Trong những dịp lễ, tết của người Tày, bánh trứng kiến là một món ăn không thể thiếu. Mỗi năm, người Tày thường làm bánh vào tháng 3 và tháng 4 âm lịch vì nguyên liệu chính là trứng kiến đen chỉ có vào mùa này.

Cách lấy trứng kiến
Bánh trứng kiến theo tiếng Tày được gọi là ” pẻng rày”, được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá vả. Không phải loại trứng kiến nào cũng có thể lấy ăn được, mà bà con dân tộc Tày chỉ chọn trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loại kiến này thường làm tổ trên cây vầu, cây găng, xoan và xau xau,.. Tổ chúng có màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây nục, kết chặt vào cành cây. Mỗi tổ kiến to có thể lấy được ba chén trứng. Lấy trứng kiến đen phải chọn ngày nắng, khô ráo để trứng không bị dính bùn đất, kiến không bị bết vào trứng. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh.

Cách chế biến
Điều đặc biệt là người Tày không sử dụng lá chuối hay lá dong, mà dùng lá vả không quá non hay quá già để gói bánh. Nếu lá non thì khó bóc, còn lá già thì bánh bị cứng và không đủ thơm.
Phần bánh được làm từ gạo nếp, sau khi ngâm gạo khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ thì vớt ra để ráo nước rồi dùng cối đá xay gạo cho thật nhuyễn. Sau đó người ta rang trứng kiến với hành và lá hẹ thái nhỏ để làm nhân bánh, việc này cũng phải hết sức khéo léo vì nếu quá lửa trứng sẽ cháy. Tuy nhiên, trứng kiến ngày càng hạn chế nên bà con đã cho thêm thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác tạo vị mặn cho bánh.

Sau khi đã sơ chế xong các nguyên liệu, lấy bột nếp nương đã nhào mềm cán mỏng, cho nhân vào giữa và vo lại thành từng viên tròn. Bánh sau đó cho vào lớp lá vả gói rồi đem đi hấp cách thủy trong 60 phút. Mỗi chiếc bánh trứng kiến cần gói 2-3 lớp lá. Lớp trong cùng là lá non mềm, ăn có vị bùi, không chát, lớp ngoài là lá già hơn để có thể giữ bánh chắc chắn và cố định hình dạng bánh khi hấp, không bị vỡ.

Bánh chín có màu hơi ngả vàng, khi ăn chỉ cần bóc lớp lá già bên ngoài, giữ lớp lá non bên trong, cắn một miếng có đủ lá vả, vỏ bánh và nhân trứng kiến. Bánh ngon nhất khi ăn nóng, mùi thơm của lá vả và nếp nương hòa quyện thơm dịu, kèm theo vị bùi của lá, mềm dẻo của nếp nương, béo ngậy của trứng kiến. Tuy nhiên, những người có tiền sử dị ứng với các món ăn có côn trùng nên chú ý, không nên thử món bánh này. Nếu chưa từng thử qua, hãy cắn trước một miếng bánh nhỏ, để xem có bị dị ứng không.

Bánh trứng kiến thường được làm trong những dịp lễ Tết, đặc biệt làm vào dịp Tết thanh minh mùng 3 tháng 3 âm lịch, dùng để cúng tổ tiên trước khi đi tảo mộ. Món bánh trứng kiến trở thành món ăn truyền thống hấp dẫn, là niềm tự hào của người Tày.
Bình luận