pháp. Đoàn Trí Hưng không thấy dùng kiếm nhưng đệ tử của ông ta là Chu Tử Liễu lại dùng kiếm rất là giỏi. Hồng Thất Công và Âu Dương Phong thì rõ ràng là đều dùng binh khí về sau.
Quay trở lại với câu chuyện, sau khi Vương Trùng Dương giành được chiến thắng một cách đầy thuyết phục trước bốn đại cao thủ còn lại, ông đã được quyền nắm giữ cuốn Cửu Âm Chân Kinh với mục đích cuối cùng chỉ để võ lâm được yên ổn.
Nhiều bạn sẽ thắc mắc là nếu năm người tranh đoạt Cửu Âm Chân Kinh ở “luận kiếm Hoa Sơn” vậy thì ai sẽ là người giữ cuốn bí kíp để trao cho người chiến thắng? Thực chất, Vương Trùng Dương đã lấy được Cửu Âm Chân Kinh lưu lạc trong võ lâm ngay từ đầu rồi. Mục đích mời 4 đại cao thủ lên Hoa Sơn tranh đoạt với mình là để tìm ra người xứng đáng hơn hoặc là để công nhận tính hợp pháp cho người nắm giữ.
Sau sự kiện “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ nhất kết thúc, danh hiệu thiên hạ ngũ tuyệt từ đây đã chính thức được ra đời, dành cho năm đại cao thủ đã tham gia “luận kiếm Hoa Sơn” và vì bản chất tốt đẹp của luận kiếm lần đó nên danh hiệu ngũ tuyệt rất được giới võ lâm kính trọng là những đại cao thủ hiệp nghĩa của đương thời mặc dù có hai ông rất là quái.
Đông Tà Hoàng Dược Sư
Thiên hạ ngũ tuyệt thời kỳ đầu sẽ bao gồm Đông Tà Hoàng Dược Sư – đảo chủ của đảo Đào Hoa là một người có tính tình cổ quái, thường làm mọi thứ theo ý của mình, có phần kiêu ngạo hay chê bai cổ nhân. Ông là một bật kỳ tài, thông minh tuyệt đỉnh hiếm có trong thiên hạ, tinh thông mọi tinh hoa của nhân gian. Với Hoàng Dược Sư thì chỉ có thể gọi là “cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi”. Cầm, kỳ, thi, họa, y bốc tinh tướng, toán số thao lược, ngũ hành kỳ môn với ông đều là đệ nhất, là bực kỳ nhân tuyệt thế.
Võ công của Hoàng Dược Sư rất cao siêu, nhanh, chuẩn, lạ và đẹp, phần lớn các tuyệt kỹ của ông đều là do bản thân tự sáng tạo mà ra như Đạn Chỉ Thần Công, Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp hay là Bích Ba Chưởng Pháp. Đạn Chỉ Thần Công chính là tuyệt kỹ nổi danh nhất của Hoàng Dược Sư, nó là môn chỉ pháp rất nhanh, uy lực rất mạnh sánh ngang với Nhất Dương Chỉ của Đoàn Thị Đại Lý. Ngoài ra, Bích Hải Triều Sinh Khúc cũng là một môn công phu đấu nội lực rất đặc biệt của ông.
Hoàng Dược Sư cũng là một trong hai ngũ tuyệt đời đầu vẫn còn có tên trong danh sách ngũ tuyệt ở hai lần “luận kiếm Hoa Sơn” tiếp theo. Danh xưng Đông Tà vẫn luôn được ấn định dành cho ông trong suốt quá trình danh hiệu thiên hạ ngũ tuyệt tồn tại .
Tây độc Âu Dương Phong
Tiếp đến là Tây độc Âu Dương Phong, chủ nhân của núi Bạch Đà ở Tây Vực. Ông ta còn được mệnh danh là vua của các loài độc trên giang hồ nên còn được gọi là lão Độc vật. Âu Dương Phong cũng nổi tiếng là một kẻ độc ác nhiều mưu mô thủ đoạn. Ông ta là một kẻ đa mưu túc trí nhưng lại tà đạo nhất trong nhóm ngũ tuyệt, có thể bất chấp mọi thủ đoạn độc ác lẫn bội nghĩa vong ân để đạt được mục đích.
Tuy vậy, Âu Dương Phong vẫn là bật tôn sư võ học được kính trọng, nhắc tới Âu Dương Phong thì phải nhắc tới tuyệt kỹ bật nhất của ông ta đó chính là Hàm Mô Công (bản cũ dịch là Cáp Mô Công, Cáp mô hay Hàm mô có nghĩa là con cóc), một loại võ công lấy tĩnh chế động, tư thế vận kình, phát chiêu dựa trên đặc điểm cấu tạo thân thể và hoạt động của loài cóc. Nó có đặc điểm phản đòn cực kỳ mạnh mẽ nhưng phải có nội công cực kỳ cao siêu mới có thể học được.
Có danh hiệu là Tây độc nên tất nhiên khả năng dùng độc của Âu Dương Phong cũng là rất kinh dị. Ông ta có thể chế ra các loại thuốc độc mà không gì có thể giải được, ngay cả một ngũ tuyệt khác như Hồng Thất Công cũng đã phải rất chật vật vì trúng độc của Âu Dương Phong. Chính vì những mưu mô xảo quyệt, theo đuổi ước mơ sở hữu các tuyệt học một cách mù quáng đã khiến cho ông ta liên tiếp nhận về những hệ quả trái đắng, để rồi cuối cùng trở nên phát điên không còn nhận ra mình là ai nữa.
Trong lần “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ hai ông ta vẫn giữ được danh hiệu Tây độc của mình mặc dù bị tẩu hỏa nhập ma do luyện sai Cửu Âm Chân Kinh nhưng nó vô tình khiến cho võ công của ông ta tăng tiến một cách quái dị. Tuy nhiên, sau đó Âu Dương Phong đã qua đời cùng với Hồng Thất Công trên đỉnh núi Hoa Sơn khiến cho danh hiệu Tây độc không còn hiện diện trong lần “Hoa Sơn luận kiếm” lần thứ ba nữa mà được thay vào bởi Dương Quá với danh hiệu là Tây cuồng.
Nam đế Đoàn Trí Hưng
Nam đế Đoàn Trí Hưng xuất thân là vị vua thứ 14 của nước Đại Lý, ông chính là cháu nội của Đoàn Dự với Mộc Uyển Thanh, khi xuất gia ông lấy hiệu là Nhất Đăng. Ông có bốn đệ tử đều là bốn đại thần từ quan đi theo ông đó là Ngư (nguyên Thủy Quân đô đốc Trử Đông Sơn), Tiều (nguyên Đại tướng quân Trương Thiếu Thủ), Canh (nguyên Tổng quản ngự lâm quân Võ Tam Thông), Độc (nguyên Đại thừa tướng Chu Tử Liễu).
Là một vị vua sau đó còn xuất gia nhưng drama của ông khá là phức tạp, nó đều đến từ sự nhỏ nhen, nghi kỵ của ông. Tuy nhiên, khi đó ông vẫn là một vị vua, khi xuất gia ông đã tỏ ra là một đại sư từ bi nhân từ sẵn sàng hi sinh để hóa giải lòng người. Đoàn Trí Hưng nổi tiếng với môn võ học Nhất Dương Chỉ, là yếu chỉ điềm huyệt dùng ngón tay xuất chỉ khí gây sát thương. Nó dồn lực vào ngón trỏ rồi bắn ra, lực sát thương vô cùng cao. Ngoài ra, nó còn có thể dùng để trị thương ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự
Ngoài ra, Đoàn Trí Hưng còn sở hữu Tiên Thiên Công, tuyệt học của đệ nhất ngũ tuyệt Vương Trùng Dương được đích thân Vương Trùng Dương truyền cho để có thể khắc chế lại Âu Dương Phong. Đoàn Trí Hưng còn có một phần của Cửu Âm Chân Kinh.
Nam Đế Đoàn Trí Hưng cùng với Đông Tà Hoàng Dược Sư là hai ngũ tuyệt duy nhất mà danh hiệu của họ không thay đổi trong ba lần “luận kiếm Hoa Sơn”. Nó chỉ có một chút khác biệt đó là khi trở thành cao tăng thì danh hiệu của ông cũng đã chuyển thành Nam Tăng Nhất Đăng đại sư.
Bắc cái Hồng Thất Công
Bắc cái Hồng Thất Công là bang chủ đời thứ 18 của Cái Bang. Ông có tính tình ham ăn ham rượu nhưng lại là một bật đại anh hùng, tiếp nối truyền thống của mọi đời bang chủ Cái Bang. Với Hồng Thất Công thì ông còn làm tốt hơn rất là nhiều. Hồng Thất Công nổi tiếng với hai tuyệt học danh chấn của Cái Bang đó Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả cẩu bổng pháp, ông đã dùng nó để hành hiệp trượng nghĩa khắp nơi.
Danh hiệu Bắc cái của Hồng Thất Công chỉ tồn tại trong hai lần “luận kiếm Hoa Sơn” do trong Thần Điêu Đại Hiệp ông đã chết cùng với Âu Dương Phong, nên “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ ba danh hiệu của ông đã được thay thế bởi Bắc hiệp Quách Tĩnh, cũng chính là đồ đệ của ông.
Trung thần thông Vương Trùng Dương
Đệ nhất thiên hạ ngũ tuyệt Trung thần thông Vương Trùng Dương, người đã vô địch thiên hạ trong lần “luận kiếm Hoa Sơn” thứ nhất. Ông chính là sư tổ của phái Toàn Chân, trở thành Bắc Tông Đạo giáo của Trung Nguyên. Vương Trùng Dương là một con người yêu nước thương dân vì thiên hạ, những việc làm và hành động của ông đều xuất phát từ mong muốn Trung Nguyên được bình yên, dân chúng ấm no nên ông rất được người đời trọng vọng.
Ông là người có võ công cao cường nhất trong thiên hạ ngũ tuyệt, đủ mạnh để không cần phải học thêm Cửu Âm Chân Kinh mà chỉ cần giữ nó để thiên hạ được thái bình. Tuy nhiên ông lại bị bệnh nặng và mất sớm khiến cho cái tên Vương Trùng Dương chỉ còn là truyền thuyết hào hùng đáng nhớ của Toàn Chân giáo. Võ công tâm đắc nhất của ông chính là Tiên Thiên Công là võ học đạo gia chính tông. Đây là môn nội công không có giới hạn, càng tu luyện thì nội lực càng cao thâm, nó chính là khắc chế của Hàm Mô Công.
Sự kiện “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ hai ở cuối Anh Hùng Xạ Điêu về cơ bản cũng không thay đổi gì tới danh hiệu thiên hạ ngũ tuyệt. Mặc dù khi này chỉ còn lại bốn người với Quách Tĩnh là người mới, còn Nhất Đăng đại sư lại không tham gia.
Sang tới “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ ba ở cuối Thần Điêu Đại Hiệp thì khi này đã có nhiều sự thay đổi với danh hiệu ngũ tuyệt khi nó cũng đã cách lần “luận kiếm Hoa Sơn” đầu tiên tới khoảng 60 năm.
Thế hệ cũ đã không còn đủ và thế hệ mới cũng đã nổi lên mạnh mẽ, ngoài Đông Tà Hoàng Dược Sư và Nam tăng Nhất Đăng đại sư, ba cái tên mới đó chính là Tây cuồng Dương Quá, là một người thông minh nhưng cách hành xử có phần cổ quái nửa chính nửa tà không coi trọng lễ giáo nhưng vẫn sẵn sàng giúp người khác lúc khó khăn.
Tây cuồng Dương Quá
Nhắc tới Dương Quá thì phải nhắc tới sự chung tình khi đã giành trọn tình yêu cho Tiểu Long Nữ tạo nên một trong những mối tình đẹp nhất trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung.
Dương Quá sở hữu rất nhiều võ công của nhiều đại cao thủ từ Ngọc Nữ Tâm Kinh tới Toàn Chân Kiếm Pháp, Hàm Mô Công của Âu Dương Phong, Đả Cầu Bổng Pháp của Hồng Thất Công, thậm chí là còn tự sáng tạo ra Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, môn võ công cực kỳ độc đáo.
Nhất Đăng đại sư đánh giá nội công của Dương Quá có độ sung mãn và cương mãnh thuộc vào hàng bực nhất đương thời không ai có thể sánh được. Dương Quá có thể đối chưởng trực tiếp với Long Tượng Bàn Nhược Công của Kim Luân Pháp Vương trong khi Nhất Đăng và Chu Bá Thông chỉ có thể né.
Bắc hiệp Quách Tĩnh
Với Bắc hiệp Quách Tĩnh, đó là giai đoạn về sau khi ông đã trấn thủ Tương Dương, tiếp nối những nghĩa cường hiệp nghĩa của các sư phụ đã từng dạy dỗ mình đó là Hồng Thất Công và Giang Nam Thất Quái. Quách Tĩnh nổi tiếng với Cửu Âm Chân Kinh cùng với Hàng Long Thập Bát Chưởng, đặc biệt là chiêu Kháng long hữu hối.
Cửu Âm Chân Kinh và Song Thủ Hỗ Bác cùng kết hợp đã giúp Quách Tĩnh nâng tầm Hàng Long Thập Bát Chưởng từ chí cương tới chí nhu, biến hóa ảo diệu vô cùng.
Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông
Ngũ tuyệt cuối cùng đó là Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, vốn là sư đệ của đệ nhất ngũ tuyệt Vương Trùng Dương, ông được mô tả là người có tính tình ngây thơ nhưng lại rất say mê võ thuật. Chu Bá Thông nổi danh với Không minh quyền và Song Thủ Hỗ Bác, một môn võ công kỳ dị có thể khiến tay trái và tay phải hoạt động độc lập không khác gì như hai đang đánh một, cùng với Cửu Âm Chân Kinh đã đưa Chu Bá Thông vào hạng đại cao thủ của võ lâm
Trong “luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ ba, Chu Bá Thông được bầu làm người giỏi nhất hiệu là Chu Thần Thông, nhưng vì là bầu chọn chứ không phải là giao đấu trực tiếp nên đệ nhất ngũ tuyệt của Chu Bá Thông vẫn không được chắc chắn cho lắm.
Mục đích của luận kiếm Hoa Sơn
Cảnh giới võ học của các ngũ tuyệt đều được cho đã đăng phong tạo cực, xuất thần nhập hóa, tu vi võ học đạt tới cảnh giới lô hỏa thuần thanh, chiều số vô cùng huyền diệu, Tây độc, Bắc cái đều đã chạm tới tột đỉnh.
Bản chất của thiên hạ ngũ tuyệt đến từ mục đích và ý nghĩa của “luận kiếm Hoa Sơn” lần đầu. Các lần sau chỉ mang tính hình thức và duy trì một truyền thống tốt đẹp đến từ lần đầu tiên. Mục đích của “luận kiếm Hoa Sơn” là tìm ra người mạnh nhất để nắm giữ Cửu Âm Chân Kinh giúp cho thiên hạ bớt sóng gió tranh đoạt. Còn việc hình thành nên danh xưng ngũ tuyệt là để phân định vị thế một cách công bằng cho bốn người còn lại, tức là “luận kiếm Hoa Sơn” không chỉ giúp võ lâm bớt đi một sóng gió mà còn vô tình kết nối và đưa bốn đại cao thủ thân thiện lại với nhau.
Đó cũng là một cách khác để thiên hạ không tìm ra người mạnh thứ nhì hay là thứ ba, vì sự tranh đoạt cao thấp của các đại cao thủ cũng khá là nguy hiểm không kém. Vì bốn nhân vật này không đơn giản chỉ có võ công cao cường mà họ còn có tiếng nói, tầm ảnh hưởng và quyền lực trên võ lâm. Để bốn người họ trở thành bốn phương vị bao quanh Trung thần thông sẽ là một cái kết hoàn hảo để Trung Nguyên bớt nhiều mối lo, vì rõ ràng chúng ta hiểu ngũ tuyệt là năm đại cao thủ mạnh nhất server.
Thế Lâm Triều Anh là thế lực gì? Tự thấy mình không đù trình nhưng tham vọng thì cũng không ít nên công bằng mà nói thì ngũ tuyệt cũng chính là năm đại cao thủ có ảnh hưởng tới võ lâm nhất, hơn là năm đại cao thủ có võ công mạnh nhất server.
Thế nên câu chuyện thần thánh hóa ngũ tuyệt hay là dìm ngũ tuyệt bằng cách đưa đi so với các kỳ tài võ học ở các thời đại khác thì nên so sánh về sức ảnh hưởng và sự hào hiệp trượng nghĩa của họ hơn là chỉ so sánh mỗi một vế võ công mạnh yếu ra sao.
Dù sao thì thiên hạ ngũ tuyệt trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp cũng đã thực sự thể hiện tròn vai trò của mình theo đúng ý đồ của Vương Trùng Dương. Đó là họ giúp cân bằng sức ảnh hưởng của võ lâm khiến cho giang hồ trở nên hài hòa nhất có thể, sự cân bằng này chúng ta thấy rõ ở việc Vương Trùng Dương đã liên tục kìm hãm Âu Dương Phong tới đâu nhưng cũng vì thế mà đã không để phòng tới Đông Tà khiến cho nhiều sóng gió khác cũng từ đây mà ra
Và đó cũng là toàn bộ chia sẻ của mình về thiên hạ ngũ tuyệt trong kiếm hiệp Kim Dung. Các bạn ấn tượng với ngũ tuyệt nào nhất, hãy để lại ý kiến dưới phần comment nhé