Brandon Dalaly, một chuyên gia công nghệ đã chọn cách cấy chip NFC vào cánh tay để thay cho chìa khóa mở xe ô tô.
Brandon Dalaly, một chuyên gia công nghệ đang ở trong nhóm gồm có 100 thành viên thử nghiệm các ứng dụng của con chip, gần đây đã đưa ra quyết định cấy chip vào dưới cánh tay để thay cho chìa khóa xe ô tô. Chip mà Dalaly sử dụng có tên VivoKey Apex, dùng công nghệ giao tiếp trường gần NFC. Để đưa vào cơ thể, chip sẽ được bao phủ trong một chất tương thích sinh học để tránh gây ra tác dụng không mong muốn. Toàn bộ quá trình cấy khoảng 30 phút với chi phí 400 USD, được thực hiện bởi một thợ xỏ khuyên chuyên nghiệp.
Sau khi cấy, Dalaly có thể dùng bàn tay cấy chip để mở cửa xe Tesla, thực hiện các chức năng bên trong xe, cũng như sử dụng dịch vụ Apple Pay.
VivoKey Apex không phải là chip đầu tiên Dalaly cấy vào cơ thể. Ông cho biết đã cấy một chip khác nhỏ hơn vào tay trái, chủ yếu lưu trữ thông tin định danh như số liên lạc, địa chỉ, dữ liệu y tế và chìa khóa nhà. “Mục đích của tôi là mở cửa nhà bằng tay trái và mở xe bằng tay phải”, Dalaly nói với Teslarati.
VivoKey Apex do công ty VivoKey tại Seattle phát triển. Chip này chạy chương trình phần mềm Java Card, nhưng chưa tích hợp nhiều ứng dụng. “Mục tiêu của chúng tôi là kết hợp phần mềm với cửa hàng ứng dụng riêng, nơi mọi người có thể cài đặt ứng dụng vào cơ thể”, đại diện VivoKey nói.
Brandon Dalaly cũng không phải nguồi đầu tiên thử nghiệm việc sử dụng 1 con chip cấy dưới da. Năm 2015, tại Thụy Điển đã có tới 3.000 người tình nguyện cấy chip siêu nhỏ vào trong cơ thể để thử nghiệm lối sống mới, con chip thay thế cho chìa khóa, thẻ tín dụng, vé tàu xe,…
Cấy chip có phải là tương lai?
Nhiều người tỏ ra hứng thu với ý tưởng cấy chip dưới da. Trong khảo sát được tiến hành với hơn 4.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh năm 2021, các nhà nghiên cứu ghi nhận hơn 51% người được hỏi đang xem xét cấy chip.

Ý tưởng này đã bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1990. Lần cấy chip RFID đầu tiên được tiến hành năm 1998 bởi nhà khoa học Kevin Warwich. Từ đó, hàng nghìn người trên khắp thế giới đã cấy chip vào cơ thể.
Các bộ vi xử lý có nhiều lợi ích và đem đến các yếu tố tiện dụng không có trong những phương thức khác. Chip cho phép người dùng không cần mang theo điện thoại, hộ chiếu, chứng minh thư, giấy phép lái xe và nhiều loại giấy tờ thiết yếu khác. Chúng không có hạn sử dụng, không gây đau đớn khi cấy và khó có thể phát hiện trên da.
Có nhiều ý kiến cho rằng chip dưới da sẽ trở thành một trong những tiêu chuẩn phổ biến trong tương lai, giúp đơn giản hóa nhiều mặt trong cuộc sống. Chúng không được kết nối Internet và không chứa pin, cũng không thu phát dữ liệu trừ khi nằm ngay cạnh những đầu đọc có khả năng giải mã tín hiệu.
Các vi xử lý mang đến nhiều tiện ích, nhưng cũng phải đối mặt với sự ngờ vực và lo ngại về bảo mật dữ liệu và nguy cơ theo dõi người sử dụng. Tuy vậy, một số người tin cấy chip sẽ là một phần mở rộng của Internet vạn vật, cho phép các thiết bị chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau và khả năng cao sẽ trở thành điều bình thường trong những năm tới.
Bình luận