Suốt một đời cống hiến hết mình cho văn chương, viết lách, Kim Dung đã xây dựng nên một thế giới võ hiệp đồ sộ tới mức hậu thế sẽ còn đem ra làm chủ đề bàn luận trong nhiều năm sau khi ông mất. Cái tên của ông nổi tiếng ở Việt Nam tới mức nhiều người hay đùa mỗi năm được xem Đường Tăng đi lấy kinh một lần, thì được xem chưởng pháp của Kim Dung tới ba đến bốn lần. Còn cái tên Doãn Chí Bình thì dường như đã trở thành một tính từ trên mạng xã hội Việt Nam mất rồi.
Điều khiến nhiều người đam mê tiểu thuyết của Kim Dung nằm ở tuyến truyện mạch lạc và có sự liên kết chặt chẽ tới bất ngờ – dù là hư cấu – tạo nên một vũ trụ kiếm hiệp hoàn chỉnh có luân hồi, đầu kết. Kể từ Thiên Long Bát Bộ trở đi, Kim Dung đã xây dựng một tổng thể to lớn và hài hòa với hàng trăm nhân vật; mỗi người lại có những môn phái, chiêu thức và quan trọng hơn là cá tính và câu chuyện phông nền rất riêng. Vậy thì, đâu là những nhân vật “nhất của nhất” ở những lĩnh vực mà cực kỳ thú vị mà bạn chưa chắc đã biết đâu nhé.
Đầu đội sửng – chân đạp vỏ
Đầu mọc nhung luôn là một trong những nỗi nhục lớn nhất mà bất cứ người đàn ông nào cũng đều muốn tránh. Chưa kể, nếu là một anh hùng có xuất xứ trên giang hồ – đầu đội trời chân đạp đất – thì nỗi nhục này dường như càng tăng lên gấp đôi. Vậy mà trong các tác phẩm của Kim Dung, vẫn có không ít những vị anh hùng phải chịu kiếp mọc sửng. Nhưng trong số các nam nhân “đầu đội sừng – chân đạp vỏ” khiến độc giả hả hê nhất chắc chắn là Đoàn Chính Thuần.
Ai mà ngờ được một trang nam tử hán, đại trượng phu, đào hoa và có vô số thề tử như Đoàn Chính Thuần, ông ta không cắm sừng kẻ khác thì thôi há có tên nào to gan lại dám đi đâm sau lưng Vương gia của nước Đại Lý. Ấy vậy mà có thật đấy, và cái tên đã cắm sừng Đoàn Chính Thuần lại chính là kẻ đứng đầu Tứ Đại Ác Nhân Đoàn Diên Khánh, kẻ mà thửa ấy vẫn chỉ là một gã ăn mày hôi hám bẩn thỉu. Thật ra, Đoàn Diên Khánh cũng không phải là kẻ chủ động khi mà Đao Bạch Phượng, phu nhân cao quý của nước Đại Lý chỉ vì căm ghét chồng mình ngoại tình và sẵn sàng trả thù, hiến thân cho kẻ ăn mày xấu bẩn và sinh ra Đoàn Dự.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may, cũng nhờ chi tiết này mà Đoàn Dự ngỡ như là con của Đoàn Chính Thuần nhưng lại không phải, và có thể trở thành phu quân của những cô nương xinh đẹp như Mộc Uyển Thanh, Chung Linh,…
Đệ nhất mỹ nhân
Trong các bộ tiểu thuyết, với bút pháp của mình dù mỗi người một vẻ nhưng nhà văn Kim Dung luôn biết cách biến các vai nữ chính trở thành những mỹ nhân thoát tục, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Chính vì thế, câu hỏi “Ai là đệ nhất mỹ nhân?” khiến không ít người tranh cãi sứt đầu mè trán. Nhưng trong số các nhân vật nữ mà Kim Dung lão gia từng hạ bút họa dung nhan có lẽ Cô Cô chính là mỹ nữ được nhiều người ái mộ nhất.
Trong suốt toàn bộ tác phẩm của mình, cũng chỉ có duy nhất Tiểu Long Nữ được Kim Dung yêu ái thừa nhận rằng “nàng chính là là mỹ nhân đẹp nhất“. Từ lần đầu tiên xuất hiện, vẻ đẹp “băng thanh ngọc khiết” của Cô Cô không chỉ say đắm Dương Quá mà còn khiến độc giả cũng đổ gục.
“Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng.”
“Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui.”
“Bạch y thiếu nữ tú mỹ này chính là Tiểu Long Nữ, chủ nhân của Hoạt Tử Nhân Mộ này. Nàng đã mười tám tuổi, có điều sống lâu trong hầm mộ, không có ánh nắng, nội công tu luyện lại theo đường khắc chế tâm ý nên trông trẻ hơn các thiếu nữ cùng trang lứa tới mấy tuổi.”
Đây cũng là lý do khiến cho việc tuyển chọn diễn viên vào vai Tiểu Long Nữ là một bài toán rất khó đối với các đạo diễn. Trong số những nữ diễn viên xinh đẹp từng có cơ hội được hóa thân thành vị Cô Cô vạn người mê, chỉ duy nhất Lý Nhược Đồng là được Kim Dung công nhận, gương mặt thanh tú trong sáng và đựng buồn của cô hoàn toàn phù hợp với miêu tả về Tiểu Long Nữ xinh đẹp lạnh lùng.
Tửu lượng vô biên
Tửu lượng vô biên trong tiểu thuyết Kim Dung thì nhiều, nhưng chỉ có Lệnh Hồ Xung được khắc họa là con sâu rượu “yêu tửu như yêu tính mạng“. Trong bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ, một ma men khác là Điền Bá Quang giao chiến cùng Lệnh Hồ Xung. Hắn cũng đã từng phải thốt lên rằng: “Lệnh Hồ Xung ngươi luận về kiếm pháp trên võ lâm có thể chỉ được xếp hạng thứ, nhưng luận về tửu pháp thì chắc chắn phải đứng thứ nhất trên giang hồ, Điền Bá Quang ta quy phục!”
Người ta thường bảo “mượn rượu giải sầu“, vì thế Lệnh Hồ Xung cũng như bao người uống rượu để quên đi những chuyện buồn mà anh gặp phải. Lệnh Hồ Xung vốn là trẻ mồ côi được vợ chồng chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần mang về nuôi dưỡng. Anh chàng và sư muội Nhạc Linh San cùng nhau lớn lên, sự trong sáng của cô nàng khiến cho Lệnh Hồ Xung yêu đơn phương trong nhiều năm. Thế nhưng, tiểu muội lại có tình cảm yêu mến với người nam nhân khác khiến Lệnh Hồ Xung không khỏi buồn bã.
Chưa hết, người mà anh xem là người cha thứ hai lại là một kẻ ngụy quân tử, sẵn sàng không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. Đối với Lệnh Hồ Xung dường như không có chính hay tà mà chỉ có rượu ngon hay dờ, nhất là người nâng chén rượu uống cùng, có đáng mặt hảo hán để giao kết hay không mà thôi. Lúc đó thì ân oán thị phi đều có thể hòa tan trong chén rượu chân tình mấy ai có được cái hào khí phong trần, tuấn kiệt như của Lệnh Hồ Xung
Tên xấu nhất
Hiệp Khách Hành có lẽ là bộ truyện phiêu nhất của cố nhà văn Kim Dung khi mà những ai đã đọc bộ truyện này đều nghĩ rằng Thạch Phá Thiên có sức mạnh kinh thiên động địa. Nhân vật chính vừa sinh ra đã bị cướp đi và sống từ nhỏ đến lớn với mẹ nuôi mà không hề biết thân phận của mình. Mẹ nuôi tâm địa tàn nhẫn, luôn hắt hủi, gọi y là Cẩu Tạp Chủng như để dày vò đôi tình nhân từng phụ lòng bà ta.
Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống) trở thành cái tên xấu nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Chữ tình có thể khiến người ta phát điên vì nó cũng làm cho một đứa trẻ vô tội phải chịu đựng những năm thắng dày vò khó quên.
Háo sắc nhất
Vượt qua những đối thủ sừng sò như Điền Bá Quang, Đoàn Chính Thuần, Doãn Chí Bình, Âu Dương Khắc nói về độ phong lưu và háo sắc trong các tiểu thuyết của Kim Dung thì có lẽ Vi Tiểu Bảo nhận số hai chắc chẳng ai dám nhoi lên số một. Chẳng có nhân vật nào trong các tác phẩm của Kim Dung lại tốt số và may mắn như hắn, không có võ nghệ cao cường, nội công cũng kém, lại còn xuất thân là con của kỹ nữ. Sau này vào cung với tư cách hoạn quan nhưng Vi Tiểu Bảo lại có tới bảy người vợ mà ai cũng xứng đáng được liệt vào hàng mỹ nhân.
Ở đâu có gái đẹp ở đó có Vi Tiểu Bảo, từ những cô nàng hết mực vì hắn như là Song Nhi cho tới những kẻ ghét hắn cực độ, thậm chí khiến hắn phải nể sợ như A Kha, Tô Thuyên, sau cùng thì đều nắm gọn trong chiếc giường của Lệ Xuân Viện cùng với hắn.
Vì yêu cứ đâm đầu
Dù là tiểu thuyết võ hiệp, nhưng tình yêu chính là thứ làm nên kết hồn sự sống cho vũ trụ Kim Dung. Có muôn vàn kiểu yêu, nhưng yêu cuồng si, yêu bất chấp thì không ai qua mặt được Du Thản Chi. Dù chỉ là một nhân vật phụ trong Thiên Long Bát Bộ nhưng ít độc giả nào quên được tấm lòng của hắn dành cho A Tử. Có thể nói, nàng ta chính là lý tưởng mục tiêu, hoài bão của Du Thản Chi đến mức mà dù có phải lao vào nước sôi lửa bỏng hắn cũng không từ chối, kể cả khi A Tử làm sai.
Du Thản Chi cũng mù quáng chấp nhận làm mọi cách để chiều lòng người mình yêu. Du Thản Chi và A Tử chính là sự bù đắp cho nhau, một kẻ biến thái tàn bạo người còn lại phải chịu thống khổ, một kẻ quá đam mưu hiểm ác người kia lại tỏ ra không hề có chủ kiến, một người quá cay độc kẻ còn lại quá nhu hèn, một người ra sức hành hạ dằn vặt người khác người còn lại luôn chịu đựng và không hề phản kháng.
Fan hâm mộ có lẽ không bao giờ quên hình ảnh Du Thản Chi tuyệt vọng gọi tên A Tử giữa trời quan ải với đôi mắt mù lòa đẫm lệ, với tất cả những thương đau chìm khuất giữa nhân gian. Hai nhân vật có tính cách tương phản nhưng chính yếu tố đó lại gắn kết họ lại với nhau như một sự bổ quyết hợp lý.
Thế nhưng hai người không nảy sinh tình cảm là tốt nhất rồi, vì nếu có thì chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến bi kịch kinh hoàng cho kẻ yếu thế.
Độc ác nhất
Trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, nhân vật Thành Côn hoặc Thành Khôn trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký được đánh giá là kẻ mưu mô độc ác và nham hiểm nhất. Nhân vật này đã gây ra nhiều tội ác khiến độc giả căm ghét, hắn xuất hiện dưới vò bọc là nhà sư từ bi và đức độ với pháp hiệu Viên Chân. Nhưng đằng sau vẻ ngoài tưởng chừng lương thiện của Thành Côn lại là một con người nham hiểm, mưu mô độc ác và hạ thủ không chút lưu tình.
Mang cho người khát khao trở thành hoàng đế cũng như bậc võ lâm chí tôn, Thành Côn đã gây ra nhiều sóng gió giữa các môn phái, trong số này có việc gieo tướng xấu cho Minh Giáo, quyết diệt bằng được Dương Đỉnh Thiên. Suốt 30 năm, một tay Thành Côn đã gây ra biết bao thảm cảnh máu chảy đầu rơi, thương sinh khó mà tha thứ nổi.
Và đó là một một vài cái tên “nhất của nhất” trong một vài hạng mục kỳ lạ mà minh chủ võ lâm Kim Dung đã sáng tạo nên. Giờ đây, ngay cả khi ông đã đi xa, hậu thế vẫn sẽ nhớ về ông, vẫn sẽ mong ngóng những Đoàn Dự, Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá trên màn ảnh nhỏ và những trang chuyện nhuốm màu thời gian xưa cũ cũng như tranh cãi về những đệ nhất thiên hạ trong thế giới phong phú mà ông đã xây dựng. Danh sách này cũng thế, sẽ có người đồng tình sẽ có người phản đối. Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần bình luận nhé.