Một cục đá trong tay cao thủ cũng trở thành vũ khí chết người. Đó là câu nói kinh điển nhất để nói về việc khi bạn trở thành cao thủ thì dù có sử dụng vũ khí gì võ công gì nó cũng đều trở nên nguy hiểm.Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi nếu 2 cao thủ cùng chiến đấu với nhau, một người sở hữu bí kíp võ công thượng thừa một người không thì ai sẽ thắng.
Tất nhiên không có gì là 100% nhưng chắc chắn người sở hữu những loại võ công cực mạnh sẽ có lợi thế hơn. Và chính Kim Dung có lẽ cũng ngầm xác nhận điều này, khi mọi cao thủ võ lâm trong truyện của ông đều sở hữu ít nhất một loại võ công danh bất hư truyền, được cả giới võ lâm tìm kiếm.
Giáng Long Thập Bát Chưởng
Cái Bang vốn dĩ là một bang phái có thật ngoài đời và cũng sở hữu lực lượng đồng đảo nhất, bởi thế rõ ràng bang chủ của họ phải sở hữu một thứ võ công mà có thể áp đảo quần hùng, giành lợi thế cho bang phái của mình, và đó chính là Giáng Long Thập Bát Chưởng, môn võ công này còn được gọi là Hàng Long Thập Bát Chưởng.
Đây là môn võ trấn phái của Cái Bang, cũng là một trong những môn võ công tuyệt đỉnh nhất của kiếm hiệp Kim Dung, xuất hiện trong hầu hết tác phẩm như Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu Tam Khúc truyện và có tổng cộng 18 chiêu thức, môn võ chí dương này chỉ phù hợp với nam giới mà phải là người chính trực, kiêu dũng.
Theo tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, chỉ có ba người sử dụng được Hàng Long Thập Bát Chưởng là Hồng Thất Công, Quách Tĩnh và Tiêu Phong. Chỉ bằng 3 chiêu Hàng Long Thập Bát Chưởng, Kiều Phong đã đẩy lùi cùng một lúc ba đại cao thủ đương thời là Tinh Túc lão quái, Cô Tô Mộ Dung Phục và Du Thản Chi. Cũng Tiêu Phong, người có thể sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng tung hoành giữa thiên binh vạn mã nước Đại Liêu, bắt sống vua Liêu là Gia Luật Hồng Cơ trong một lần ông này đi săn. Trong trận chiến tại Thiếu Lâm Tự, Kiều Phong đã giải cứu A Tử trong tay Tinh Túc lão quái chỉ trong ba chiêu, điều mà quần hùng trên Thiếu Lâm không ai làm được.
Quách Tĩnh trở thành một trong “Thiên hạ ngũ tuyệt” nhờ Hàng Long Thập Bát Chưởng. Quách Tĩnh học được từ Hồng Thất Công và cũng là một trong hai đệ tử duy nhất của Cửu Chỉ Thần Cái, người còn lại không ai khác chính là Hoàng Dung. Ban đầu Hồng Thất Công cũng không muốn dạy Quách Tĩnh bởi cậu ta là một chàng trai hơi ngu ngơ, trí tuệ không được mẫn tiệp. Chỉ khi Hoàng Dung dùng thức ăn và tài nấu nướng siêu việt của mình cô mới thuyết phục được Hồng Thất Công nhận Quách Tĩnh làm đệ tử.
Sau này, khi chứng kiến khí chất hào hiệp bất phàm của Quách Tĩnh, lại nhân việc chàng cứu đệ tử Cái Bang khỏi tay Âu Dương Khắc, Hồng Thất Công mới truyền nốt ba chiêu còn lại cho Quách Đại Hiệp. Chỉ một chiêu Kháng Long Hữu Hối, Quách Tĩnh đã ngang ngửa với Mai Siêu Phong. Nên nhớ lúc đó Mai Siêu Phong đã là nỗi khiếp sợ của giang hồ với Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Về sau cũng nhờ Hàng Long Thập Bát Chưởng, Quách Tĩnh trở thành một trong “Thiên hạ ngũ tuyệt” thay thế đúng vị trí của Hồng Thất Công khi đã qua đời.
Các chiêu thức tuy khá đơn giản, nhưng lại có sức mạnh vô hạn, uy lực tinh thâm, bản chất là vận công để phát ra lực, chiến thắng bằng sức mạnh, mỗi một chưởng đều có sức mạnh áp đảo sơn hà. Ngưỡng tu luyện không cao cho nên ngay cả những người có tư chất bình thường như Quách Tĩnh cũng có thể luyện thành thục. Nhưng những chiêu thức phía sau đòi hỏi cần có một nội lực đạt đến trình độ nhất định mới có thể học được.
Vì thế trong hơn trăm năm qua, rất ít người có thể tu luyện được đủ 18 chiêu thức, dần dần môn võ này thất truyền cùng với sự suy vị của Cái Bang. Ấn tượng nhất trong thời kỳ này có lẻ là việc Tống Thanh Thư cho tái xuất môn võ công này, sau khi Chu Chỉ Nhược đã lấy ra từ Ỷ Thiên Kiếm đưa cho Tống Thanh Thư tập để đối phó với Trương Vô Kỵ.
Đả Cẩu Bổng Pháp
Cái Bang không chỉ có Hàng Long Thập Bát Chưởng mà còn có cả Đả Cẩu Bổng Pháp, một môn võ mà không được phép truyền thụ ra ngoài, chỉ có bang chủ mới được tiếp nhận. Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, Đả Cẩu Bổng Pháp là một loại côn pháp chí cao, gồm 36 đường đánh rất nhanh nhẹn, linh hoạt, tùy cơ ứng biến. Đả Cẩu Bổng Pháp được thi triển theo đường lối “Tứ lạng bạt thiên cân” (Bốn lạng bạt ngàn cân). Võ công được áp dụng theo 8 chữ khẩu quyết: buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khoá, xoay. “Đả Cẩu” ý không phải là đánh chó mà là đánh kẻ có mùi chó.
Khi thì đánh nhanh ào ạt như sông Hoàng Hà, Trường Giang đang chảy, tuyệt đối không cho kẻ địch có thời gian thở gấp. Một gậy không trúng thì tiếp gậy thứ hai, liên tiếp tới tấp làm cho địch khó lòng mà né hết được.
Khi thì như hình với bóng với địch, mượn lực để chế địch, bất kể là địch dùng binh khí to lớn bao nhiêu. Lúc này gậy trúc sẽ như một sợi dây mây vừa nhỏ vừa chắc chắn quấn chặt vào thân cây đừng hòng chạy thoát khỏi nó.
Khi thì lại có sự tương phản hoặc là dùng để đánh vào yếu huyệt hoặc đánh vào chỗ hiểm của địch, thường di chuyển chạy theo một vòng tròn. Gậy trúc làm thành một vòng ngọc bích màu xanh, đem tất cả bao vây bên trong.
Khi thì sử dụng kỹ xảo và sức mạnh để hóa giải mang lực. Cũng chính Hoàng Dung khi tiếp nhận chức bang chủ, do kẻ xấu xúi giục nên người trong bang không phục. Cô đã dùng chính chiêu này để đánh bại bốn vị trưởng lão, làm bọn họ từ đó đều hết sức thần phục bà.
Môn võ này theo kiến giải của Kim Dung là do sư tổ của Cái Bang sáng tạo nên, được những người bang chủ tiền nhiệm truyền cho bang chủ đời sau và quyết không truyền cho người thứ hai. Đến bang chủ đời thứ ba của Cái Bang, võ công so với sư tổ còn cao siêu hơn, ông ta đã thêm vào những đường đánh của Đả Cẩu Bổng Pháp vô số chiêu pháp kỳ diệu biến hóa.
Tuy nổi tiếng từ lâu, nhưng phải đến đời Hồng Thất Công bang chủ đời thứ 18 của Cái Bang, loại côn pháp này mới thật sự uy chấn giang hồ. Đến đời của Hoàng Dung, con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, Đả Cẩu Bổng Pháp mới được các nhân sĩ biết đến rộng rãi
Một nhân vật nữa cũng sử dụng thành thạo Đả Cẩu Bổng Pháp chính là Dương Quá. Đây cũng là nhân vật duy nhất không phải là bang chủ nhưng vẫn được Hồng Thất Công truyền dạy. Thế nhưng, rõ ràng Dương Quá không quá thành thạo môn võ này và sau này anh ta đã học được cho mình một môn võ công trấn phái khác là Độc Cô Cửu Kiếm.
Độc Cô Cửu Kiếm
Là một bộ bí kíp kiếm thuật tối thượng, xuất hiện trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ và Thần Điêu Đại Hiệp được sáng tạo ra từ nhân vật không xuất hiện mang tên Độc Cô Cầu Bại. Độc Cô Cửu Kiếm được coi là triết lý đặc sắc của đạo gia, đề cao việc sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt. Người luyện kiếm pháp này sẽ trở thành cao thủ kiểm khách, có thể phá giải hết tất cả võ học trong thiên hạ. Luyện đến cảnh giới cuối cùng có thể dùng bất cứ thứ gì làm kiếm đạt tới cảnh giới vô chiêu thắng hữu chiêu.
Trong tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ, theo lời của Phong Thanh Dương thì Độc Cô Cửu Kiếm có 9 nguyên lý chính là: Tổng Quát Thức, Phá Kiếm Thức, Phá Đao Thức, Phá Khí Thức, Phá Chưởng Thức, Phá Tiễn Thức, Phá Thương Thức, Phá Tiên Thức, Phá Sách Thức. Độc Cô Cửu Kiếm của Độc Cô Cầu Bại gần như được Kim Dung mô tả là vô song và không có đối thủ.
Chừng đó cũng đủ nói lên độ bá đạo của môn võ công này, đây gần như là môn võ công duy nhất qua lời văn của Kim Dung là chưa hề bị đánh bại và không có nhược điểm.
Cửu Âm Chân Kinh
Trong kiếm hiệp Kim Dung, Cửu Âm Chân Kinh được miêu tả là bộ tuyệt học võ công từng khiến nhân sĩ võ lâm một thời vấy máu tranh đoạt, cả giang hồ đều điên đảo săn lùng. Xuất hiện trong bộ truyện Anh Hùng Xạ Điêu qua lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông cho Quách Tĩnh nghe, lý do tại sao mình bị Hoàng Dược Sư giam giữ ở Đảo Đào Hoa.
Người viết nên Cửu Âm Chân Kinh là Hoàng Thường, mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm. Thế nhưng, ít ai biết được rằng bộ môn võ công này là có thật trong lịch sử Trung Hoa và Hoàng Thường cũng là một nhân vật có thật. Ông sống vào khoảng năm 1043-1930 và là một viên quan cao cấp ở tỉnh Phúc Kiến. Ông là người ham thích đạo thuật và có học vấn uyên thâm hơn người. Hoàng Thường nhờ vào vai trò là “lễ bộ thượng thư” với trình độ uyên thâm, lại có cơ hội tiếp xúc với nhiều các tướng lĩnh, nhân sĩ võ công cao cường, nên ông đã âm thầm tập hợp các chiêu thức võ công tâm đắc để biên soạn thành một bí kíp vang danh thiên hạ.
Theo một số tài liệu, bí kíp này có 364 chữ, sau đó bị người khác sửa thành hơn 1.000 chữ. Những biến thể như Cửu Âm Bạch Cốt Trảo của Mai Siêu Phong hay Chu Chỉ Nhược luyện thành cũng xuất phát từ nguyên tắc do Hoàng Thường sáng lập nên.
Đến thời Nam Tống, từ bí kíp này Toàn Chân Giáo đã cho ra đời Cửu Dương Thần Công tức Tiên Thiên Trần Khí thuộc loại thần công cương khí của nội công Huyền Môn. Nếu chăm chỉ tập luyện người học võ sẽ có được cơ thể cường tráng đao thương bất nhập.
Sở dĩ Cửu Âm Chân Kinh được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có thật là bởi hệ thống “72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm” cũng có bí kíp giúp luyện được khả năng “kim cương bất hoại“, đó chính là tuyệt kỹ Kim Chung Trạo được xếp thứ ba trong Thiếu Lâm tứ đại thần công.
Theo nhiều nghiên cứu giữa Cửu Âm Chân Kinh và Kim Chung Trạo có thể có mối liên hệ nào đó. Tuy nhiên ngày nay những tuyệt kỹ này đều đã bị thất truyền nên sức mạnh thật sự của chúng lớn đến đâu vẫn còn là một điều bí ẩn. Nói một cách đơn giản thì đây là bí kíp võ công cực kỳ uyên thâm, ẩn chứa nội lực vô tận. Nếu có được Cửu Âm Chân Kinh thì một người bình thường cũng có thể trở thành cao thủ vạn người không địch nổi.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký phu quân của Chu Chỉ Nhược là Tống Thanh Thư chính là một ví dụ. Điều đó cho thấy một phần công lực đáng nể của loại võ công vốn được cho là tà ma ngoại đạo này trên giang hồ. Trong Hoa Sơn Luận Kiếm, hàng trăm người cùng tranh đoạt Cửu Âm Chân Kinh nhưng cuối cùng còn lại năm cái tên bao gồm Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, cuối cùng Vương Trùng Dương là người đã giành chiến thắng
Người đời về sau vì thế mà luôn sếp ông vào danh sách đứng đầu các cao thủ điểm mạnh nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Về sau ông đã giao lại cuốn bí kíp này cho Chu Bá Thông. Chu Bá Thông đem cất giấu cuốn bí kíp này để tránh đại họa cho võ lâm, nhưng ông đã bị vợ của Hoàng Dược Sư đánh lừa. Bà đã học thuộc nội dung rồi viết lại cuốn sách mới để Hoàng Dược Sư luyện.
Thế nhưng chưa kịp luyện được gì thì cuốn sách đã bị Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong lấy trộm. Có lẽ ai ai cũng biết sau đó Mai Siêu Phong đã luyện ra môn võ công âm độc như Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Thế nhưng Mai Siêu Phong cùng Trần Huyền Phong chỉ có được nửa quyển hạ của Cửu Âm Chân Kinh. Tu luyện nhưng không hiểu rõ triết lý võ công của đạo gia, là dùng xua quỹ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh chứ không phải để sát nhân tàn bạo.
Đến thời Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Cửu Âm Chân Kinh được vợ chồng Quách Tĩnh Hoàng Dung giấu trong kiếm Ỷ Thiên, đã bị Chu Chỉ Nhược của phái Nga Mi lấy mất. Cô luyện thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo nhưng Chu Chỉ Nhược luyện sai cách nên cũng đi theo hướng âm độc của Cửu Âm Bạch Cốt Trảo.
Càn Khôn Đại Na Di
Một môn võ công khác cũng mất rất nhiều năm để khổ luyện nhưng chưa chắc đã luyện thành chính là Càn Khôn Đại Na Di. Chính Càn Khôn Đại Na Di đã giúp Trương Vô Kỵ cứu Minh Giáo khỏi kiếp nạn diệt vong uy chấn giang hồ.
Trong các môn võ công từng xuất hiện trong kiếm hiệp Kim Dung có lẽ Càn Khôn Đại Na Di là môn võ đem lại ấn tượng lớn nhất, có sức mạnh ghê gớm nhất. Với bí kíp này, Vô Kỵ đã có thể đánh ngang với ba nhà sư có chữ Khổ, đại diện cho võ công tối cao của Thiếu Lâm.
Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp là bộ võ công thượng thừa của Minh Giáo, là một kỹ thuật vận công cao thâm xuất hiện trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Mượn lực đánh lực, kích thích giới hạn của cơ thể khiến địch thủ lộ sơ hở, tập hợp đạo lý võ thuật đỉnh cao, tích trữ công lực, chuyển đổi hai cực âm dương, chặn chưởng lực, lấy nội công của địch. Có thể chuyển đổi đòn tấn công của địch thủ vào người khác hay chính địch thủ.
Dương Tiêu mới chỉ ở tầng thứ 2 của Càn Khôn Đại Na Di đã đánh ngang với Vi Nhất Tiếu và Ngũ Hộ Pháp. Bí kiếp này có 7 tầng và cực kỳ khó luyện. Người có tư chất thông minh cũng phải mất đến 7 năm mới luyện được tầng 1, còn người bình thường thì phải mất đến 14 năm. Người sáng tạo ra môn võ công này cũng chỉ luyện đến được tầng thứ 6, còn tâm pháp tầng thứ 7 hoàn toàn do ông tưởng tượng ra. Nếu luyện sai, sẽ rất dễ dẫn đến tẩu hỏa nhập ma, đứt kinh mạch mà chết.
Giáo chủ Minh Giáo đời thứ 33 là Dương Đỉnh Thiên đang luyện Càn Khôn Đại Na Di đến tầng thứ 4 thì bị tẩu hỏa nhập ma. Chỉ có Chung giáo chủ đời thứ 8 là luyện được Càn Khôn Đại Na Di đến tầng thứ 5, nhưng ngày hôm sau cũng tẩu hỏa nhập ma mà chết.
Chỉ đến đời thứ 34 là Trương Vô Kỵ, trong lần tình cở đuổi theo Thành Khôn đã tìm ra bí kíp võ học này. Nhờ tinh thông y thuật và nội công thâm hậu đã tu luyện đến tầng thứ 7 chỉ trong một đêm. Sau này, nhờ đoạt được Thánh Hỏa Lệnh, Trương Vô Kỵ đã học được một phần trong tầng thứ 7 của Càn Khôn Đại Na Di. Chính tuyệt kỹ này cùng Cửu Dương Thần Công đã giúp Trương Vô Kỵ uy chấn giang hồ, người người tôn kính.