Loạn Tam Phiên là một giai đoạn đầu thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Người đứng ra dẹp loạn Tam Phiên chính là Hoàng đế Khang Hi. Giai đoạn này diễn ra từ năm 1673 đến năm 1681, và “Tam” ở đây có nghĩa là ba, tức ba phiên vương phía Nam Trung Quốc do Ngô Tam Quế cầm đầu, nổi dậy chống lại vương triều nhà Thanh vào cuối thế kỷ XVII.
Ngô Tam Quế là một nhân vật rất nổi tiếng vì những sự thay đổi và xoay chuyển tình thế của ông đối với nhà Thanh.

Bối cảnh của Loạn Tam Phiên
Sau khi quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, do binh lực Bát kỳ không đủ để đối phó với nghĩa quân của Lý Tự Thành và tàn quân nhà Minh, triều đình Thanh ngoài việc sử dụng quân Mãn còn phải dựa vào lực lượng Hán — đó là các hàng tướng, hàng quan từ triều Minh cũ. Để bảo vệ kinh đô và giữ các thành trì quan trọng, nhà Thanh điều động quân Bát kỳ lên phía Bắc, còn ở phía Nam thì tạm thời giao cho Ngô Tam Quế và một số tướng lĩnh khác trấn giữ.
Đến thời Khang Hi, lãnh thổ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn được thống nhất. Một nguy cơ lớn còn tồn tại từ cuối đời Minh là Tam Phiên.
Ba phiên này do ba tướng từng là hàng tướng của nhà Minh phục vụ nhà Thanh quản lý:
-
Bình Tây Vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam
-
Bình Nam Vương Thượng Khả Hỉ ở Quảng Đông
-
Tĩnh Nam Vương Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến
Ba thế lực này được gọi chung là Tam Phiên, trong đó mạnh nhất là Ngô Tam Quế. Sự tồn tại của các lãnh địa nửa tự trị này rõ ràng là mối nguy cho sự thống nhất của nhà Thanh, nên Khang Hi quyết định dẹp bỏ.
Trong ba người, Ngô Tam Quế là người có lực lượng mạnh nhất. Sau khi được phong phiên vương, ông trở nên ngạo mạn, không chỉ nắm binh quyền mà còn kiểm soát tài chính, tự bổ nhiệm quan lại, không coi triều đình ra gì — chẳng khác nào một vương quốc riêng.
Trước đây, Ngô Tam Quế từng là thuộc cấp của Viên Sùng Hoán. Sau khi Viên bị vua Minh là Sùng Trinh giết chết, Ngô dần được trao quyền giữ Sơn Hải Quan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), một cửa ải cực kỳ quan trọng của Vạn Lý Trường Thành.
Vào cuối đời Minh, Sơn Hải Quan là nơi tranh chấp giữa quân Hậu Kim (Mãn Thanh), Mông Cổ và quân Minh. Trong thời gian này, các nhóm khởi nghĩa chống Minh ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là Lý Tự Thành. Sau nhiều chiến thắng, Lý lên ngôi hoàng đế ở Tây An (Thiểm Tây) rồi đánh chiếm Bắc Kinh năm 1644.
Khi đó, Ngô Tam Quế chỉ huy 10 vạn quân tại Sơn Hải Quan. Nhiệm vụ chính của ông là ngăn quân Thanh, nhưng khi nghe Bắc Kinh thất thủ, vua Minh đã chết, ông lại nghe lời dụ hàng từ Lý Tự Thành, nên có ý định quy hàng.
Tuy nhiên, khi hay tin ái thiếp Trần Viên Viên bị Lý chiếm đoạt, cha ông cũng bị giết, Ngô đổi ý và xin liên minh với quân Mãn do Đa Nhĩ Cổn chỉ huy. Sau đó, Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải Quan cho quân Thanh tràn vào, liên quân Mãn – Hán đánh bại Lý Tự Thành.
Sau khi nhà Minh ở Bắc Kinh sụp đổ, các quan lại ở Nam Kinh tôn Phúc Vương lên làm vua, lập nên nhà Nam Minh. Tuy nhiên, trước sức ép của quân Thanh, vị vua cuối cùng của Nam Minh là Chu Giao Lang phải chạy sang Miến Điện.
Ngô Tam Quế mang quân truy kích, buộc Miến Điện giao nộp Chu Giao Lang, rồi đưa về Côn Minh (Vân Nam) xử tử. Nam Minh chính thức diệt vong năm 1661.
Như vậy, Ngô Tam Quế từ tướng nhà Minh đã suýt hàng Lý Tự Thành, sau đó hàng nhà Thanh và chính ông cũng là người tiêu diệt nhà Nam Minh. Với nhà Minh, Ngô Tam Quế là kẻ đại tội.
Khang Hi dẹp Loạn Tam Phiên
Để thống nhất Trung Quốc, Khang Hi xác định Tam Phiên là trở ngại lớn. Gặp dịp Thượng Khả Hỉ vì tuổi già muốn về quê ở Liêu Đông, dâng sớ xin cho con là Thượng Chi Tín kế thừa tước vị. Khang Hi cho phép ông về hưu nhưng từ chối phong con ông làm phiên vương.
Việc này khiến Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung (cháu của Cảnh Trọng Minh) nghi ngờ. Cả hai giả vờ xin từ bỏ tước vị, gửi tấu chương về triều. Khang Hi triệu các đại thần bàn bạc. Nhiều người cho rằng Ngô Tam Quế không thật lòng, nếu chấp thuận, chắc chắn sẽ gây loạn.
Khang Hi quyết đoán nói:
“Ngô Tam Quế đã có dã tâm từ lâu. Giải chức thì sẽ làm phản. Không bằng ra tay trước!”
Ông hạ chiếu chấp thuận cho Ngô Tam Quế từ chức. Vừa nghe tin, Ngô nổi giận, tự cho mình là “khai quốc công thần” mà bị hoàng đế trẻ tước quyền. Thế là năm 1673, Ngô Tam Quế khởi binh ở Vân Nam.
Để hợp thức hóa việc nổi loạn, ông cởi bỏ quan phục nhà Thanh, mặc lại giáp phục triều Minh, đến trước mộ Vĩnh Lịch Đế, khóc lóc thề “báo thù phục quốc”. Nhưng ai cũng biết Ngô là người đã rước quân Thanh vào Sơn Hải Quan, và chính tay tiêu diệt hoàng đế cuối cùng của Nam Minh.
Lá cờ “phục Minh” chỉ là cái cớ. Nhưng thế lực Ngô rất mạnh. Quân nổi loạn liên tiếp thắng trận, đánh đến tận Hồ Nam. Ngô Tam Quế còn gửi thư liên lạc Thượng Chi Tín (Quảng Đông) và Cảnh Tinh Trung (Phúc Kiến), rủ họ cùng nổi loạn.
Hai người này cũng hưởng ứng. Lịch sử gọi chung biến cố này là Loạn Tam Phiên. Ba phiên vương cùng nổi dậy, chiếm phần lớn miền Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, Khang Hi không hề run sợ. Ông điều binh, cử tướng giỏi đánh dẹp. Đồng thời đình chỉ việc giải chức của hai phiên còn lại. Thấy thế yếu, hai phiên vương kia xin đầu hàng.
Ngô Tam Quế lúc đầu thắng thế, nhưng khi quân Thanh kéo đến đông đảo, chiến sự kéo dài, lực lượng Ngô dần suy yếu và cô lập.
Năm 1678, sau 6 năm khởi binh, Ngô Tam Quế lúc này đã 67 tuổi, vẫn tự xưng đế tại Hằng Châu, lập quốc hiệu Đại Chu, niên hiệu Chiêu Võ, phong tướng, phong hầu — nhưng đó là biểu hiện của sự tuyệt vọng.
Không lâu sau, vì lo nghĩ nhiều mà sinh bệnh, làm vua chưa đến nửa năm thì qua đời.
Sau khi Ngô chết, lực lượng nổi loạn sụp đổ. Đô đốc thủy sư của ông là Lâm Hưng Châu đầu hàng quân Thanh, hiến kế đánh dẹp những tàn dư còn lại.
Các chiến dịch này chủ yếu dựa vào tướng lĩnh người Hán. Mùa đông năm Khang Hi thứ 20 (1681), cháu Ngô Tam Quế là Ngô Thế Phiên tự sát khi quân Thanh tiến vào.
Loạn Tam Phiên ảnh hưởng đến hơn mười mấy tỉnh, kéo dài suốt tám năm trời, cuối cùng bị dập tắt. Qua đó, triều đình nhà Thanh mới thực sự hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc trong quan ải và ổn định toàn cõi.