Nhắc tới các môn nội công tối cao trong thiên hạ, chúng ta có thể kể tới như Bắc Minh Thần Công, Dịch Cân Kinh, Cửu Âm Chân Kinh, đây đều là những bí kíp võ công đưa các nhân vật trở thành cao thủ võ lâm. Nhưng nếu nói về mức độ uy lực và khả năng hộ thể thì không thể không nhắc tới Cửu Dương Chân Kinh, hay còn được gọi là Cửu Dương Thần Công, một môn thần công hộ thể có thể sánh ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự.
Là thần công sinh sau đẻ muộn hơn so với các thần công từng làm mưa làm gió trong quá khứ, nhưng Cửu Dương Thần Công lại luôn giúp các thế hệ sau hậu sinh khả úy, phát huy thực lực của môn thần công này tốt hơn nhiều so với những môn nội công trong quá khứ. Vậy thì Cửu Dương Thần Công có nguồn gốc từ đâu? Năng lực của môn thần công này được phát huy ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Nguồn gốc của Cửu Dương Chân Kinh
Trong bản viết tay đầu tiên của Kim Dung, Cửu Dương Chân Kinh được ghi lại bên mép của cuốn Lăng Già Kinh được Giác Viễn đại sư, một người trông coi Tàng kinh các của Thiếu Lâm Tự phát hiện ra. Lăng Già Kinh là một quyển kinh Phật được viết bằng chữ Phạn của Đạt Ma Sư Tổ nên Giác Viễn cũng cho rằng Cửu Dương Chân Kinh là của Đạt Ma Sư Tổ để lại.
Trong bản sửa đổi mới nhất của Kim Dung, trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì tác giả có nêu nguồn gốc của Cửu Dương Chân Kinh rằng: “Trương Vô Kỵ đem bốn quyển kinh thư từ đầu đến cuối đọc lại một lần, đọc xong quyển cuối cùng chàng thấy tác giả chân kinh tự thuật lại quá trình viết chân kinh. Y không nói tính danh, xuất thân, chỉ nói chính y không biết theo nho theo đạo hay theo tăng. Một hôm ở Tung Sơn đấu rượu thắng tổ sư phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, được mượn đọc Cửu Âm Chân Kinh, mặc dù bội phục võ công tinh diệu trong kinh thư nhưng một mặt tôn sùng Lão Tử học, lại xem kinh thư chỉ thiên về lấy nhu thắng cương, lấy âm thắng dương, không bằng âm dương hòa hợp, vì thế ở bên lề bốn cuốn kinh Lăng Già lấy chữ Hán viết nên bộ Cửu Dương Chân Kinh do chính mình sáng chế, cảm thấy so với Cửu Âm Chân Kinh thuần âm thì có âm dương điều hòa, cương nhu trung hòa, hỗ trợ nhau. Trương Vô Kỵ bội phục sát đất đạo lí võ học không thiên lệch, nghĩ thầm bộ kinh này phải gọi là Âm Dương Hỗ Tế Kinh, nếu chỉ gọi là Cửu Dương Chân Kinh thì vẫn không khỏi thiên lệch.”
Sự xuất hiện của Cửu Dương Chân Kinh
Cửu Dương Chân Kinh lần đầu được nhắc đến khi Giác Viễn đại sư truy đuổi Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử đến Hoa Sơn ở phần cuối của Thần Điêu Hiệp Lữ. Đây là hai kẻ đã tới Thiếu Lâm Tự và ăn trộm bộ sách này nên Giác Viễn đuổi theo để lấy kinh thư về. Tuy nhiên hai người này đã khéo léo giấu được bộ sách trong bụng của một con vượn trắng, nên mặc dù giác viễn được Quách Tương và Trương Quân Bảo hỗ trợ tìm kiếm nhưng vẫn không thể tìm được thấy và buộc phải quay về chịu tội.
Về sau, Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử tử bỏ trốn đến núi Côn Luân thì đánh nhau để tranh giành bộ kinh thư tới mức cả hai kiệt sức mà chết, lúc hấp hối họ có nhờ “Côn Luân Tam Thánh” Hà Túc Đạo chuyển lời tới Giác Viễn rằng “Sách để trong hầu” (“hầu” ở đây chỉ con khỉ già). Nhưng do đuối sức nói không tròn vành rõ chữ, cộng thêm việc thanh niên Hà Túc Đạo là người Tây vực không hiểu tiếng Hán nên nghe nhầm là “Sách để trong dầu”. Nên khi Hà Túc Đạo chuyển lời tới Giác Viễn thì cũng chịu chết, coi như là thất truyền.
Gần 100 năm sau, khi Trương Vô Kỵ bị kẻ thù truy đuổi trên núi Côn Luân đã vô tình lạc vào trong một thung lũng, chính là nơi con khỉ già có kinh thư năm xưa cư trú. Trương Vô Kỵ đã mổ bụng đưa dị vật ra ngoài để cứu lấy con vượn này nên đã vô tình học được toàn bộ nội công của Cửu Dương Chân Kinh có trong bộ sách. Cũng nhờ đó mà hóa giải được thành thành công hàn độc trong người bảo toàn được mạng sống.
Sau khi rời khỏi thung lũng, Trương Vô Kỵ đã chôn bộ kinh thư này trong hẻm núi gần đó và kể từ đây cũng không còn ai nhắc tới hoặc là nghe thấy về tung tích của bộ sách này nữa cả.
Đặc điểm của Cửu Dương Chân Kinh
Nếu như Cửu Âm Chân Kinh mang màu sắc của Đạo gia và chú trọng tới Âm nhu, là bí kíp hướng dẫn cách tu luyện cả nội công và chiêu thức võ học thắng địch, thì Cửu Dương Chân Kinh lại chỉ thuần về tu luyện nội lực.
Theo như mô tả của Kim Dung trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì khi luyện thành Cửu Dương Chân Kinh, trong người sẽ có được một nguồn nội lực hùng hậu thuộc vào hàng bật nhất mà khó có một môn nội công tâm pháp nào có thể luyện một phát mà vượt được qua ngày. Cửu Dương Thần Công được xem là môn nội công chí dương trong thiên hạ, mang tính dương, nội lực sinh ra gần như là liên miên bất tuyệt, có thể hóa giải được những nguồn nội lực mang tính âm hàn như Huyền Minh Thần Chưởng hay là Huyễn Âm Chỉ, đồng thời nó cũng phản kích lại tỉ lệ thuận với độ mạnh của lực tấn công từ bên ngoài.
Cửu Dương Chân Kinh cũng có thể giúp cho người luyện hoán gân triển cốt, cơ thể bách độc bất xâm. Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành Cửu Dương Chân Kinh đã có thể đầy được toàn bộ hàn độc của Huyền Minh Thần Chưởng ra ngoài, điều mà trên thế gian gần như không còn cách nào khác có thể cứu vãn được. Cũng nhờ nội lực thâm hậu này, Trương Vô Kỵ đã có thể đỡ được ba chưởng của Diệt Tuyệt Sư Thái mà không tổn hao gì, còn có thể bổ trợ học Càn Khôn Đại Na Di một cách vượt bực thần tốc không tưởng.
Cửu Dương Chân Kinh cũng bổ trợ cho Trương Vô Kỵ học được thần tốc thêm nhiều tuyệt kỹ thượng thừa khác, ngộ ra nhiều đạo lý thâm sâu trong võ học, trở thành một cao thủ có võ công và nội lực tuyệt đỉnh hàng đầu từ rất sớm.
Những người luyện Cửu Dương Chân Kinh
Cửu Dương Chân Kinh khá kén người luyện không phải vì nó khó học mà là khó tiếp cận, gần như phải có cơ duyên mới có thể chạm được vào và trở thành kỳ tài. Không như Cửu Âm Chân Kinh làm loạn thiên hạ tới mấy trăm năm khi là mục tiêu của nhiều kẻ xấu. Người đọc được nguyên vẹn toàn bộ nguyên bản của cuốn kinh thư này chỉ có Giác Viễn đại sư và Trương Vô Kỵ.
Giác Viễn đại sư đơn giản là một người đam mê đọc sách. Ông là người trông Tàng kinh các nên đã đọc hết sách tại đó và vô tình đọc cả Lăng Già Kinh lẫn Cửu Dương Thần Công được ghi trên đó. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đại sư cũng đã rèn luyện được Cửu Dương Chân Kinh và có cho mình nội công hùng hậu mà không hề hay biết điều này.
Do nhiều biến cố mà Giác Viễn đại sư đã gặp nạn, trước khi mất đã đọc lại toàn bộ Cửu Dương Chân Kinh lúc đó có ba người được nghe đó là Quách Tương, Trương Quân Bảo hay về sau còn được gọi là Trương Tam Phong, người còn lại là Vô Sắc đại sư của Thiếu Lâm Tự. Với ba người thì mỗi người lại ghi nhớ một phần của bộ kinh này, khi đó thì ngộ tính võ công và hiểu biết của ba người họ là hoàn toàn khác nhau nên hình thành nên các biến thể nội công khác nhau của Cửu Dương Thần Công từ đây.
Tại thời điểm đó, võ công của Vô Sắc đại sư là cao nhất, Quách Tương là con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung nên sở học cũng là rộng nhất, với Trương Quân Bảo khi đó chưa bộc lộ căn cơ gì nhưng lại là người hiểu biết được nhiều nhất vì theo Giác Viễn đại sư từ nhỏ. Cả ba người họ đều dựa theo những gì lãnh ngộ được mà sáng tạo ra những nội công riêng cho mình, về sau thì đây cũng chính là nội công bản môn của ba môn phái hàng đầu này.
Trương Quân Bảo đổi tên thành Trương Tam Phong luyện võ công có được nhiều thành tựu và lập ra phái Võ Đang. Quách Tương cũng lập ra phái Nga Mi. Cả hai phái này đều có nội công tâm pháp tên là Cửu Dương Công, nhưng nó lại khác nhau chính ở phần lĩnh ngộ của Trương Tam Phong và Quách Tương.
Cửu Dương Công của phái Võ Đang được nhận định một chữ cao. Cửu Dương Công của phái Nga Mi được nhận định một chữ bác. Còn của phái Thiếu Lâm là một chữ thuần. Cả ba phái đều mang nội công lãnh ngộ của Cửu Dương Thần Công thì đều có những điểm mạnh riêng.
Trọng tâm cốt lỗi của Cửu Dương Thần Công chính là nắm bắt được hơi thở, khí là một trong những thứ hiếm hoi chạy khắp cơ thể mà có thể điều khiển được bằng ý thức. Tâm thức ở trong trạng thái nào thì sẽ ảnh hưởng tới hơi thở rồi mới lan sang các cơ quan khác.
Cửu Dương Chân Kinh chứ không phải là Âm Dương Hỗ Tế là vì nó ám chỉ tới đóng mở chín mạch dương giữ chặt nguyên khí và nó được chép vào bên lề của Lăng Già Kinh là để ngầm khẳng định rằng chân khí của hơi thở mới là con đường đi tới đỉnh cao. Hơi thở chính là sự sống một điều cốt lõi và sẵn có ngay trong cơ thể không cần phải tìm kiếm mong cầu những thứ xa xôi, mà chỉ cần tận dụng chính những thứ có sẵn trong cơ thể và cùng với tâm thức đủ vững vàng sẽ khiến cho người luyện trở nên mạnh mẽ hơn.
Cửu Dương Thần Công tuy có nền tảng là nội công Đạo gia nhưng lại tiến bộ rất nhanh, âm dương điều hòa. Tuy nhiên, để luyện được nó đại thành thì cũng phải nhờ tới cốt cách của người luyện. Nó cần có sự an nhiên không cầu được thì mới luyện tới đỉnh cao, như Giác Viễn đại sư cũng phải mất tới 20 năm để luyện thành. Trong khi đó, Trương Vô Kỵ chỉ mất có 5 năm để đạt tới tiểu thành nhờ vào tâm thế luyện được thì tốt không được thì thôi, điều mà chúng ta cũng đã thấy Vô Kỵ áp dụng vào trong Càn Khôn Đại Na Di.
Thế nên người thể hiện rõ nhất sức mạnh nguyên bản của nội công Cửu Dương thì chỉ có Trương Vô Kỵ. Nó không chỉ giúp Vô Kỵ có được công lực mạnh mẽ hàng đầu mà còn rèn luyện thêm cả tu tính cho Vô Kỵ, giúp hiểu được đạo lý của võ học thâm sâu. Đạo lý này chính là cách Trương Vô Kỵ áp dụng trong những hoàn cảnh khó khăn từ đối mặt với kẻ địch hung mãnh hay là với một bí kíp võ công khó học, thì nó đều giúp cho Trương Vô Kỵ dễ dàng vượt qua.
Khẩu quyết của Cửu Dương Chân Kinh
Trong lần chạm mặt với Diệt Tuyệt Sư Thái chưởng môn của phái Nga Mi, mang trong mình nội lực của Cửu Dương Công mạnh mẽ cùng với tính cách có phần hung dữ, khi đó Vô Kỵ đã nhớ tới một câu trong Cửu Dương Chân Kinh có nói rằng:
Tha cường do tha cường, (Dẫu cho người có hung hăng)
Thanh phong phất sơn cương. (Chẳng qua gió mát thổi ngang núi này.)
Tha hoành nhiệm tha hoành, (Dẫu cho người có ngang tàng)
Minh nguyệt chiếu đại giang. (Khác gì trăng sáng giãi tràn sông sâu).
Từ đó, Trương Vô Kỵ đã hiểu ra ý nghĩa thâm sâu của nó, rằng Diệt Tuyệt Sư Thái có hung hăng tàn ác tới đâu thì mình cũng không mang một ý niệm chống cự lại. Tức là dù kẻ địch có mạnh mẽ tới đâu thì cũng chỉ như gió mát thổi qua núi, trăng sáng chiếu trên sông, dẫu có chạm vào thân thể ta thì cũng không thể nào làm tổn thương ta được.
Và cách giải quyết vấn đề không làm tổn thương tới thân thể sẽ ở ngay những câu bên dưới:
Tha tự ngận lai tha tự ác, (Người dù hung ác tới đâu)
Ngã tự nhất khẩu chân khí túc. (Cốt sao chân khí ta sâu đủ rồi)
Thế nên mới có đoạn Trương Vô Kỵ ngồi xuống xếp bằng theo đúng kinh thư mà điều hòa hơi thở. Từ đan điền khí nóng ngùn ngụt bốc lên dồn dập tuôn tràn, chỉ trong khoảnh khắc đã chảy đến khắp toàn thân tới từng đốt xương. Uy lực của Cửu Dương Thần Công khi này mới hiện rõ, ngoại thương của Vô Kỵ thì nặng tới hộc máu, nhưng nội lực chân khí không tiêu hào nhiều lắm.
Tuy nhiên để luyện tới đại thành, nhận được tới cảnh giới nội công dồi ra vô tận thì cũng phải kể tới cơ may của Vô Kỵ khi đã bị nhốt trong túi Càn Khôn Nhất Khí của Thuyết Bất Đắc. Lúc bị trúng một chiêu Huyễn Âm Chỉ của Thành Côn cộng với áp suất lớn từ các loại nội lực xung kích đã khai thông kinh mạch cho Vô Kỵ khiến nội công Cửu Dương luân chuyển không trở ngại đạt tới cảnh giới thượng thừa.
Nếu so sánh xem Cửu Dương Thần Công với Bắc Minh Thần Công, Cửu Âm Chân Kinh và Dịch Cân Kinh đâu sẽ là thần công mạnh nhất thì rất khó để so sánh. Chúng ta chỉ có thể dựa vào những người đã dùng tới nó thì mình sẽ đánh giá Dịch Cân Kinh và Cửu Dương Thần Công sẽ là tương đương nhau về mức độ ổn định nhất, giúp khai phá những tầm cao mới về giới hạn con người. Bắc Minh Thần Công cũng cực kỳ mạnh mẽ nhưng vào tay Đoàn Dự và Hư Trúc là các bạn thấy nó đi đâu rồi đấy.
Và theo như bản chỉnh sửa mới nhất của Kim Dung thì Cửu Dương Chân Kinh gần như là bản thuần nội công, đã khắc phục điểm yếu của Cửu Âm Chân Kinh nên rõ ràng nó sẽ mạnh hơn bí kíp võ công này về phần tâm pháp. Các môn nội công tâm pháp thường sẽ có một nhược điểm đó có hai tốc độ để đạt tới một là luyện nhanh đoạn đầu chậm dần về sau như nội công của Bạch Đà, loại thứ hai là luyện lâu đoạn đầu nhưng lại đạt tới thành tựu lớn sau một thời gian dài như Càn Khôn Đại Na Di hay là Toàn Chân Tâm Pháp
Nhưng với Cửu Dương Thần Công thì ta sẽ thấy không có nhược điểm này, nó vừa luyện được nhanh ở giai đoạn đầu và càng về lâu dài thì vẫn càng mạnh. Thế nên xét về các điểm thì rõ ràng Cửu Dương Chân Kinh chính là môn nội công tâm pháp hoàn hảo nhất để tu luyện.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về Cửu Dương Thần Công, các bạn thấy bí kíp võ công này thế nào? Có đáng để sở hữu hành tẩu giang hồ không? Hãy để lại ý kiến dưới phần comment nhé.
Comments 1