Minh Giáo một trong những giáo phái có ảnh hưởng lớn tới võ lâm, nổi bật trong giai đoạn của Ỷ Thiên Đồ Long Ký và cũng được nhắc qua trong các tác phẩm khác. Điểm nổi bật của giáo phái này chính là “tà ma ngoại đạo“, thường xuyên chống đối lại triều đình. Đây có thể nói là một giáo phái đi ngược lại với các môn phái “danh môn chính phái” khác của võ lâm như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi hay là Cái Bang khi họ có nhiều hoạt động mờ ám và một tín ngưỡng riêng du nhập từ ngoại bang.
Điểm nổi bật làm nên tên tuổi của Minh Giáo không chỉ là một môn phái đi ngược lại với xu hướng ôn hòa, quang minh chính đại. Mà họ còn sở hữu nhiều đại cao thủ xuyên suốt bao thời kỳ, khiến cho Minh Giáo luôn đứng vững trước các sự công kích và tấn công từ cả triều đình và các môn phái khác. Tới thời điểm Trương Vô Kỵ lãnh đạo Minh Giáo cùng võ lâm chống lại nhà Nguyên thì Minh Giáo vụt sáng mạnh mẽ nhưng rồi sau đó cũng biến mất.
Vậy thì Minh Giáo trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Khái quát về Minh Giáo
Minh Giáo cũng giống như Thiếu Lâm, Nga Mi hay Võ Đang là một giáo phái có thật trong lịch sử. Tên cổ xưa của họ là Mani Giáo, đọc lịch đi thì cũng sẽ thành Ma Giáo. Đây là một giáo phái cổ được người Ba Tư sáng lập vào khoảng thế kỷ thứ ba. Minh Giáo sau đó được truyền sang Trung Quốc vào giai đoạn cuối nhà Đường và được triều đình công nhận, vì thế nó đã được truyền bá khắp đất nước và trở thành một giáo phái có ảnh hưởng lớn tới dân chúng.
Minh giáo trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung cũng được mô tả là Ma Giáo, vì họ bị triều đình đàn áp trong một thời gian dài phải hoạt động trong bóng tối, khiến cho người trong thiên hạ ít biết về họ, nên cũng coi giáo phái này là ma quỷ. Khác với các môn phái chính tông thì Minh Giáo tôn “giáo chủ” làm thủ lĩnh. Tín ngưỡng như Quang Minh Thần, họ tôn thờ mặt trời và mặt trăng. Đây sẽ chính là điểm mà chúng ta sẽ suy xét tới Nhật Nguyệt Thần Giáo sau này
Chúng ta phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa môn phái và giáo phái.
- Môn phái: khởi nguồn từ võ công, nó có tính kế thừa và không phải cứ thích là vào được như bang hội hay là giáo. Nên môn phái ít nhân lực nhưng chất lượng.
- Giáo phái: thì nó chú trọng tới tôn giáo truyền bá tư tưởng. Nghĩa là đa phần những người gia nhập đều sẽ có một niềm tin và tín ngưỡng được quy định ở giáo phái và họ sẽ được gia nhập với số lượng lớn.
Các giáo đồ của Minh Giáo thường sẽ mặc đồ trắng, có chủ trương ăn chay, kiêng rượu, đề cao tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Mọi người trong giáo phái sẽ coi nhau như một gia đình. Họ tin rằng các lực lượng quang minh sẽ đánh bại lực lượng hắc ám.
Trong các thời kỳ như của nhà Tống hay nhà Nguyên thì các cuộc nổi dậy của nông dân thường sẽ được dùng làm vỏ bọc cho Minh Giáo. Tiêu biểu như ở thời kỳ nhà Tống thì phổ biến ở Hoài Nam, Triết Giang, Phúc Kiến. Với những cái tên quen thuộc như Phương Niệm Kinh hay là Phương Lập thì đều là người của Minh Giáo. Dưới thời của vua Tống Huy Tông, Minh Giáo được nhắc tới như một phiến quân mà triều đình muốn trấn áp nhưng đều đã bị thất bại nặng nề. Hoàng Thường, người đã viết ra cuốn Cửu Âm Chân Kinh cũng gắn liền với chiến tích tiêu diệt Minh Giáo.
Minh Giáo có niềm tin và hoài bão làm thiện diệt ác cứu thiên hạ, nên nó cũng thường có xu hướng đối đầu trực tiếp với triều đình. Nên nếu các thủ lĩnh của Minh Giáo lãnh đạo lòng lẻo thì sự đối đầu này thường sẽ bị biến tướng và biến chất. Chính vì điều này nên Minh Giáo cũng có mục đích khác hẳn với các môn phái khác. Khi các môn phái thường muốn chứng minh võ công của mình là đệ nhất thiên hạ, hướng tới chức Minh Chủ Võ Lâm thì Minh Giáo đơn giản là họ hướng tới chính trị.
Cũng chính vì thế mà Minh Giáo thường sẽ bị triều đình đàn áp trong một thời gian dài, và họ cũng không có ý định thỏa hiệp với triều đình nên về lâu dài sẽ sinh ra các hành vi tiêu cực, cực đoan không phù hợp với xã hội của giai đoạn đó nữa. Việc họ có rất nhiều cao thủ trong giáo phái, đi kèm với nhiều hành động được đánh giá là phạm tội nên Minh Giáo không chỉ đối địch với triều đình mà còn là với các môn phái khác trong võ lâm.
Khi nhà Tống sục đổ và nhà Nguyên nối tiếp, sự đối đầu của Minh Giáo với triều đình càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Nhưng ít ra thì ở giai đoạn đó thì điều này lại được coi là hợp lý, đúng đắn. Vì người Hán muốn giành lại giang sơn của họ từ người Mông Cổ. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì giáo chủ Minh Giáo là Dương Đỉnh Thiên giáo chủ đời thứ 33 của Minh Giáo. Biến cố của Minh Giáo cũng là từ đây khi Dương Đỉnh Thiên thiệt mạng không rõ nguyên nhân. Minh Giáo rơi vào tình trạng không có giáo chủ, dẫn tới việc xảy ra bất hỏa nội bộ. Khi các cao thủ trong giáo đều muốn tranh giành vị trí giáo chủ. Tuy nhiên thực lực của Minh Giáo vẫn khó có thể xem thường
Chớp lấy cơ hội đó Thành Khôn và triều đình nhà Nguyên đã tìm cách ly gián các môn phái trong võ lâm, xúi dục họ cùng đánh Minh giáo trong lúc giáo phái này đang lục đục. Khi này Lục Đại Môn Phái của võ lâm là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Hoa Sơn và Không Động đã cùng nhau tổng tấn công vào đỉnh Quang Minh, trụ sở chính của Minh Giáo. Tuy nhiên Trương Vô Kỵ đã vô tình học được thần công trấn phái của Minh Giáo là Càn Khôn Đại Na Di và giúp Minh Giáo giải trừ được kiếp nạn này. Vì thế Trương Vô Kỵ cũng đã được mọi người tôn lên làm giáo chủ đời thứ 34.
Sau đó Trương Vô Kỵ đã tới hỗ trợ Võ Đang giải nguy khi triều đình tiếp tục muốn làm lung lay tận gốc môn phái này. Được sự hưởng ứng của các môn phái khác, Trương Vô Kỵ đã thành lập một liên minh cùng với các môn phái tại Trung Nguyên nhằm lật đổ nhà Nguyên. Sau đó, Trương Vô Kỵ đã lui về ở ẩn truyền lại chức Giáo chủ cho Dương Tiêu.
Tới thời nhà Minh thì triều đình nhận ra Minh Giáo vẫn là một mầm họa nên đã truy lùng và đàn áp gắt gao khiến cho Minh Giáo dần suy vong và biến mất khỏi giang hồ.
Tổ chức của Minh Giáo
Tổng bộ của Minh Giáo nằm trên đỉnh Quang Minh ở núi Côn Luân, đây là một địa hình dễ thủ khó công. Về cơ cấu tổ chức thì đây là một giáo phái ngoại nhập nên tổ chức của nó cũng sẽ khác so với thông thường. Đứng đầu Minh Giáo là Giáo Chủ, tiếp đến là Quang Minh tả hữu thánh sứ, bên dưới là Tứ đại pháp vương, ngũ tán nhân, ngũ hành kỳ, sau đó mới tới các đà chủ cai quản các phân đà là các chi nhánh ở khắp nơi.
Dưới quyền của Quang Minh tả hữu thánh sứ có Tứ môn: Thiên, Địa, Phong, Lôi. Ngũ hành Kỳ được phân rai làm: Nhuệ Kim kỳ, Cự Mộc kỳ, Hồng Thủy kỳ, Liệt Hỏa kỳ, Hậu Thổ kỳ do các trưởng kỳ sứ cai quản. Bên ngoài của Quang Minh Đỉnh được bảo vệ bởi Tam Đường là: “Thiên Vi”, “Địa Vi”, “Thiên Thị”; ngoài ra còn có Ngũ Đàn: “Thần Xà”, “Thanh Long”, “Bạch Hổ”, “Chu Tước”, “Huyền Vũ”.
Môn nhân/Giáo đồ của Minh Giáo
Các giáo chủ nổi tiếng của Minh Giáo được nhắc tới đó là:
- Phương Lập thời nhà Tống,
- Chung giáo chủ (đời thứ 8)
- Vương Tông Thạch (khởi sự tại Tín Châu)
- Dư Ngũ Bà (thời Thiệu Hưng)
- Trương Tam Thương (thời Lý Tông Thiệu)
- Thạch Giáo Chủ đời thứ 31
- Y Giáo Chủ đời thứ 32,
- Dương Đỉnh Thiên đời thứ 33,
- Trương Vô Kỵ đời thứ 34
- Dương Tiêu đời thứ 35.
Phó giáo chủ:
- Tạ Tốn
Quang Minh Tả Hữu Sứ Giả của thời Dương Đình Thiên
- Dương Tiêu
- Phạm Giao.
Tứ Đại Hộ Giáo Pháp Vương:
- Tử Sam Long Vương – Đại Ỷ Ty
- Bạch Mi Ưng Vương – Ân Thiên Chính
- Kim Mao Sư Vương – Tạ Tốn
- Thanh Dực Bức Vương – Vi Nhất Tiếu
Minh Giáo Ngũ Tán Nhân:
- Bành hoà thượng – Bành Oanh Ngọc
- Thiết Quan đạo nhân – Trương Trung
- Bố Đại hoà thượng – Thuyết Bất Đắc
- Lãnh Diện tiên sinh – Lãnh Khiêm
- Chu Điên
Minh giáo có tám điều luật, bao gồm ba điều luật chính:
- Giáo đồ Minh Giáo cấm trở thành quan lại, tướng lĩnh, thậm chí là hoàng đế trong triều đình
- Giáo đồ Minh Giáo không được phép áp bức người khác
- Giáo đồ Minh giáo không được đánh lẫn nhau.
Năm điều luật phụ bao gồm: Giáo đồ Minh Giáo phải là những người giữ lời hứa đối xử với nhau như anh em tôn trọng người già, phụ nữ, huynh đệ tỷ muội, cha mẹ và hảo hữu. Bảo vệ Minh Giáo và tướng lĩnh cấp trên bằng cả tính mạng.
Chi nhánh của Minh Giáo
Về các mối quan hệ thì chúng ta sẽ cần phân biệt Minh Giáo Trung Nguyên với Minh Giáo Ba Tư. Minh Giáo vốn có nguồn gốc từ Ba Tư nên Minh Giáo Ba Tư sẽ là tổng bộ của toàn bộ hệ thống giáo phái. Trải qua nhiều năm thì Minh giáo tại Trung Nguyên đã tự phân ra môn hộ riêng, nhưng họ vẫn giữ mối quan hệ với tổng bộ chính của Minh giáo tại Ba Tư.
Minh Giáo Ba Tư sẽ Khác ở chỗ giáo chủ sẽ do nữ giới đảm nhận, vị trí này sẽ được tuyển chọn từ các thánh nữ. Cứ mỗi một thế hệ thánh nữ thì sẽ được cử tới Trung Nguyên để thực hiện một nhiệm vụ riêng biệt. Với Đại Ỷ Ty thì bà ta sẽ có nhiệm vụ tìm lại Càn Khôn Đại Na Di về cho Minh Giáo Ba Tư. Thánh nữ sẽ có địa vị đặc biệt, phải giữ gìn trinh tiết. Nếu để thất thân thì Minh Giáo Ba Tư sẽ phái người truy sát đến cùng trời cuối đất, đó chính là câu chuyện của Tử Sam Long Vương. Bà đã làm thất tiết nên phải đóng giả làm Kim Hoa Bà Bà để trốn tránh sự truy sát này
Bên cạnh tổng bộ Minh Giáo Trung Nguyên ở đỉnh Quang Minh, thì họ cũng sẽ có nhiều phân đà trên khắp cả nước như Cái Bang. Mỗi phân đà sẽ có một đà chủ đảm nhận chuyên thu nhận các giáo đồ và huấn luyện họ trở thành các môn đồ trung thành của giáo phái. Ngoài ra Minh Giáo cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Ưng Giáo, một giáo phái do Ân Thiên Chính tự thành lập khi Minh Giáo xảy ra mâu thuẫn, nhưng Thiên Ưng Giáo vẫn hết mình hỗ trợ nếu Minh Giáo gặp nạn.
Khi Trương Vô Kỵ trở thành giáo chủ thì Thiên Ưng Giáo đã xáp nhập trở lại với Minh giáo trở thành Thiên Ưng Kỳ.
Bảo Vật của Minh Giáo
Minh Giáo cũng có bảo vật cho mình đó là Thánh Hỏa Lệnh, được coi là thánh bảo của giáo phái, được làm từ hỗn hợp của Bạch Kim Huyền Thiết và Thạch Kim Sa khiến cho kết cấu của nó cứng ngang với các thần binh cùng thời như Ỷ Thiên Kiếm hay là Đồ Long Đao.
Thánh Hỏa Lệnh có hình dạng là một tấm thẻ bài màu đen dài khoảng hai thước, nó có tổng cộng sáu tấm còn hiện diện, và trên mỗi tấm Thánh Hỏa Lệnh đều có khắc chữ, có kết cấu phản chiếu với ánh sáng và thay đổi màu sắc.
Ban đầu thì Thánh Hỏa Lệnh có tổng cộng là 12 tấm, sáu tấm khắc võ công còn sáu tấm khắc Tam Đại Lệnh và Ngũ Tiểu Lệnh của Minh Giáo Kinh. 12 tấm này được rèn bởi Hoắc Sơn Lão Nhân và cũng chính ông ta đã khắc lên đó võ công tinh hoa của cả đời mình. 12 Thánh Hỏa Lệnh từng là ký hiệu mệnh lệnh của giáo chủ Minh Giáo Trung Nguyên. Tuy nhiên thì lâu dần ít người có thể hiểu được chữ Ba Tư khắc trên đó nên cũng không nhận ra đó là một bí kí võ công.
Công phu trên Thánh Hỏa Lệnh về bản chất chỉ là những chiêu thức quái dị, nó kết hợp với Càn Khôn Đại Na Di lại tạo thành đỉnh cao. Thạch Giáo chủ đời thứ 31 đã vô tình làm thất lạc Thánh Hỏa Lệnh và nó đã được giáo chủ Ba Tư tìm thấy. Khi Tiểu Chiêu trở về Minh Giáo Ba Tư đã mang trả Thánh Hỏa Lệnh về cho Trương Vô Kỵ. Sau đó, Trương Vô Kỵ lại sử dụng chính Thánh Hỏa Lệnh để làm nguyên liệu đúc lại Đồ Long Đao.
Võ Công của Minh Giáo
Về võ công thì Minh Giáo có Càn Khôn Đại Na Di, đây là bộ võ công tâm pháp trấn phái của Minh Giáo, nó có nguồn gốc từ Minh Giáo Ba Tư, chỉ có giáo chủ mới có thể tu luyện. Không rõ lý do vì sao Minh Giáo Ba Tư lại bị thất truyền tâm pháp này, nhưng Minh Giáo ở Trung Nguyên thì vẫn còn lưu giữ nên họ đã cử các thánh nữ sang Minh Giáo Trung Nguyên để lấy mang về sử dụng
Bản chất thì đây là môn tâm pháp vận kình sử lực xảo diệu, đạo lý căn bản của Càn Khôn Đại Na Di là làm thế nào có thể phát huy tối đa tiềm lực trong cơ thể, sau đó mới lôi kéo kình lực của đối phương. Nó thường được sử dụng để di chuyển nội lực trong cơ thể đồng thời giảm sát thương các chiêu thức do kẻ địch gây ra hoặc ném trả các chiêu thức trở lại gây bất ngờ cho đối phương
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì Càn Khôn Đại Na Di được mô tả là gồm có bảy tầng. Tầng thứ nhất chủ yếu là cách vận công dẫn khí, người thông hiểu nhanh cũng phải mất tới 7 năm để luyện xong một tầng, biến nó trở thành môn công phu khoai nhất trong các tuyệt kỹ võ học.
Trương Vô Kỵ có cơ duyên luyện thành cũng là nhờ khả năng thiên bẩm mang nội lực tuyệt đình của Cửu Dương Thần Công, giống như Đoàn Dự luyện Lục Mạch Thần Kiếm vậy, cũng là nhờ nội lực quá lớn dễ dàng thi triển hơn bình thường. Dương Đỉnh Thiên đang ở tầng thứ tư, Dương Tiêu thì cũng mới chỉ luyện tới tầng thứ hai. Người luyện cao nhất là Chung giáo chủ (đời thứ 8) luyện được tới tầng thứ năm. Trương Vô Kỵ có Cửu Dương Thần Công hỗ trợ đã lên được tầng thứ sáu, chứ cũng chưa phải là tầng thứ bảy
Theo như Kim Dung chia sẻ, thì vị cao nhân sáng tạo ra Càn Khôn Đại Na Di cũng mới chỉ luyện tới tầng thứ sáu nhưng lại thích chém gió thêm tầng thứ bảy, dựa vào trí tưởng tượng mà nghĩ ra chứ cũng chả biết nó sẽ đi tới đâu.
Nên khi Trương Vô Kỵ luyện tới đoạn đầu của tầng thứ bảy, thấy nó sai sai nên đã dừng lại. Nếu cố luyện tới tầng chém gió này chắc chắn sẽ tẩu hỏa hóa điên, vì nó chả có căn cứ quái nào cả.
Giả thuyết hậu Minh Giáo
Về giả thuyết hậu Minh Giáo thì nhiều người tin rằng Nhật Nguyệt Thần Giáo chính là Minh Giáo đổi tên, hoặc là một nhánh nhỏ tàn tích nào đó của Minh Giáo hình thành nên. Vì chữ Minh trong tiếng Hán nó bao gồm chữ Nhật và chữ Nguyệt.
Ngoài ra như đã nói thì Minh Giáo thờ thần mặt trăng và mặt trời, nó cũng chính là Nhật và Nguyệt. Trong Nhật Nguyệt Thần Giáo, cũng có tổ chức tương tự như Minh Giáo, khi cũng có giáo chủ hay là Quang Minh Sứ Giả.
Lý do mà Nhật Nguyệt Thần Giáo trở thành một tà giáo chính hiệu, không còn theo quy củ của Minh Giáo được đưa ra là do Chu Nguyên Chương từng là người của Minh Giáo. Và khi lập ra nhà Minh thì đã hiểu rõ bản chất của Minh Giáo nên mới đàn áp Minh Giáo tới cùng, khiến cho Minh Giáo lụi tàn.
Nguyên nhân Minh Giáo bị coi là ma giáo được Dương Tiêu và Dương Đỉnh Thiên kết luận rằng là do giáo giáo chủ các đời không đủ tài đức để chỉnh đốn giáo chúng đi đúng với giáo quy, khiến cho giáo quy không còn được coi trọng và biến tướng. Bản chất của Minh Giáo vốn tốt về mặt cốt lõi, nhưng không tốt ở việc chỉnh đốn được giáo chúng.
Cách hành xử của Minh Giáo cũng cứng nhắc ở mặt làm thiện. Triều đình sai sót là không tránh khỏi, nhưng không ôn hòa thỏa hiệp cùng với triều đình để cùng giải quyết mà luôn muốn lật đổ chống phá. Điều đó đã khiến tang thương còn nhiều hơn. Chính nghĩa này có phần bị biến tướng và thao túng một cách mù quáng. Khi Dương Đỉnh Thiên biến mất thì ngay cả những thủ lĩnh cấp cao của Minh Giáo cũng hành xử không còn được chuẩn mực khiến cho cả võ lâm oán trách, thù hận.
Và khi Trương Vô Kỵ lên làm giáo chủ, Trương Vô Kỵ đã có thể đưa Minh Giáo trở lại đúng giá trị cốt lõi của nó bằng cách chỉnh đốn được toàn bộ giáo phái, khi các thủ lĩnh cũng cùng đồng lòng thực hiện. Vì thế mà Minh Giáo đã được toàn bộ võ lâm công nhận là giáo phái chân chính, dân chúng cũng cực kỳ ủng hộ để cùng nhau lập đại nghiệp chuyền hóa giang sơn. Đây là lý do tại sao Minh Giáo có sự chuyển hóa từ tà sang chính lớn tới như vậy trong Ỷ Thiên Đô Long Ký.
Comments 3