Xin chào các bạn, như đã thấy ở tiêu đề, đây là câu chuyện về hiện tượng được gọi là “thánh vật sông Tô Lịch” và những vụ trấn yểm nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trước hết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sông Tô Lịch trong quá khứ và hiện tại, cũng như vai trò của nó đối với lịch sử.
Theo các tài liệu địa chí lịch sử, sông Tô Lịch từng là một tuyến đường quan trọng. Người dân thời xưa thường đánh cá và vận chuyển hàng hóa từ sông Hồng tỏa đi các nơi. Sông Tô Lịch bao quanh kinh đô Thăng Long xưa, là một cạnh của “tứ giác nước” Thăng Long. Gọi là “tứ giác nước” bởi kinh thành được bao quanh bốn bề bởi các con sông. Sông Tô Lịch có giá trị lớn về giao thông đường thủy và gần như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long.
Tên của sông Tô Lịch không phải là tên một địa danh bình thường, mà tương truyền được lấy từ tên một vị thần. Vị thần này tên là Tô Lịch, sống vào thời nhà Tấn, khi đó ông ta đô hộ xứ Giao Chỉ, tức nước ta. Cho đến thời nhà Nguyễn, sông Tô Lịch vẫn là một dòng sông quan trọng. Tuy nhiên, do biến đổi tự nhiên, sông Hồng dần chuyển dòng, cửa sông Tô Lịch bị bồi tụ, khiến nước sông Hồng không còn chảy vào. Từ đó, sông Tô Lịch dần mất đi vị thế đường thủy.
Đến năm 1889, người Pháp lấy một phần sông Tô Lịch để quy hoạch khu “36 phố phường”. Nhiều phố phường ngày nay chính là đoạn sông Tô Lịch trước kia. Khi hai cửa sông bị bịt kín, không còn thông với sông Hồng và Hồ Tây, sông Tô Lịch trở thành một “dòng sông chết”, mang nước thải trong thành phố. Một con sông lịch sử hàng ngàn năm đã trở thành dòng nước cống, không chỉ làm mất đi một di sản thiên nhiên của thủ đô mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều người dân.
Hiện nay, sông Tô Lịch bắt đầu từ khu vực Nghĩa Đô, Cầu Giấy, gần đường Hoàng Quốc Việt, chảy qua đường Bưởi, đường Láng, đến Khương Đình, Kim Giang, rồi nối với sông Nhuệ.

Vậy hiện tượng trấn yểm sông Tô Lịch và “thánh vật sông Tô Lịch” là gì? Hiện tượng trấn yểm sông Tô Lịch từng gây xôn xao dư luận cả nước về những sự việc huyền bí xảy ra cách đây hơn chục năm. Khi đó, sự việc này khiến không ít người tranh cãi về tính chân thực. Có người cho rằng đây chỉ là câu chuyện bịa đặt, nhưng cũng có người tin rằng chuyện trấn yểm thực sự tồn tại.
Tháng 4 năm 2007, báo Bảo vệ Pháp luật đăng một loạt bài về hiện tượng “thánh vật sông Tô Lịch”, gây xôn xao dư luận. Theo đó, vào tháng 9 năm 2001, một đội thi công xây dựng, do ông Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng, thi công kè bờ, nạo vét một đoạn sông Tô Lịch thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội – nơi đây xưa thuộc thôn Đoài Môn (nghĩa là “cửa phía Tây”, một số người cho là Cửa Tây thành Đại La). Trong quá trình thi công, đội đã tìm thấy một số di vật cổ, trong đó có tám bộ hài cốt bị đóng đinh vào bả vai, nhiều xương răng động vật (voi, ngựa, trâu), hơn mười cái liễn lớn nhỏ bằng sành, nhiều đồ gốm, đồ sắt, đồ dùng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, một số mảnh gốm men ngọc đã bị vỡ được cho là thuộc đời nhà Trần và Lê Sơ, tiền cổ hình tròn có lỗ vuông. Tại khu vực này còn phát hiện thấy nhiều vật liệu xây dựng cổ xưa như ngói cổ, đá, nhiều gạch cổ, đặc biệt là gạch vồ thời nhà Lê. Quanh chỗ phát hiện hài cốt là các cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố trí lạ.
Công trình được dừng lại một thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội và các nhà khoa học được mời tới, trong đó có giáo sư Trần Quốc Vượng. Giáo sư Vượng cho rằng đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ thứ 9. Trong quá trình thi công, ông đã thuật lại những hiện tượng:
- Các công nhân xây dựng gặp các hiện tượng như động kinh, mơ gặp ma.
- Thân nhân của họ gặp nhiều chuyện bất hạnh liên tiếp.
- Các công việc thi công không tiến triển được như đê đắp lên thì đê vỡ, kè thép không vỡ nhưng nước xói từ dưới lên, đặt đá xuống thì đá chìm, nhiều mũi khoan bị gãy nhanh khi khoan thăm dò ở giữa sông.
- Một số người khác có liên quan đến các di chỉ và những người được mời tới làm lễ giải bị ốm nặng hoặc chết trong vòng một vài tháng. Theo lời ông Nguyễn Hùng Cường, Thượng tọa Thích Viên Thành khảo sát xong và có nói sức ông không giải được nhưng vận ông đã hết và trách nhiệm vẫn phải làm, sau đó ba tháng thượng tọa Thích Viên Thành cũng qua đời.
- Cũng theo lời ông Nguyễn Hùng Cường, giáo sư Trần Quốc Vượng có đề cập đến lực lượng âm binh tại đây và dặn các công nhân phải cẩn thận kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng…
Một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử và phong thủy Việt Nam cho rằng khu vực này có thể là nơi trấn yểm của Cao Biền, một nhân vật lịch sử. Đến nay, vẫn còn nhiều giai thoại ly kỳ về hoạt động yểm bùa của Cao Biền trong thời kỳ Bắc thuộc. Một giai thoại nổi tiếng kể rằng, khi sang nước ta, Cao Biền thấy long mạch nước Nam rất vượng, nên muốn phá đi. Ông thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả vờ lập đàn cúng tế thần để lừa người bản địa, rồi dùng kiếm chém đầu, đào hào chôn kim khí nhằm triệt long mạch.

Tương truyền, Cao Biền dùng hơn 4 tấn sắt và đồng để trấn yểm đền Bạch Mã, nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ. Ông còn dựng nhiều đàn tràng, sử dụng các kim loại như sắt, đồng, vàng, bạc để trấn yểm nhiều nơi khác dọc sông Tô Lịch. Theo sử sách, Cao Biền đã đặt bùa trấn yểm ở 19 điểm dọc sông Tô Lịch. Các nhà phong thủy khẳng định có một long mạch lớn xuất phát từ phía tây thành Đại La, đi qua các dãy núi ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, gần nhất là núi Tản Viên. Long mạch này chạy dọc sông Tô Lịch, qua khu vực Hồ Tây, kéo dài đến Cổ Loa, Đông Anh, và thậm chí tới dãy Yên Tử, Quảng Ninh. Theo truyền thuyết, Cao Biền đã thực hiện các biện pháp trấn yểm nhằm bế dòng khí của long mạch này, tương tự như thuật điểm huyệt trong Đông y.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng câu chuyện “thánh vật sông Tô Lịch” chỉ là thông tin thổi phồng, sai lệch. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, một cách giải thích là khu vực thi công nằm ở nơi hợp thủy của ba con sông trong quá khứ, nên địa tầng không ổn định, dẫn đến việc khảo sát và thiết kế xây dựng không sát thực tế. Tuy nhiên, vì là nơi hợp thủy, cũng không loại trừ khả năng đây là di tích của một sự kiện trấn yểm thời kỳ tiền Thăng Long, khi Cao Biền làm tiết độ sứ. Dù vậy, ông không khẳng định rõ ràng.
Những cách đánh giá và giải thích trên chưa phải là kết luận rõ ràng để phân tích thực hư câu chuyện trấn yểm tại sông Tô Lịch. Thậm chí, người ta còn hoài nghi về những mất mát, tai ương mà những người trong cuộc phải chịu đựng. Có lẽ mỗi người sẽ có cách đánh giá riêng. Hiện nay, “trấn yểm sông Tô Lịch” vẫn là một từ khóa thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Bên cạnh đó, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện về cột đồng Mã Viện. Liệu đây có phải là một âm mưu trấn yểm của nước Việt? Theo một số sử sách, cột đồng Mã Viện là một cây cột đồng lớn, trên khắc sáu chữ Hán: “Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là khi cột đồng còn thì Giao Chỉ cũng không còn. Cột đồng này do tướng nhà Hán Mã Viện dựng nên từ các dụng cụ bằng đồng thu được của người Việt, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào những năm 40. Trong lịch sử Trung Quốc, Mã Viện là một chỉ huy quân sự tài ba, lập nhiều chiến công cho Hán Quang Vũ Đế, thống nhất đế quốc sau thời kỳ loạn Vương Mãng, bình định các bộ tộc xung quanh. Nhưng trong lịch sử Việt Nam, Mã Viện được biết đến như kẻ dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và tiếp tục sự thống trị của người Hán ở Giao Chỉ.
Người ta tin rằng Mã Siêu trong thời Tam Quốc là hậu duệ của Mã Viện. Lăng mộ của Mã Viện hiện vẫn còn ở Thiểm Tây, Trung Quốc. Nhiều người cho rằng cột đồng Mã Viện là một phần của trận đồ phong thủy nhằm diệt tận mọi mầm mống phản kháng của nước ta. Cụ thể, Mã Viện sử dụng một loại bùa hiếm, gọi là “bùa lưỡng nghi” (bùa âm dương), có hiệu lực cao hơn bùa bát quái.
Hình dáng cột đồng này được xem như một dạng trấn yểm với truyền thống yêu nước của những phụ nữ Giao Chỉ thì nó liên quan đến hai Bà Trưng. Nói theo kiểu dung tục thì Mã Viện đã chơi một trò rất thô bỉ là “Ðóng cọc người đàn bà Giao Chỉ” nhằm triệt tiêu con đường kết phát vương quyền cho nữ giới Việt Nam sau này.
Cột đồng Mã viện chỉ được ghi trong sử sách, cho đến tận bây giờ người ta vẫn chưa khai quật được di tích này và tìm thấy nó ở đâu.